Ngày 26/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tập huấn về tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Tham dự Hội nghị có bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng với đó là các đại biểu, khách mời, phóng viên các báo đài trung ương và địa phương.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Trang |
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Nhị Thủy nhấn mạnh một số mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:
Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển.
Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa.
Cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.
Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.
Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Bà Trần Thị Nhị Thủy phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Anh Trang |
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, mục tiêu đặt ra: 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thông tin là 1 trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 27/01/2021. Trong đó, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về thông tin bao gồm sử dụng dịch vụ viễn thông (hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet) và phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin (hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: Tivi, radio, máy tính để bàn…)
Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đã trình bày chuyên đề về một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, ông Hải đặc biệt lưu ý hai vấn đề là đó là những chính sách giảm nghèo về thông tin và một số chương trình dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Ngọc Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Trang |
Cùng với đó, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số, miền núi đến nay vẫn tồn tại “5 nhất”: Địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển thấp, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.
Vì vậy để cải thiện, ông Đinh Xuân Thắng cũng nêu rõ 10 dự án thành phần của chương trình, cụ thể như sau:
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết
Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị
Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc
Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các - dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em
Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn
Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
Ông Đinh Xuân Thắng trình bày 10 dự án thành phần của chương trình. Ảnh: Anh Trang |
Đồng thời, ông Đinh Xuân Thắng đặc biệt nhấn mạnh, phải dạy cho trẻ vùng dân tộc thiểu số và miền núi học tiếng phổ thông trước khi cho trẻ tiếp cận với ngôn ngữ mới như tiếng Anh.