Bộ Giáo dục đề nghị TP HCM quyết tâm giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp học

31/12/2022 06:37
Việt Dũng
GDVN- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đặt quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh mỗi lớp học, phấn đấu thực hiện 30 đến 35 học sinh/lớp.

Ngày 30/12, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dự, chủ trì buổi Hội thảo “Góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Xác định tỷ lệ % người học đại học, cao đẳng, trung cấp

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có hơn 4.000 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp, với hơn 1,7 triệu học sinh và 500.000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Nhiều năm vừa qua, thành phố luôn thực hiện tốt chủ trương tất cả các trẻ em trong độ tuổi đến lớp đều được đến trường, huy động 100% trẻ em trong độ tuổi ra lớp, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học theo đúng định hướng của thành phố.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Chất lượng đội ngũ nhà giáo không ngừng được nâng cao, đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn và trên chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay thì vẫn còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện.

Một số bộ phận giáo viên thì chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học, dẫn đến việc chưa theo kịp yêu cầu đổi mới trong giáo dục và hội nhập quốc tế.

Đóng góp ý kiến của mình tại hội thảo, Tiến sĩ Huỳnh Công Minh – Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đặt ra mục tiêu rõ ràng, nhưng cũng cần được cụ thể hơn.

Ông Huỳnh Công Minh cho rằng, phát triển giáo dục trong bối cảnh 4.0 cần có yêu cầu gì, cần thực hiện những gì để thay đổi, đáp ứng bối cảnh đó thì cần phải được xác định rõ.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã và đang có rất nhiều đổi mới so với giai đoạn trước đây.

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh nêu ý kiến của mình tại hội thảo (ảnh: P.L)

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh nêu ý kiến của mình tại hội thảo (ảnh: P.L)

Do đó, định hình chân dung học sinh trong giai đoạn mới là việc làm rất cần thiết, nhất là phải cụ thể những tố chất, năng lực, phẩm chất gì đáp ứng cho sự phát triển của xã hội.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, xã hội hóa giáo dục chưa có chỗ đứng phù hợp trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục lần này.

“Cần xem xã hội hóa giáo dục là giải pháp đột phá, đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục” – Tiến sĩ Huỳnh Công Minh nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Trương Song Đức – Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì lại cho rằng, cần tập trung nâng cao chất lượng cho giáo dục nghề nghiệp, trong đó cần xác định cụ thể tỷ lệ bao nhiêu người học có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Ông Trương Song Đức đề nghị, cần phát triển hệ thống trường mầm non công lập, vì tỷ lệ người nghèo, công nhân lao động trong xã hội vẫn còn rất lớn.

Quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh ở lớp học

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đến dự, phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng nói, dựa trên chiến lược chung của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm các định hướng riêng, xác định mục tiêu thực hiện, tránh việc vừa thiếu vừa thừa khi triển khai trong thực tế.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc kết luận hội thảo (ảnh: P.L)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc kết luận hội thảo (ảnh: P.L)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp học, phấn đấu thực hiện từ 30 đến 35 học sinh/lớp, phát huy hiệu quả phẩm chất, năng lực của người học cùng với các phương pháp dạy học cá thể, dạy học tích cực.

Những nhiệm vụ, giải pháp cần cụ thể, có lộ trình thực hiện, tính toán về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đưa ra ví dụ, là muốn giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp học thì cần xác định rõ cần thêm bao nhiêu phòng học, bao nhiêu giáo viên trong giai đoạn tới, để có kế hoạch đào tạo, bổ sung cho phù hợp.

Việt Dũng