Thưởng Tết cho giáo viên đang là chủ đề nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Trong khi có những thầy cô ở các trường ngoài công lập được nhận khoản thù lao bổ sung lên đến hàng chục triệu đồng, thì khái niệm “thưởng Tết” đối với các thầy cô ở vùng khó lại là một điều xa xỉ.
Giáo viên mầm non tại một điểm trường ở Hà Giang. Ảnh: Mộc Trà. |
Giáo viên vùng khó tự nhủ chi tiêu thật tiết kiệm để không phải đi vay mượn lo Tết
Một giáo viên mầm non tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: “Nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, giáo viên chúng tôi cũng không biết đến khái niệm “thưởng Tết” là như thế nào. Không giống như một số ngành, chúng tôi chỉ được nhận một khoản rất nhỏ gọi là động viên từ phía các nhà trường. Có trường, giáo viên được nhận 200.000-300.000 đồng, có trường giáo viên được nhận khoảng 500.000 đồng. Số tiền ấy chẳng đáng là bao trong dịp Tết, thầy cô nào công tác xa quê, có khi còn không đủ tiền vé xe về quê”.
Cô Hoàng Thị S. - một giáo viên mầm non tại tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi được nhà trường hỗ trợ khoảng 500.000 đồng. Nhà trường cũng muốn giáo viên có thêm mấy đồng để ăn Tết “ấm” hơn, nhưng quỹ chi của trường chỉ còn có như vậy, cũng không còn cách nào. Đối với các thầy cô công tác ở miền núi, do điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đặc biệt tại các điểm trường còn thiếu thốn nên ngân sách chủ yếu dành để trả lương, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, thậm chí là hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh... Chi phí này còn không đủ thì tiền đâu tiết kiệm để thưởng Tết.
Nhìn thấy có những bạn bè đồng nghiệp ở các thành phố lớn được thưởng tiền triệu, thậm chí, đọc trên báo chí, có nơi còn thưởng cả chục triệu đồng, bản thân tôi cũng có chút chạnh lòng... Tuy nhiên, điều kiện của trường chỉ được như vậy, nên giáo viên vùng cao như chúng tôi cũng chỉ biết tự nhủ, phải chi tiêu thật tiết kiệm, mới có thể vun vén được một cái Tết không phải đi vay mượn thêm”.
Gần 20 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, cô giáo Lý Thu Hằng - giáo viên tại điểm trường Lao Xì Lủng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Và Chải (Yên Minh, Hà Giang) bày tỏ: “Vài năm trước, “thưởng Tết” của giáo viên trường tôi thường rơi vào khoảng 200.000 đồng/giáo viên; năm vừa rồi, mỗi giáo viên được nhận 500.000 đồng. Tùy vào điều kiện tài chính của trường, mức hỗ trợ vào dịp Tết cho các thầy cô sẽ dao động từ 200.000-500.000 đồng. Với số tiền ít ỏi như vậy, thử hỏi, các giáo viên sẽ xoay xở thế nào nếu gia đình đông người hoặc ở quê ở xa nơi làm việc?
Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng, đối với giáo viên vùng cao nhất là những giáo viên đã gắn bó lâu năm, cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn đến chế độ đãi ngộ, có thể tính đến nâng lương, hay ít nhất là không cắt thâm niên khiến những người đã cống hiến lâu năm cảm thấy có phần hơi hụt hẫng...
Cô giáo Lý Thu Hằng - giáo viên tại điểm trường Lao Xì Lủng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Và Chải (Yên Minh, Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà. |
Đặc biệt, chúng tôi cũng mong mỏi, trong một tương lai gần, viên chức ngành giáo dục sẽ được hưởng “tháng lương thứ 13” như nhân sự thuộc một số ngành khác. Hoặc chí ít, vào những dịp nghỉ lễ theo “lịch đỏ”, những dịp Tết Nguyên đán, giáo viên cũng cần nhận được sự quan tâm hơn nữa, dù ít, dù nhiều cũng nên có sự động viên để giáo viên phấn chấn hơn, yên tâm gắn bó với nghề...”.
Giáo viên mong thưởng Tết được luật định
Liên quan đến vấn đề này, bà Hoàng Thị Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Khê (Yên Minh, Hà Giang) cũng không ngần ngại giãi bày: “Thực hiện theo quy chế của cơ quan chi tiêu nội bộ, đối với ngành giáo dục nói chung và trường tiểu học xã Na Khê nói riêng, các thầy cô giáo được hưởng nguyên lương, hưởng đầy đủ phụ cấp và được nghỉ phép theo đúng quy định.
Trên thực tế, nhà trường không có “thưởng Tết”. Hằng năm, nếu công đoàn tiết kiệm chi được, trong năm, các đám hiếu-hỷ, thăm hỏi các trường hợp ốm đau bệnh tật ít, thì mới có dư một khoản để chia ra hỗ trợ các thầy cô. Nhưng cũng chỉ có thể động viên các thầy cô khoảng 100.000-200.000 đồng. Nếu Tết dương lịch, nhà trường tổ chức liên hoan, thì có lẽ đến Tết Nguyên đán, sẽ không có khoản dư nữa...”.
“Chúng tôi cũng mong mỏi làm sao, có được sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa, từ nguồn ngân sách để các thầy cô có được sự động viên lớn hơn. Đồng thời, lịch nghỉ Tết cho các thầy cô cũng được đẩy sớm hơn, để các thầy cô xa quê có thể kịp sắp xếp thời gian, về thăm nhà, kịp gói tấm bánh chưng đón Tết, chứ nếu cứ nghỉ muộn như năm nay, thì có lẽ các thầy cô chỉ kịp về đón Giao thừa” - vị Hiệu trưởng bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (Hà Giang) đã đề cập đến nhiều nỗi lòng, tâm tư của đội ngũ giáo viên cũng như các cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, có những trăn trở liên quan đến chế độ “thưởng Tết” cho giáo viên.
Bà Đặng Thị Kim Hoa - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết, nhiều thầy cô vẫn đang từng ngày mong ngóng được thưởng Tết - tháng lương thứ 13. Ảnh: Mộc Trà. |
“Nhiều thầy cô vẫn đang từng ngày mong ngóng được thưởng Tết. Chúng tôi mong ngành giáo dục sớm tham mưu với Chính phủ quy định tiền thưởng Tết cho giáo viên được luật định như các doanh nghiệp để khuyến khích, động viên tinh thần qua một năm giảng dạy bằng “tháng lương thứ 13”.
Hoặc tối thiểu, cũng nên ưu tiên với các thầy cô lên công tác ở vùng cao, ở vùng sâu, vùng xa. Bởi, hiện nay, vẫn còn nhiều thầy cô công tác xa nhà, dịp nghỉ Tết, chỉ tính riêng khoản đi lại, di chuyển đã tốn kém rất nhiều, và khi về thăm nhà, không lẽ lại “về tay không”? Vậy nên, nhằm động viên các thầy cô vùng khó, các thầy cô hy sinh cống hiến xa quê hương, xa gia đình, tôi cho rằng, có chế độ thưởng Tết - “tháng lương thứ 13” là hợp lý. Làm được điều này, sẽ góp phần tạo thêm sức hút đối với ngành sư phạm” - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh phân tích.