"Đua nhau" tổ chức thi riêng bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT có lãng phí?

24/12/2022 06:46
Anh Trang
GDVN- Với điều kiện chỉ tiếp cận được kỳ thi tốt nghiệp, việc các trường lấy nhiều chỉ tiêu kết quả thi ĐGNL sẽ tạo bất công với HS vùng sâu, xa,...

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc các trường đại học “thi đua” nhau tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ đem lại nhiều bất cập.

Thứ nhất, gây ra sự bất công trong xét tuyển đại học. Vì hiện nay, số học sinh sống ở nông thôn khá nhiều, trong khi đó đa số các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học thường tổ chức ở thành phố lớn. Ví dụ như, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với đông đảo thí sinh đăng ký tham gia, tổ chức ở các thành phố lớn như Cần Thơ, Quy Nhơn, Đà Nẵng,.. Vì vậy, học sinh ở vùng sâu, vùng xa khó có điều kiện tham dự kỳ thi.

Như vậy, nếu các trường đại học dành quá nhiều chỉ tiêu xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực thì số chỉ tiêu dành cho các phương thức còn lại, đặc biệt là xét kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ ít đi. Với điều kiện chỉ tiếp cận được kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cơ hội vào đại học của học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn sẽ bị thu hẹp, gây mất công bằng giữa thí sinh các vùng miền.

Thứ hai, tổ chức kỳ thi riêng bên cạnh kỳ thi chung sẽ tạo sự lãng phí. Việt Nam khác với các nước khác, phụ huynh thường dẫn con đi thi. Điều này kéo theo việc họ phải nghỉ làm, thậm chí nhà ở xa địa điểm thi còn phải thuê địa điểm nghỉ ngơi, tốn kém chi phí đi lại.

Thứ ba, hiện nay, ở nước ta chưa có nơi nào đào tạo bài bản về phương pháp đánh giá, kỹ thuật đánh giá, kỹ thuật ra đề mà chủ yếu học tập cách ra đề từ các đề thi nước ngoài như SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Hoa Kỳ) chẳng hạn. Điều này cũng gây hạn chế trong việc ra đề thi đánh giá năng lực.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng. Ảnh: AN

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng. Ảnh: AN

“Không phải trường nào cũng đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng “trăm hoa đua nở” kỳ thi đánh giá năng lực thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thể hiện vai trò quản lý của mình. Có thể gộp các nhóm trường chung với nhau để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, trong miền Nam sẽ do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, miền Bắc có thể do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Lúc này, mỗi đại học, mỗi trường đại học sẽ cử các giảng viên có năng lực tham gia vào khâu ra đề, đánh giá đề thi. Nếu các trường thi nhau tổ chức kỳ thi riêng rẽ thì không thể đảm bảo đề có chất lượng hay có sai sót gì không”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nói.

Ngoài ra, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc kiểm định đề thi đánh giá năng lực sau một thời gian tổ chức vô cùng quan trọng. Điều này tạo cơ sở khoa học cho việc có nên tiếp tục triển khai và sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển đại học không.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, các kỳ thi từ đánh giá năng lực đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần đẩy nhanh hình thức thi trực tuyến để đảm bảo độ chính xác, khách quan, minh bạch.

Cùng bàn về kỳ thi đánh giá năng lực, Giáo sư Đặng Ứng Vận - nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cho hay, xét về khía cạnh năng lực thì có 3 yếu tố đó là kiến thức, kĩ năng và thái độ. Vậy, khi các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thì cần xác định được rõ tập trung vào yếu tố nào, phân bổ câu hỏi đề thi ra sao để đáp ứng được mục tiêu đánh giá.

“Nếu đã tiến hành thi đánh giá năng lực bằng các câu hỏi trắc nghiệm thì khó có thể đánh giá được toàn diện các năng lực học sinh hiện có. Tùy vào mục đích đào tạo riêng, trên cơ sở đó các trường có thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực để đáp ứng yêu cầu của chuyên ngành đào tạo”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nói.

Giáo sư Đặng Ứng Vận. Ảnh: TL

Giáo sư Đặng Ứng Vận. Ảnh: TL

Cũng theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực nhưng cần phải làm khâu đối chiếu, tham chiếu giữa kết quả đầu vào với kết quả học tập trung học phổ thông hoặc kết quả học tập của sinh viên sau khi đỗ vào trường. Hiện nay, một số trường của Đại học Quốc gia đã áp dụng thử cách đối chiếu này. Từ việc tham chiếu, đối chiếu sẽ thấy được mối tương quan, từ đó chứng minh được sự hiệu quả của kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào.

Nếu kết quả tiệm cận với nhau thì sử dụng còn nếu có sự khác biệt lớn thì cần cân nhắc, xem xét đến việc có nên tổ chức tiếp hay không.

Anh Trang