Phát triển nhân tài khoa học công nghệ: Tránh "sống lâu lên lão làng"!

24/12/2022 06:41
TS. Hoàng Ngọc Vinh
GDVN-Nhà nước có chiến lược phát triển KHCN theo các mũi nhọn ưu tiên, nhưng khi hỏi có bao nhiêu nhân tài KHCN mỗi lĩnh vực thì hầu như chưa ai trả lời được.

Việt Nam có nhiều nhà khoa học tài năng ở nước ngoài, được công nhận bởi nhiều tổ chức khoa học và các trường đại học uy tín, nhưng ở trong nước, vì sao cũng những con người trong số đó lại chưa phát huy hết sở trường của mình cho khoa học công nghệ.

Có người nói là do môi trường thể chế, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học... nhưng cũng có người cho rằng chúng ta chưa có một chiến lược đào tạo, tuyển chọn, đánh giá nhân tài và giữ chân nhân tài khoa học công nghệ một cách bài bản để họ phụng sự đất nước, đôi khi hành chính hóa việc phát triển nhân tài...

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Một số nguyên nhân chính sau đây khiến Việt Nam vẫn luôn thiếu nhân tài khoa học công nghệ.

Thiếu chiến lược phát triển nhân tài một cách hệ thống và bài bản

Nhu cầu nhân tài khoa học công nghệ ở bất cứ quốc gia nào cũng cần. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nhu cầu ấy càng tăng cao, và việc đào tạo, tuyển dụng, giữ chân nhân tài luôn là những vấn đề lớn, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.

Nhân tài khoa học công nghệ là ai? Đó chính là những người có khả năng nghiên cứu, "đưa ra lời giải cho bài toán chưa được giải". Chúng ta đã có nhiều chương trình nhằm đạt mục tiêu phát triển tài năng khoa học công nghệ qua giáo dục và đào tạo, từ hệ thống trường chuyên, lớp chất lượng cao, cử nhân tài năng... đến đào tạo nhân lực có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, chưa có một đánh giá mang tính khoa học về việc: bao nhiêu học sinh trường chuyên đã tốt nghiệp, trở thành các nhà khoa học công nghệ, là giáo sư hay tiến sĩ giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước? Và câu hỏi có bao nhiêu nhân tài được ươm tạo ở hệ thống trường chuyên trở thành nhà lãnh đạo, quản lý; có bao nhiêu trong số đó trở thành những doanh nhân chân chính làm giàu cho đất nước, cũng tương tự.

Có lẽ, chưa có nghiên cứu cụ thể để trả lời cho những câu hỏi trên. Thành tích của hệ thống đào tạo trường chuyên hiện đang đọng lại ở số huy chương Olympic quốc tế. Nhà nước có chiến lược phát triển khoa học công nghệ theo các mũi nhọn ưu tiên, nhưng khi hỏi có bao nhiêu nhân tài khoa học công nghệ trong mỗi lĩnh vực ưu tiên ở Việt Nam thì hầu như chưa ai trả lời được.

Ở trường đại học, sinh viên được đào tạo để trở thành nhân tài khoa học công nghệ tương lai, nhưng với chương trình và cách dạy như nhiều trường hiện nay, rất khó để họ trở thành các nhà nghiên cứu. Một chương trình thấm đượm tinh thần dân chủ, tự do sáng tạo trong tư duy, không rập khuôn máy móc, cách giảng dạy khoa học sẽ sẽ giúp cho những nhà khoa học tương lai phát triển phương pháp nghiên cứu, kỹ năng viết báo cáo, phân tích diễn giải, kỹ năng thông tin, tư duy logic-phản biện...

Con đường phát triển nhân tài khoa học công nghệ trước hết rất cần có sự thay đổi mạnh mẽ chất lượng giáo dục đại học và sau đại học với tinh thần sáng tạo. Ảnh minh họa: VNU

Con đường phát triển nhân tài khoa học công nghệ trước hết rất cần có sự thay đổi mạnh mẽ chất lượng giáo dục đại học và sau đại học với tinh thần sáng tạo. Ảnh minh họa: VNU

Tuy nhiên, hiện nay, giảng viên được giữ lại trường quen với cách học tập, nghiên cứu được truyền lại từ thế hệ các giảng viên trước. Sự đam mê trong khoa học công nghệ của một bộ phận giảng viên hạn chế, mải dạy hơn là nghiên cứu đã ảnh hưởng không nhỏ đến động lực, sự đam mê của các nhà khoa học tương lai này.

