Thi HSG chỉ 1 lần, IELTS có thể thi nhiều lần, sao lại đem quy đổi tương đương?

27/12/2022 06:41
Khánh An
GDVN- Việc đặc cách HSG cho những em đạt điểm cao IELTS của Hà Tĩnh đang nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, lãnh đạo các trường trên cả nước.

Theo danh sách do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh công bố vừa qua, có 91 học sinh được đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2022 – 2023, trong đó có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS, tương đương với giải nhất; 37 em đạt 7.5 điểm IELTS, tương đương với giải nhì; 48 em đạt 7.0 điểm IELTS, tương đương với giải ba.

Dù đã thực hiện được nhiều năm, đến nay, cách làm này của Hà Tĩnh vẫn khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, thắc mắc về việc quy đổi này có đảm bảo công bằng hay mang lại sự khập khiễng, bất cập trong giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cá nhân thầy không ủng hộ việc đặc cách này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Bởi theo thầy Hồng, ngành giáo dục có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi IELTS để xếp loại học lực trung bình, khá hay giỏi nhưng không thể dùng để xét giải thưởng học sinh giỏi Nhất, Nhì, Ba như tỉnh Hà Tĩnh làm.

“Theo tôi không nên đặc cách học sinh giỏi tiếng Anh cho các học sinh đạt điểm IELTS cao như vậy.

Thứ nhất, kỳ thi học sinh giỏi không nên sử dụng kết quả của kỳ thi khác để xếp loại giải thưởng. Bởi đây là 2 kỳ thi khác nhau, có mục tiêu và quy chế khác biệt.

IELTS là một trong những bài kiểm tra khá hoàn thiện để đánh giá năng lực tiếng Anh của người học bởi đã được các chuyên gia quốc tế, hội đồng khảo thí kỳ thi biên soạn, giúp hạn chế tối đa được những sai sót.

Tuy nhiên, trong khi kỳ thi học sinh giỏi chỉ thường dành cho học sinh cuối cấp (trung học cơ cở, trung học phổ thông) thì kỳ thi IELTS lại có thể dành cho bất kỳ độ tuổi nào có khả năng học và thi được.

Hơn nữa, kỳ thi học sinh giỏi chỉ được thi một lần, còn bài kiểm tra năng lực ngoại ngữ IELTS có thể thi nhiều lần nên khó có thể đối sánh chất lượng của hai kỳ thi này với nhau”, thầy Hồng chia sẻ.

Do vậy, thầy Hồng cho rằng, dù có tiếp tục duy trì các kỳ thi học sinh giỏi hay không thì cũng không nên công nhận giải học sinh giỏi cho các em thi IELTS hay bất kỳ kết quả của cuộc thi nào thuộc các tổ chức khác.

Mặt khác, theo thầy Hồng, nếu cứ duy trì việc đặc cách như vậy, khi các trường đại học sử dụng phương thức tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh mà có số học sinh được tỉnh Hà Tĩnh đặc cách sẽ gây ra việc không công bằng cho các thí sinh ở địa phương khác.

Cũng theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thầy không cổ vũ kỳ thi học sinh giỏi như hiện nay, đặc biệt là việc bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương khi mời các chuyên gia nổi tiếng trên cả nước đến ôn luyện cho học sinh nhằm nâng cao thành tích cho trường.

Trong khi đó, đây là kỳ thi để tìm người có năng khiếu thực sự, và chỉ cần có thêm sự hỗ trợ của các thầy cô nhà trường chứ không phải qua sự bồi dưỡng, rèn luyện của các chuyên gia. Hơn nữa, các em học sinh ở vùng sâu vùng xa khó có thể tiếp cận được với các chuyên gia như vậy do không có kinh phí nên sẽ gây ra nhiều bất cập.

Do vậy, thầy Hồng mong rằng, ngành giáo dục nên xem xét lại việc tổ chức, lựa chọn học sinh cũng như ôn tập, hỗ trợ trong kỳ thi học sinh giỏi cho các em một cách hợp lý để đạt được đúng mục tiêu của kỳ thi là tìm ra người giỏi nhất, đảm bảo được quyền lợi của những em có năng khiếu thật sự.

Cũng bàn về vấn đề trên, thầy Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) nêu quan điểm:

“Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh được diễn ra theo quy định của từng tỉnh và khi Hà Tĩnh đưa ra việc đặc cách này thì chắc họ cũng đã có những nghiên cứu cũng như xét thấy quy chế này phù hợp với đặc thù của địa phương.

Thầy Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. (Quảng Trị) (Ảnh: Fanpage nhà trường).

Thầy Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. (Quảng Trị) (Ảnh: Fanpage nhà trường).

Tuy nhiên, theo tôi, việc quan trọng của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là quy chế khi đưa ra có phù hợp với nguyện vọng của học sinh, phụ huynh cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra hay không”.

Nếu bài kiểm tra IELTS được tổ chức một cách công bằng, minh bạch, khách quan, đáp ứng được tiêu chuẩn là một bài kiểm tra quốc tế thì cũng sẽ đánh giá được năng lực của thí sinh tương tự như kỳ thi học sinh giỏi.

Hơn nữa, bài kiểm tra IELTS cũng mang lại tác động tích cực. Các em có thời gian ôn luyện để trau dồi tiếng Anh tốt hơn cũng như có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xin học bổng đi du học sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.

Nhưng bên cạnh đó, theo thầy Nam, thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến cho rằng bài kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh quốc tế IELTS không còn chính xác như trước kia nữa.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), việc xét công nhận giải học sinh giỏi cấp tỉnh cho các bạn được điểm cao IELTS cũng có thể gây ra bất cập cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, bởi IELTS là một kỳ thi đòi hỏi nguồn kinh phí thi cử tương đối lớn.

Khánh An