Vì sao hàng tỷ đồng chương trình “máy tính cho em” ở Gia Lai vẫn nằm ngân hàng?

25/12/2022 06:49
AN NGUYÊN
GDVN- Hàng loạt thủ tục rối rắm, không có sự thống nhất giữa các cơ quan khiến việc mua sắm máy tính bảng cho học sinh vẫn “giậm chân tại chỗ” suốt một năm qua.

Hàng chục tỷ đồng vẫn nằm im trong ngân hàng

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, ngày 2/3/2022, Sở đã tiếp nhận đầy đủ nguồn tiền tài trợ 36,3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân hàng Vietinbank hỗ trợ 25 tỷ đồng và Ngân hàng ACB hỗ trợ 10 tỷ đồng, đều được chuyển về tài khoản của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai). Bên cạnh đó, nguồn kinh phí huy động các tổ chức, cá nhân tại tỉnh Gia Lai là hơn 1,3 tỷ đồng.

Học trò vùng khó khăn đang trông chờ những chiếc máy tính bảng để phục vụ việc học tập. Ảnh: AN

Học trò vùng khó khăn đang trông chờ những chiếc máy tính bảng để phục vụ việc học tập. Ảnh: AN

Thực hiện theo công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã có các văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh này triển khai sử dụng kinh phí chương trình “sóng và máy tính cho em”.

Quá trình thực hiện đã làm các phê duyệt danh mục thiết bị, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai thì liên tiếp gặp phải những vướng mắc, thủ tục pháp lý.

Theo một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, trong khi các văn bản số 4601 ngày 12/10/2021 và văn bản số 854 ngày 11/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều hướng dẫn giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Công đoàn Giáo dục tỉnh phối hợp với tổ chức mua sắm thiết bị, bàn giao máy tính cho học sinh kịp thời, đúng đối tượng quy định.

Nhưng thực tế tại địa phương lại tồn tại quyết định số 14/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về "quy định phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ". Theo đó, đối với những gói thầu trị giá từ 2 tỉ đồng trở lên do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Từ đó, các thủ tục mua sắm lại phải chuyển sang một trình tự rắc rối, nhiều thủ tục với các Sở, ngành hơn.

Theo đó, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo lập thủ tục "xác lập quyền sở hữu toàn dân" đối với số tiền nhận tài trợ. Toàn bộ số tiền hơn 36,3 tỷ đồng vốn được dùng để thực hiện chương trình “sóng và máy tính cho em” lại được “chuyển ngược” vào ngân sách tỉnh.

Tiếp đến, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai lại xuất ngân sách số tiền trên từ nguồn thu đã nộp vào ngân sách để thực hiện chương trình, cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo. Mỗi bước quy trình, thủ tục lại “ngốn” thêm một khoảng thời gian khiến nguồn tiền không thể chi ra được, trong khi học sinh vẫn không có máy tính bảng để dùng.

Trong khi tại nhiều địa phương khác, nguồn tiền này (kinh phí hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức xã hội quyên góp) được chuyển thẳng vào Kho bạc Nhà nước. Bởi nếu chuyển vào ngân sách thì trình tự, thủ tục để nộp vào, xuất ra phải theo quy chế chi tiêu ngân sách địa phương.

Những đòi hỏi khó

Trong công văn gửi Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vào ngày 28/8/2022, ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho rằng, từ khi nhận được kinh phí, Sở đã lập tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định.

Qua đó, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến lần thứ 4 nhưng vẫn chưa được Sở Tài chính tham mưu tỉnh phê duyệt với nhiều lý do, vướng mắc.

Về hồ sơ chứng thư thẩm định giá, Sở Tài chính yêu cầu cung cấp hồ sơ về các hợp đồng mua, bán vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa… mà đơn vị thẩm định giá không thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, còn yêu cầu tiếp cận giá máy tính bảng giao dịch mua, bán phổ biến trên thị trường.

Trong khi đó chương trình “sóng và máy tính cho em” là đặc thù, được Chính phủ khởi động, triển khai từ cuối năm 2021, yêu cầu về chính sách bán hàng và năng lực sản xuất và cung cấp máy tính bảng thuộc dự án lớn, không phổ biến trên thị trường nên doanh nghiệp không thể đáp ứng được tất cả thông tin.

“Sở Tài chính còn yêu cầu đơn vị thẩm định giá cung cấp hợp đồng mua, bán thiết bị hàng hóa, hóa đơn mua bán, hàng hóa chính thức của chương trình theo đơn giá và cấu hình xây dựng.

Đơn vị tư vấn không thể thu thập thông tin cung cấp cho chủ đầu tư vì đây là những hồ sơ lưu trữ theo quy định của Luật đấu thầu, không cung cấp tùy tiện, đối tượng tiếp cận chỉ là cơ quan chức năng có thẩm quyền như: Thanh tra, Kiểm toán…”, công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai nêu rõ.

Với những thủ tục pháp lý chồng chéo, kéo dài như trên nên việc mua sắm máy tính bảng thuộc chương trình “sóng và máy tính cho em” ở Gia Lai sẽ vẫn chưa biết đến bao giờ mới triển khai. Trong khi hàng ngàn học sinh vẫn hàng ngày trông ngóng thiết bị để học tập.

Liên quan đến việc triển khai chương trình: “sóng và máy tính cho em”, mới đây (ngày 20/12), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình này (lần 2). Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi. Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ phát động.
AN NGUYÊN