Những vấn đề về tự do học thuật, tự chủ, sáng tạo cũng cần được đặt ra như một phương tiện để cải thiện chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học. Có ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục đại học hiện nay, đặc biệt ở phần giáo dục đại cương trong nhiều trường đại học có thể nói là cản trở nhất định đến năng lực khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên.

Ở khía cạnh khác, những người có trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ được đào tạo trong thời gian qua có thực sự trở thành nhân tài chưa thì cũng ít có đánh giá một cách khác quan. Nếu tìm hiểu, sẽ thấy có khá nhiều đề tài của nghiên cứu sinh hàm lượng khoa học rất ít thậm chí không có... Chất lượng của nhân lực mà chúng ta vẫn tạm gọi "nhân tài" vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Những nguyên nhân dễ thấy nhất dẫn đến các câu hỏi chưa có lời đáp trên có thể đến từ nhiều hướng: là đội ngũ các giáo sư và phó giáo sư – những người hướng dẫn nhà khoa học trẻ còn nhiều hạn chế; số giáo sư giỏi, nghiêm túc có nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố có giá trị không nhiều. Thầy chưa giỏi thì rất khó có trò giỏi.

Việc tuyển chọn và tạo điều kiện cho nhân tài phát triển chưa tốt

Nhân tài thực sự là người nắm vững được quy luật để vận dụng sáng tạo. Họ luôn có những ý tưởng và hành động không lối mòn, khác bình thường và kết quả mang lại cũng có thể khác thường. Suy cho cùng doanh nghiệp này hơn, hay thua với doanh nghiệp kia chính là sự khác biệt được làm nên bởi những con người khác biệt. Việc tuyển chọn nhân tài đưa vào các vị trí phù hợp là vấn đề còn thách thức trong xã hội ta hiện nay - khi giá trị vật chất và các mối quan hệ khiến cho việc lựa chọn nhân sự đôi lúc bị méo mó.

Cũng đôi khi, nhầm lẫn giữa nhân tài về khoa học công nghệ với nhân tài về lãnh đạo chính trị cũng dẫn đến trở ngại, khi có suy nghĩ rằng: cứ có chức quyền trong bộ máy hay tổ chức là có quyền uy về nghiên cứu khoa học.

Nếu như nhân tài chính trị phải là những người trung thành với đảng chính trị, có nhãn quan chính trị, có tầm nhìn xa, nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương, làm cho mọi người có lòng tin đi theo mình không chút ngờ vực. Thì nhân tài trong khoa học công nghệ lại là những con người có đặc trưng tư duy đổi mới, tìm tòi, sáng tạo: dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất ra những giải pháp chưa từng có. Họ là những con người đam mê cống hiến cho khoa học công nghệ, tư duy tự do để sáng tạo ra những cái mới. Nếu như nhân tài trong bộ máy công quyền có trách nhiệm trước hết là sự tuân thủ luật pháp, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thì nhân tài khoa học công nghệ có thể suy nghĩ về những điều mà luật pháp chưa nghĩ đến, những sản phẩm phục vụ cuộc sống chưa từng có, rồi tổ chức nghiên cứu, thực hiện những ý tưởng đó.

Việc chọn nhân tài trong một tổ chức trước hết phải có quy hoạch khách quan, có bồi dưỡng, giao nhiệm vụ thách thức để thử thách trong các hoàn cảnh khác nhau và đánh giá kết quả cũng như tác động của hành vi, thái độ hợp tác mà người đó thực hiện. Việc đánh giá có thể có nhiều cách thông qua giao nhiệm vụ cụ thể, qua giao tiếp, qua việc viết lách để thấy được tầm tư duy và qua hành động thực tế để tránh hiện tượng nói, viết hay nhưng làm thì dở.

Muốn chọn đúng nhân tài thì ngoài việc giao nhiệm vụ thực hiện trong các hoàn cảnh khác nhau, rất cần những người lãnh đạo đi trước có nhân cách tốt, có năng lực vượt trội để giúp đỡ, xem xét, đánh giá tài năng trên cơ sở những tiêu chí và những chỉ báo khách quan. Chỉ có lãnh đạo xuất sắc mới có thể chọn được nhân tài xuất sắc.

