Những năm gần đây, câu chuyện dạy và học môn Ngữ văn ở các trường phổ thông đã được dư luận phản ánh khá nhiều. Chính vì thế, đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo nhằm đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông bằng Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.
Khi Bộ ban hành công văn này, có lẽ nhiều người đã hy vọng việc dạy và học, cũng như đánh giá, kiểm tra môn Ngữ văn ở các trường sẽ có những thay đổi lớn nhằm phát huy sự sáng tạo, khả năng, chính kiến của học trò và đây cũng là mục tiêu để phát triển phẩm chất năng lực như mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai trong toàn ngành.
Tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi dưới cơ sở vẫn còn rất chậm, giáo viên và học sinh cơ bản vẫn phải học theo văn mẫu. Bởi lẽ, ngay cả đề kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo trong học kỳ I này còn hướng dẫn giáo viên đếm ý cho điểm thì việc đổi mới dạy và học Ngữ văn, cũng như kiểm tra, đánh giá môn học này vẫn còn nhiều gian nan ở phía trước.
Hướng dẫn chấm của Sở mà còn yêu cầu đếm ý cho điểm (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Muốn điểm cao, học sinh phải viết giống đáp án của người ra đề
Theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, việc đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Tiếp theo, ngày 22/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023.
Công văn 4020 đã chỉ đạo: “Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12”.
Chính vì thế, về cơ bản các lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 vẫn đang bám theo cấu trúc đề kiểm tra Ngữ văn trước đây. Trong khi, đề kiểm tra cuối học kỳ môn Ngữ văn ở 2 khối lớp này thường là Sở ra đề.
Vậy nên, về cơ bản là chỉ có ngữ liệu ở phần đọc hiểu (3,0- 4,0 điểm) là lấy ở ngoài sách giáo khoa, còn phần làm văn (6,0-7,0) vẫn lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa.
Nhiều giáo viên đang dạy Ngữ văn ở lớp 9 và lớp 12 ở một số địa phương chia sẻ với chúng tôi rằng mặc dù Bộ đang hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, luôn muốn học sinh phát huy chính kiến của mình.
Thế nhưng, họ bất ngờ đáp án đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 và lớp12 của Sở ra lại “đóng” lại.
Phần đọc hiểu, có câu ra lệnh đề là “theo em…” nhưng đáp án chấm lại theo người ra đề vì hướng dẫn chấm có câu: “không đúng như đáp án, không cho điểm”. Vậy, học sinh sáng tạo bằng cách nào đây? Hàng chục ngàn học sinh phải “gò” theo suy nghĩ của người ra đề vì diễn đạt khác là không có điểm.
Phần làm văn, người ra đề đều hướng dẫn từng phần rất chi tiết, cụ thể. Nếu học sinh trình bày được bao nhiêu ý thì cho bao nhiêu điểm, nếu học sinh làm không đúng đáp án thì không cho điểm.
Chính vì hướng dẫn chấm không hề yêu cầu giáo viên mở rộng đáp án, không yêu cầu giáo viên lưu ý khi học sinh có cách diễn đạt khác nên người chấm phải tuân thủ theo đáp án. Trong khi, mỗi tác phẩm văn học có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau, làm sao có thể đóng khung trong cùng một suy nghĩ với người ra đề.
Đáng lẽ ra, phần làm văn, người ra đề sẽ có lưu ý cho người chấm bằng câu: “Học sinh có thể làm khác với đáp án nhưng diễn đạt phù hợp, sáng tạo vẫn cho điểm tối đa” thì giáo viên chấm họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Nhưng, vì không hề có hướng dẫn mở nên gần như giáo viên rất khó chấm khác với đáp án của người ra đề. Bởi, nếu mở rộng quá thì không được phép, khi Sở về kiểm tra hoặc chấm phúc khảo thì rất phức tạp cho giám khảo ở các nhà trường.
Một khi đề Sở ra còn yêu cầu giáo viên đếm ý bài làm của học sinh để cho điểm thì việc đổi mới dạy và học Ngữ văn sẽ còn rất khó khăn.
Học sinh viết khác ý thầy là đương nhiên điểm kiểm tra sẽ rất thấp. Chính vì vậy, lối mòn văn mẫu có thể vẫn tiếp tục song hành ở các trường phổ thông để đáp ứng yêu cầu thực tế dưới cơ sở trong những năm tới đây.
Mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực của học trò sẽ còn đạt được nếu bài kiểm tra môn Văn vẫn đếm ý cho điểm
Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”.
Với hướng dẫn này, chúng ta có thể hiểu học sinh có thể viết khác đáp án của người ra đề nhưng phù hợp “không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”, bám vào đề bài là giáo viên có thể cho điểm tối đa.
Bởi, suy cho cùng hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn học sinh sẽ không bao giờ đều có suy nghĩ giống với người ra đề- cho dù cùng tiếp cận một vấn đề giống nhau nhưng cách nghĩ sẽ khác nhau.
Đề bài thì yêu cầu là “theo em” nhưng đáp án chấm lại “theo thầy” quả là một bất cập rất lớn trong dạy và học Văn ở các trường phổ thông hiện nay.
Muốn đổi mới dạy và học môn Ngữ văn, muốn dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của học trò thì trước tiên phải đổi mới tư duy người thầy- người ra đề.
Học sinh muốn phát triển phẩm chất năng lực nhưng đáp án của thầy cô ra đều “đóng” thì rất khó khích lệ học sinh phát huy được suy nghĩ và trình bày chính kiến của mình trong quá trình làm bài kiểm tra, hay bài thi sau này.
Đặc biệt, khi Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề Ngữ văn thì phải là nơi tiên phong đi đầu cho việc đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nếu Sở vẫn trung thành với cách làm cũ, yêu cầu giám khảo chấm theo ý, khác ý người ra đề là không cho điểm thì làm sao giáo viên họ dám làm khác.
Một khi vẫn hướng giáo viên đếm ý cho điểm thì bắt buộc họ phải gò học sinh học theo văn mẫu, thậm chí học thuộc lòng văn mẫu vì làm khác là điểm thấp, thậm chí không có điểm. Việc đổi mới dạy và học Văn có lẽ vẫn đang khó khăn bởi các nhà xuất bản đang cho ra lò hàng loạt bài mẫu, văn mẫu.
Tác giả sách giáo khoa cũng viết văn mẫu, giáo án mẫu, đề kiểm tra mẫu. Sở thì ra đề yêu cầu giáo viên chấm theo ý, đếm ý cho điểm…nên thầy và trò ở các nhà trường có xoay kiểu gì cũng khó thoát văn mẫu!
Viết khác, viết theo suy nghĩ của học trò rất khó đạt được điểm trung bình chứ đừng nói là điểm khá, điểm giỏi. Vì thế, việc đổi mới trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, khó phát huy chính kiến, cảm xúc thật của học trò khi thực hiện các bài tập làm văn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.