Bài toán chuyển đổi số trong giáo dục: Nguồn nhân lực đến từ đâu?

05/01/2023 11:22
Linh Trang
GDVN- Chuyển đổi số phải xuất phát từ một tập thể lãnh đạo bằng một ý chí quyết tâm rất lớn, trên cơ sở đó huy động các nguồn lực để triển khai hiệu quả.

Sáng ngày 05/01, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng – thực trạng và giải pháp". Chương trình được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Linh Trang

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Linh Trang

Tham dự chương trình, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ , Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội và đại diện các Trưởng Ban chuyên môn của Hiệp hội.

Chương trình còn có sự tham dự của ông Phan Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dạy nghề – Giáo dục thường xuyên, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Tô Hồng Nam - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt tại Việt Nam những năm qua đã có nhiều chủ trương rất mạnh mẽ liên quan đến ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Linh Trang)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Linh Trang)

Thực tế, không chỉ có các trường đại học, cao đẳng Việt Nam mà ngay cả các trường đại học cao đẳng trên toàn thế giới đều coi chuyển đổi số là cơ hội để phát triển nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn.

Trong ba năm qua, đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới đã có những tác động, thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo,... để quản trị, quản lý, giảng dạy cho sinh viên và đạt được những kết quả tích cực.

Hiện nay, các nhà giáo, các viên chức quản lý và hệ thống quản trị đại học đã có nhận thức rất rõ về chuyển đổi số, nhu cầu và các giải pháp để triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Trong chuyển đổi số thì chủ trương, chính sách; nguồn lực (con người, tài chính, công nghệ); nhận thức của cán bộ quản lý, chuyên viên, giảng viên, sinh viên; quyết tâm của lãnh đạo nhà trường là những yếu tố quan trọng để mỗi đơn vị triển khai thành công

Việt Nam hiện nay có nhiều trường đại học, cao đẳng đã đạt thành công bước đầu về việc triển khai chuyển đổi số vào nghiên cứu khoa học, quản trị, quản lý, phương pháp giảng dạy.

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, xu thế chuyển đổi số vào quản trị, quản lý trường đại học trong nghiên cứu, giảng dạy, xây dựng chương trình, đặc biệt là quản lý, kiểm định chất lượng tại một số trường đại học đã được ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.

Giáo sư Lê Anh Tuấn, Giáo sư Từ Minh Phương, Phó Giáo sư Lê Hồng Quân điều hành tọa đàm tại điểm cầu trực tiếp. (Ảnh: Linh Trang)

Giáo sư Lê Anh Tuấn, Giáo sư Từ Minh Phương, Phó Giáo sư Lê Hồng Quân điều hành tọa đàm tại điểm cầu trực tiếp. (Ảnh: Linh Trang)

Việc thực hiện chuyển đổi số có nhiều thuận lợi, từ xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; nhu cầu và nhận thức của cán bộ giảng viên,... song cũng có những điểm nghẽn từ cơ chế chính sách và vấn đề nội tại của một tổ chức;

Và điều quan trọng là làm sao để đội ngũ trong đơn vị mình nhận thức được, chuyển đổi số không phải là phong trào, chuyển đổi số không phải nhiệm vụ của một cá nhân hay một tập thể lãnh đạo mà là xu thế, nhu cầu tất yếu và tất cả mọi người đều phải vào cuộc mới thành công.

Chuyển đổi số thành công khi nó trở thành văn hóa của tổ chức

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số là một nội dung rất ý nghĩa và quan trọng, đây là dịp để các trường chia sẻ những kinh nghiệm thành công cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, từ đó, các trường cùng học tập những kinh nghiệm quý báu của nhau.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường điều hành tọa đàm bằng hình thức trực tuyến.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường điều hành tọa đàm bằng hình thức trực tuyến.

Chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng lớn từ tập thể lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức của nhà trường.

“Tọa đàm hôm nay là cơ hội để chúng ta hiểu rõ hơn thế nào là chuyển đổi số, làm sao để chuyển đổi số thành công trong một tổ chức.

Bởi vì chuyển đổi số thành công khi mà cuối cùng, việc ứng dụng kỹ thuật số đều được ứng dụng trong mọi hoạt động, tổ chức; tác động tới mọi nhân viên, cán bộ trong việc cải tiến chất lượng liên tục, mọi hoạt động của tổ chức đều lồng ghép, ứng dụng các kỹ thuật số và khi đó, nó trở thành văn hóa của tổ chức” Giáo sư Tuấn khẳng định.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường kỳ vọng, buổi tọa đàm, các trường đã triển khai thành công chuyển đổi số sẽ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giúp các trường học hỏi lẫn nhau.

Chuyển đổi số phải xuất phát từ một tập thể lãnh đạo của một tổ chức bằng một ý chí quyết tâm rất lớn, trên cơ sở đó huy động các nguồn lực (tài lực, nhân lực), vai trò lãnh đạo, huy động tập thể để có thể triển khai hành động.

“Một trong những vấn đề quan trọng khi thực hiện chuyển đổi số là nguồn nhân lực đến từ đâu, nhân lực nhà trường phải tự xây dựng hay thuê đơn vị bên ngoài hỗ trợ kỹ thuật. Nếu để đơn vị bên ngoài hỗ trợ thì làm sao đảm bảo họ luôn đồng hành với chúng ta, đáp ứng một cách kịp thời cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh khi chúng ta có nhu cầu, để đảm bảo lộ trình chuyển đổi số không bị trì hoãn”, Giáo sư Trần Diệp Tuấn đặt vấn đề

Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có bài tham luận chia sẻ về: Đại học điện tử - giải pháp cho chuyển đổi số đại học.

Ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Linh Trang)

Ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Linh Trang)

Cụ thể, về đại học điện tử QMC_eUni® được bắt đầu triển khai từ năm 2011, áp dụng trên 34 lĩnh vực với 500 hoạt động quản lý.

Mô hình này được cập nhật trên nền tảng mạng xã hội trường học, ứng dụng trên Mobile, và có dịch vụ phần mềm trên Cloud. QMC_eUni® xử lý thông minh bài toán lập kế hoạch, lập thời khóa biểu tự động, đồng thời thực hiện các tiện ích khác như khảo sát ý kiến sinh viên, giải đáp ý kiến của sinh viên, giải quyết yêu cầu một cửa trực tuyến.

Ưu điểm nổi bật của đại học điện tử là ứng dụng công nghệ hỗ trợ tác nghiệp và điều hành nhằm tối ưu hóa các quá trình; Chuẩn hóa các hoạt động và tương tác trong hệ thống; Giải quyết yêu cầu với môi trường đa người dùng; Xử lý dữ liệu lớn, bước đầu xử lý dữ liệu phi cấu trúc ; Đa dạng tiện ích, chức năng cho người dùng; Báo cáo tổng hợp đầy đủ tại các khâu của quá trình tác nghiệp theo yêu cầu quản lý; Triển khai dịch vụ thuê phần mềm nhằm giảm bớt chi phí sử dụng cho khách hàng .

Theo ông Hoàng Anh, những bài học quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số là cần “chuyển đổi đi trước số”; Dữ liệu là nhiên liệu cho cỗ xe chuyển đổi số; Lãnh đạo quyết định thành công chuyển đổi số; Kết nối để làm giàu kho tài nguyên số; Chuyển đổi số là một hành trình, không phải là đích đến.

Cũng trong sáng ngày 05/1, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - đại diện Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam và tặng hoa chúc mừng cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Qúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Linh Trang)

Cũng trong sáng ngày 05/1, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - đại diện Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam và tặng hoa chúc mừng cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Qúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Linh Trang)

Linh Trang