Gần đây, một số đơn vị tổ chức thi để bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí lãnh đạo, quản lý là dấu hiệu tốt góp phần lựa chọn nhân tài khách quan và khoa học hơn. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi lo ngại về năng lực của người đứng ra đánh giá, cách thức tổ chức kỳ thi... để đảm bảo chọn đúng, không theo cảm tính. Điều này đòi hỏi sự công tâm và tài năng của những người được giao nhiệm vụ đánh giá, tuyển chọn.

Khi đã có nhân tài rồi, việc tạo điều kiện và môi trường để giữ chân nhân tài và phát huy hết mọi tiềm năng của những người đó là nhiệm vụ rất khó khăn. Những vấn đề văn hóa ứng xử, quan hệ văn hóa giữa đồng nghiệp (yêu quý hay đố kỵ, tạo điều kiện hay không tạo điều kiện...) vẫn tồn tại trong mọi tổ chức, trong đó có cơ quan khoa học công nghệ.

Tổ chức tạo điều kiện cho nhân tài, trước hết là về không gian tinh thần để nhà khoa học an tâm làm việc, cống hiến... sau đó là các điều kiện vật chất cho bản thân nhà khoa học có thể sống khấm khá lên, có cơ sở vật chất, tài chính để hoạt động theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của mình; tạo điều kiện cho nhà khoa học giao lưu với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; xây dựng văn hóa hợp tác trong khoa học công nghệ - Nếu thiếu đi văn hóa hợp tác thì cũng giống như các vector không cùng phương và chiều nên không "hợp lực" được, đôi khi còn triệt tiêu động lực của nhau. Văn hóa này đòi hỏi thói quen hợp tác, chia sẻ giá trị, chuẩn mực học thuật, kỳ vọng, thái độ cam kết, đam mê, khiêm tốn, niềm tin đối tác nghiên cứu khoa học... khi ấy tài năng có điều kiện phát triển.

Ví như trong một trường đại học, khi mà quyền lực hành chính (trưởng các đơn vị) còn lớn hơn và nhiều lợi ích hơn quyền lực học thuật thì nhân tài khoa học công nghệ ở đó rất dễ bị thui chột. Nhân tài khoa học công nghệ đôi khi có những ý tưởng vượt ra ngoài những lối suy nghĩ cũ, thói quen và niềm tin cũ, rất có thể, sẽ bị chê bai là người “kỳ dị”. Vì thế, rất cần lãnh đạo tổ chức khoa học công nghệ có trải nghiệm, lắng nghe, thuyết phục và tin tưởng. Nhân tài có khả năng nhìn thấu suốt vấn đề, thẳng thắn trao đổi nhưng lãnh đạo tự ái, không nghe, bỏ ngoài tai thì người đó sẽ mất động lực, dễ chán nản và muốn tìm cho mình một bến đỗ khác. Kết quả: chúng ta sẽ mất nhân tài.

Tóm lại, nguyên nhân khiến chúng ta vẫn luôn thiếu nhân tài khoa học công nghệ là do chiến lược phát triển nhân tài theo lĩnh vực khoa học công nghệ, bao gồm từ giáo dục, đào tạo cho đến tuyển dụng, sử dụng, thu hút và đãi ngộ các nhà khoa học công nghệ.

Câu hỏi vì sao nhiều nhà khoa học công nghệ Việt Nam thành danh ở nước ngoài, nhưng ở trong nước lại khá "trầy trật" khiến những người hoạch định chính sách, giáo dục và đào tạo cũng như khoa học công nghệ cần suy nghĩ. Con đường phát triển nhân tài khoa học công nghệ trước hết rất cần có sự thay đổi mạnh mẽ chất lượng giáo dục đại học và sau đại học với tinh thần sáng tạo, dân chủ, hợp tác và khởi nghiệp; sau đó là tạo nên hệ sinh thái nuôi dưỡng cho các tài năng phát triển. Tránh "sống lâu lên lão làng" trong sự nghiệp khoa học công nghệ, đóng khung tư duy nghiên cứu khoa học công nghệ và tránh hành chính hóa, chính trị hóa phát triển nhân tài khoa học công nghệ.

TS. Hoàng Ngọc Vinh