Ngày 14/1/2022, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi (Luật số 13/2022/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. [1]
Ép con học quá mức, cha mẹ sẽ bị phạt
Theo Điều 2, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 nêu rõ 16 hành vi bạo lực gia đình. Trong đó, Điều 3 có khoản nêu rõ hành vi “cưỡng ép thành viên gia đình học tập”, là hành vi mới được bổ sung so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Về việc bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống, bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định, đối với hành vi “cưỡng ép thành viên gia đình học tập”, người vi phạm có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Ảnh minh họa. |
Điều 33 quy định công việc phục vụ cộng đồng gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.
Chủ tịch Ủy nhân Nhân dân cấp xã quyết định và tổ chức cho người thực hiện một trong các hành vi bạo lực gia đình sau thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Danh mục công việc phục vụ cộng đồng sẽ do Chủ tịch Ủy nhân Nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ tịch Ủy nhân Nhân dân cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Vì sao có tình trạng cha mẹ ép con học quá mức?
Điều dễ nhận thấy, cha mẹ ép con học quá mức đó là bắt các em đi học thêm suốt ngày đêm. Học sinh từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông đều tham gia học thêm với nhiều lí do khác nhau.
Cha mẹ nghĩ rằng, cứ ép con học thì con sẽ có kiến thức, thi cử đỗ đạt. Con cái đỗ đạt thì sẽ có tương lai tươi sáng và cha mẹ cũng nở mặt nở mày với dòng họ, xóm làng.
Học sinh mầm non chỉ mới 5 tuổi cha mẹ đã cho con đi học thêm để biết đọc, biết viết. Phụ huynh sợ đến lúc con học lớp 1 sẽ thua chúng kém bạn hoặc học chậm bị cô thầy la rầy.
Học sinh lớp 1, lớp 2 thì học thêm để luyện chữ, lên lớp 3, lớp 4, lớp 5 các em còn học thêm môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Nhiều học sinh lớp 5 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đi học thêm suốt tháng, suốt năm để tham gia kì khảo sát vào lớp 6.
Có lẽ học sinh bậc trung học cơ sở được cha mẹ cho đi học thêm nhiều môn nhất. Cha mẹ mong con đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện (trên 8.0) như kì vọng.
Đáng nói, học sinh lớp 9 thường học thêm cả tuần với 3 môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn cho kì thi tuyển sinh vào 10 khiến các em không còn thời gian nghỉ ngơi.
Buổi chiều học sinh tan học 17 giờ thì 17 giờ 30 các em đã đến lớp học thêm học đến 19 giờ. Sau thời gian này, học sinh có khi còn học thêm môn khác đến 21, 22 giờ mới về nhà.
Vậy nên có tình trạng, học sinh còn không có thời gian học bài cũ. Buổi sáng cha mẹ chở con đến trường thì các em tranh thủ mở sách vở học trên đường đi. Trên đường phố, chúng ta vẫn thường thấy học sinh ngủ gà ngủ gật trên xe sau lưng cha mẹ.
Tương tự, học sinh lớp 12 thường đi học thêm theo tổ hợp môn (3 môn) nhằm nâng cao cơ hội được xét tuyển vào đại học sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh học ở trường cả ngày, vậy nên các em phải đi học thêm vào buổi tối.
Học thêm quá mức – lợi bất cập hại
Học sinh học thêm quá mức sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Đó là các em không còn thời gian vui chơi, giải trí hay luyện tập thể dục thể thao.
Lẽ ra sau giờ học, học sinh phải được nghỉ ngơi để giữ cho tinh thần thư thái, tái tạo năng lượng thì các em lại bị cha mẹ ép học quá mức.
Hệ lụy lớn nhất do học thêm quá mức đó là học sinh bị căng thẳng, trầm cảm.
Khảo sát 204 học sinh từ 15-18 tuổi trong 3 trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có đến 97,05% em bị stress nhẹ và ở mức trung bình là 2,95% em (năm 2022).
Trong đó, nguyên nhân gây stress đa số đến từ vấn đề học tập với tỷ lệ 61,9%. [2]
Cùng với đó, do phải đi học thêm suốt, học sinh ít vận động dẫn đến béo phì rất đáng lo ngại. Công bố của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tỉ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở Thành phố Hồ Chí Minh lên tới gần 44% (năm 2022). [3]
Hậu quả của thừa cân, béo phì ở học sinh tác động rất lớn không chỉ đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý các em.
Ngoài ra, cha mẹ ép con cái học quá nhiều khiến các em rất thiếu và yếu kĩ năng sống. Nhiều học sinh bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không phân biệt được các loại rau hay loại cá vẫn ăn hằng ngày.
Đọc trang sách, gặp từ ngữ đơn giản các em cũng không hiểu được nghĩa của từ, chưa nói đến nội dung văn bản.
Nhiều học sinh có lực học khá, giỏi nhưng rất yếu kĩ năng giao tiếp do không còn thời gian rèn kĩ năng sống.
Nhiều học sinh chưa biết lắng nghe, còn gặp khó khăn khi trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân và thường sống ích kỉ - chỉ nghĩ đến bản thân mà thiếu sự cảm thông, chia sẻ với người khác.
Học sinh học giỏi là điều tuyệt vời. Tuy vậy, bên cạnh kiến thức sách vở, nhất thiết các em phải rèn kĩ năng giao tiếp; kĩ năng quản lí thời gian; kĩ năng sáng tạo; kĩ năng tự học… thì mới có thể sải những bước dài thành công trên đường đời.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-Phong-chong-bao-luc-gia-dinh-2022-490095.aspx
[2] https://thanhnien.vn/tren-60-hoc-sinh-tu-khao-sat-cho-rang-hoc-tap-de-dan-den-tram-cam-nhat-post1518717.html
[3] https://thanhnien.vn/hoc-sinh-tphcm-thua-can-beo-phi-chiem-ty-le-cao-nhat-trong-benh-tat-hoc-duong-post1536545.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.