Thông tư 15 bước đầu gỡ khó cho trường nghề nhưng chưa triệt để

04/01/2023 06:41
Hoài Linh
GDVN- Thực hiện Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang nhanh chóng chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực để giảng dạy văn hóa trong trường.

Ngày 8/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 15 quy định về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 24/12.

Theo đó, học sinh trường nghề phải học các môn học bắt buộc, gồm 3 môn học là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và ít nhất 1 môn học lựa chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

Thông tư cũng quy định thời lượng giảng dạy các môn học: Toán, Ngữ văn là 252 tiết/môn. Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử là 168 tiết/môn. Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học, mỗi lớp học có không quá 45 học sinh. Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kỳ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kỳ và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học.

Ảnh minh họa : Phạm Linh

Ảnh minh họa : Phạm Linh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thông tư 15 ra đời sau nhiều lần chờ xây dựng và đã được rút ngắn, bổ sung các nội dung mới, được ban hành đúng theo Luật Giáo dục.

Thông tư ra đời đã giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở tổ chức dạy các môn văn hóa và cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Còn đối với người học, sau khi học xong chương trình trung cấp, các em được học liên thông lên bậc học cao hơn. Việc học văn hóa kết hợp với học kỹ năng nghề sẽ hướng học sinh đến con đường học tập suốt đời.

Tuy nhiên, tôi đánh giá chương trình văn hóa còn khá nặng, trong tương lai chúng ta cần có sự chuẩn bị để đổi mới. Bởi vì hiện nay hiếm quốc gia nào dạy văn hóa tách biệt với các môn nghề mà các nước khác đã lồng ghép, tích hợp hai nội dung này vào chung chương trình học. Điều đó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao hứng thú học tập cho người học. Còn nếu vẫn giữ nguyên nội dung chương trình giảng dạy như hiện nay tôi e sẽ dẫn đến tình trạng học sinh chán nản, thậm chí là muốn bỏ học”.

Cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trước đây, trường đã từng thực hiện dạy chương trình văn hóa rút gọn. Còn hiện nay nhà trường kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để giảng dạy, nhằm tạo điều kiện cho học sinh trường nghề lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sau khi Thông tư 15 được ban hành, trường đã lên kế hoạch giảng dạy theo hai phương án. Một là vẫn tiếp tục liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tạo điều kiện cho học sinh có mong muốn lấy bằng tốt nghiệp và tiếp tục học lên bậc đại học.

Hai là tổ chức giảng dạy tại trường cho những học sinh chỉ có nhu cầu lấy giấy chứng nhận hoàn thành kiến thức trung học phổ thông và học tiếp bậc cao đẳng. Thông tư 15 ra đời đã giúp học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn.

Hàng năm, Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh khoảng 700 học sinh theo hệ 9+. Với mỗi môn văn hóa, chúng tôi có một thầy cô phụ trách giảng dạy. Theo chương trình cũ, các trường cao đẳng nghề đã có giáo viên cơ hữu dạy 3 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn. Khi liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các giáo viên vẫn tham gia hỗ trợ, kết hợp với trung tâm để giảng dạy các môn văn hóa. Vì vậy, triển khai thực hiện Thông tư 15 của Bộ, trường cơ bản có đủ giáo viên. Trong trường hợp tuyển sinh được nhiều học sinh mà số lượng giáo viên không đáp ứng đủ nhu cầu học, chúng tôi sẽ mời thêm giáo viên thỉnh giảng về dạy.

Mặt khác, do tính chất đặc thù của trường nghề, cơ sở vật chất của trường cơ bản đảm bảo cho việc giảng dạy. Ví dụ như môn Văn, Sử, yêu cầu về cơ sở vật chất cũng đơn giản, chỉ cần có phòng học. Còn các môn như Lý, Hóa, Sinh thì cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về trang thiết bị thực hành. Tuy nhiên, các trường nghề thường có lợi thế vì sở hữu những thiết bị dạy học trực quan. Ví dụ như Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh có ngành chế biến thực phẩm. Ngành học này đã có những môn liên quan đến thí nghiệm, thực hành về Hóa học hay Vật lý bên trong các module.

Chỉ có điều trường cần có thời gian sắp xếp lại phòng học để thuận tiện sử dụng phục vụ giảng dạy cho cả chương trình văn hóa lẫn chương trình học nghề. Về trang thiết bị, trường không phải đầu tư thêm. Tuy nhiên với một số trường nghề không có ngành học đa dạng thì sẽ cần phải có kinh phí lớn để mua sắm bổ sung các dụng cụ thí nghiệm”.

Ông Trần Kim Tuyền nhận định: “Thông tư 15 thể hiện sự liên kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người học học tập suốt đời, mang lại rất nhiều tín hiệu đáng mừng cho giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt thúc đẩy hoạt động tuyển sinh của các trường nghề. Cùng với đó, thông tư quy định rõ ràng về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho học sinh và phụ huynh.

Một là các em có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, các em tự nguyện đăng ký học với trung tâm giáo dục thường xuyên đã có liên kết với nhà trường rồi đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hai là, nếu các em có điều kiện học liên thông lên tiếp từ trung cấp lên cao đẳng thì sau khi phân luồng, các em không phải thi tốt nghiệp nhưng đã có giấy chứng nhận đủ kiến thức tối thiểu để học cao đẳng.

Tuy nhiên, nhấn mạnh rằng, mục tiêu của chúng ta là đào tạo sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng làm việc để tham gia vào thị trường lao động có tay nghề cao mà không đặt mục tiêu là học đại học. Thông tư 15 đã mở ra những hướng đi mới, tạo điều kiện cho người học hơn đồng thời cũng thu hút học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn”.

Thông tư 15 quy định, hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: học lý thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng. Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo ngành, nghề đó.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy và quản lý việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Thông tư này; tổ chức Hội đồng thi kết thúc môn học (thi chính thức và thi lại) bảo đảm việc ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi theo quy định. Hàng năm, thực hiện báo cáo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai, tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Hoài Linh