Tạp chí điện tử GDVN bình chọn 10 sự kiện nổi bật ngành giáo dục năm 2022

27/12/2022 06:23
Phạm Minh (tổng hợp)
GDVN- Năm 2022, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, học sinh, sinh viên quay trở lại trường. Toàn ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục.

LTS: Năm 2022 đã đi đến ngày những ngày cuối cùng, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục với rất nhiều những sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn một số sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2022.

Tòa soạn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của độc giả cả nước về các bình chọn này, cũng như bổ sung khác!

1. Đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non

Tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 27/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh nâng phụ cấp cho giáo viên, đặc biệt với giáo viên mầm non. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non từ 35% lên 70%.

Theo Dự thảo Tờ trình Chính phủ hôm 8/11 về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chia phụ cấp thành tám mức. Cụ thể, giáo viên mầm non đang làm việc tại xã khu vực III, thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới được hưởng 100%, còn lại 70%, gấp đôi mức 50% và 35% được quy định trong Quyết định số 255 năm 2005 của Chính phủ về nội dung này.

Những quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về mức lương, đời sống giáo viên đã mang đến niềm vui, niềm phấn khởi và nhiều kỳ vọng cho các thầy cô đang công tác trong ngành.

2. Học sinh Việt Nam thắng lớn trong các kỳ thi Olympic quốc tế

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham gia Olympic quốc tế và các em đã nỗ lực giành nhiều huy chương, giải thưởng.

Cụ thể, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.

6 học sinh Việt Nam đều đoạt huy chương tại Olympic Toán quốc tế 2022. (Ảnh: Ban tổ chức)

6 học sinh Việt Nam đều đoạt huy chương tại Olympic Toán quốc tế 2022. (Ảnh: Ban tổ chức)

Trong đó, đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia tại Olympic Toán học quốc tế lần thứ 63; Đoàn Việt Nam xếp thứ 5 toàn đoàn tại Olympic Vật lí quốc tế; Đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế cũng xếp thứ 2 với thành tích 4 Huy chương Vàng; Tại Olympic Sinh học quốc tế, đoàn Việt Nam gồm 4 thành viên đoạt 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.

Đội tuyển Việt Nam đoạt 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, đứng trong top 9 nước và vùng lãnh thổ tại Olympic Tin học quốc tế lần thứ 34 năm 2022.

Tại Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương, đoàn Việt Nam đứng thứ 3 với 7 em tham gia đoạt 3 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc.

Tại Olympic Vật lí Châu Á, đoàn Việt Nam đứng thứ 8 trong tổng số 28 đoàn, với 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen.

3. Bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục

Ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, trong đó giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong đó, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học 2022-2023.

4. Xếp hạng đại học có những bước tiến quan trọng

Năm 2022, Việt Nam ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings.

Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực (World University Ranking by Subject) năm 2022, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tên trong bảng xếp hạng của QS theo lĩnh vực đào tạo.

Theo kết quả xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2022 của tạp chí Times Higher Education (THE), có 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân.

Trong năm qua, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân lần lượt được xếp trong nhóm 601-700 và 901-1.000 trên bảng xếp hạng học thuật các đại học thế giới ARWU 2022.

Vừa qua, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á năm 2023, Việt Nam có 11 đại diện góp mặt ở lần công bố này.

5. Đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn

Ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Đối với dạy đọc, xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản. Thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh. Tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học đã bắt đầu có những đổi mới trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, mở rộng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi ra đề thi cho học sinh.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhiều lần nhấn mạnh việc chấm dứt học môn Ngữ văn theo văn mẫu, bài mẫu.

6. Cả nước có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, nhiều địa phương thiếu giáo viên

Tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ gửi báo cáo tới đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục năm 2022.

Theo đó, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông; thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học và môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với bậc trung học phổ thông.

Trong khi đó, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

Năm 2022, nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. (Ảnh minh họa: Phương Linh)

Năm 2022, nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. (Ảnh minh họa: Phương Linh)

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, hàng loạt địa phương đều chia sẻ tình trạng thiếu giáo viên.

Cụ thể tỉnh Thanh Hoá thiếu hơn 10.000 giáo viên; tỉnh Nghệ An thiếu khoảng 6.000 giáo viên; tỉnh Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên; tỉnh Đồng Nai thiếu gần 2.500 giáo viên;….

Theo chia sẻ của các địa phương, dù địa phương thiếu giáo viên nhưng lại khó tuyển dụng, bên cạnh đó xảy ra tình trạng giáo viên nghỉ việc.

7. Phụ huynh bốc thăm để giành suất học trường công cho con

Trong tháng 8/2022, khoảng 700 phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường Mầm non Hoàng Liệt vì số đăng ký gấp đôi chỉ tiêu.

Buổi bốc thăm được tổ chức tại Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Phụ huynh sẽ giành được suất học cho con nếu có được phiếu "Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường". Nếu bốc phải phiếu "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường", phụ huynh phải tìm trường ngoài công lập cho con.

Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề thiếu trường học, áp lực sĩ số lớp học ở những khu đô thị lớn hiện nay, khi dân số cơ học không ngừng gia tăng nhưng lại thiếu quy hoạch xây dựng trường học.

8. Lùm xùm những sai phạm liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Trước khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022, Bộ Công an đã khởi tố vụ án lộ đề môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022, một thí sinh đã để lộ đề thi môn Toán. Cụ thể, chiều 7/7/2022, trong thời gian thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Toán, có một thí sinh lợi dụng sơ hở của cán bộ coi thi, dùng điện thoại di động chụp trang 1 và trang 3, mã đề thi 112 gửi lên ứng dụng gia sư trực tuyến Snapask để nhờ giải đáp. Sự việc xảy ra tại Hội đồng thi Đà Nẵng. Cán bộ coi thi không phát hiện vi phạm của thí sinh.

Sau khi làm việc với Công an Thành phố về việc lộ đề thi môn Toán, hội đồng thi đã nhận được văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý thí sinh và giáo viên coi thi theo quy định. Hội đồng thi đã đình chỉ kết quả thi đối với thí sinh này. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định hủy kết quả thi của thí sinh và cập nhật lên dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

9. Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ

Trong năm 2022, nhiều đơn vị hoãn thi IELTS và chứng chỉ ngoại ngữ vì quy định mới của Bộ chủ quản

Hội đồng Anh, Tổ chức giáo dục quốc tế IDP thông báo tới học viên về việc tạm hoãn tổ chức kỳ thi IELTS vì chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định mới.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Bởi trong thời gian qua, hoạt động này tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.

Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Đồng thời kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.

Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cấp phép tổ chức thi với một số chứng chỉ ngoại ngữ.

10. Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022

Ngày 20/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.

Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.

Phạm Minh (tổng hợp)