thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.
Trong không khí vui tươi chào xuân mới Quý Mão năm 2023, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Công Liêm – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã có những chia sẻ về tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn và nhiệm vụ then chốt nhằm phát triển giáo dục của tỉnh trong năm mới 2023.
Ông Hồ Công Liêm – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn). |
Theo chia sẻ của ông Hồ Công Liêm: “Năm 2022, mạng lưới, quy mô trường, lớp học của tỉnh từng bước được sắp xếp hợp lý, chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được nâng lên, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại".
Cụ thể, về quy mô, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, mạng lưới trường, lớp năm học 2022 - 2023 hiện có 670 đơn vị trường học. Tổng số trẻ, học sinh, sinh viên đến thời điểm hiện tại là 206.959 người. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành hiện nay có 20.039 người.
Năm 2022, chất lượng giáo dục các cấp học phổ thông được nâng cao rõ rệt. Trong đó, giáo dục tiểu học huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%. Kỳ tuyển sinh trung học cơ sở đạt 99,9% học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6. Đảm bảo tỷ lệ tuyển sinh trung học phổ thông ở mức 73,3% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Đặc biệt, năm 2022, tỷ lệ hoàn thành chương trình các cấp học của tỉnh Lạng Sơn đạt trên 99%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 97,95%.
Năm học 2021-2022 ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh các giải pháp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tổ chức hiệu quả việc chọn sách giáo khoa, tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đúng quy định, kịp tiến độ. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục giáo dục toàn diện ở các cấp học, tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn cũng đã triển khai các mô hình mới, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học mới như: giáo dục STEM, tổ chức triển khai nội dung về lập trình điều khiển robot trong tất cả các cấp học. Tổ chức thành công các giờ học kết nối, giờ học xuyên biên giới, sinh hoạt chuyên môn kết nối liên trường. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, tiểu học.
“Các hội thi, cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho học sinh, tạo môi trường sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên đã đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong giáo dục ngày càng được mở rộng và tăng cường. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đã sử dụng một số hồ sơ điện tử trong dạy học và quản lý, hơn 17 nghìn giáo viên đã được trang bị và sử dụng chữ kí số trong công việc”, ông Hồ Công Liêm nói.
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần giáo viên, học sinh
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục tỉnh có 12 thí sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.
Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đạt 97,95%, cao hơn 0,15% so với năm 2020 (tỷ lệ tốt nghiệp năm 2020 là 97,8%).
Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh, giáo viên luôn được ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đặc biệt chú trọng.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục tỉnh thực hiện các phong trào như: “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp tiến bộ, giúp đỡ học sinh phát triển” với sự tham gia của 6.884 giáo viên. Phong trào đã giúp đỡ được 7.149 giáo viên. Chưa kể, có 12.246 giáo viên tham gia giúp đỡ 26.260 học sinh tiến bộ.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn trao quà Tết năm 2023 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Đồng Bục, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn). |
Ngoài ra, phong trào “Hũ gạo tình thương” đã huy động được hơn 2 tỷ đồng, 29.989 kg gạo; 413 giáo viên được giúp đỡ với 264.880 triệu đồng; 12.318 học sinh được giúp đỡ với hơn 2 tỷ đồng. Phong trào cũng có các hiện vật khác như: 117 chiếc xe đạp, 6 bộ thiết bị phòng vệ sinh, 847 suất quà, 183 chiếc chăn lông, 278 bộ quần áo ấm, 6.663 quyển vở...
Năm 2023 mở rộng dạy ngoại ngữ 1 môn Tiếng Trung Quốc
Những thành quả nổi bật tiếp tục làm nền tảng để ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn tạo đà bứt phá trong năm 2023. Theo chia sẻ của ông Hồ Công Liêm, trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp như:
Một là, tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về giáo dục đào tạo, các đề án, dự án, chương trình và kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết số 63-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, làm tốt công tác rà soát, quy hoạch, sắp xếp trường lớp học.
Thực hiện các giải pháp tích cực nhằm giảm các điểm trường, lớp ghép, giảm các trường có quy mô nhỏ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất và bố trí đội ngũ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa, song song với việc đảm bảo duy trì ổn định tỉ lệ huy động học sinh ra lớp.
Ba là, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.
Tiếp tục tuyên truyền các giải pháp thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bốn là, tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Triển khai đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch.
Năm là, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Sáu là, đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện nền nếp, kỷ cương, cải cách hành chính.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo kỷ cương nền nếp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Phát huy vai trò tự kiểm tra trong các trường học. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định của ngành, chú trọng công tác thi đua khen thưởng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Bảy là, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Mở rộng dạy học ngoại ngữ 1 môn Tiếng Trung Quốc ở một số nơi có điều kiện. Khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ và dạy ngoại ngữ thông qua các môn học. Tiếp tục phát động phong trào giáo viên, giảng viên cùng học Tiếng Anh với học sinh, sinh viên trong trường sư phạm.
Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy, học và quản lý giáo dục. Bằng việc kết nối liên thông phần mềm cơ sở dữ liệu ngành với dữ liệu chung của tỉnh, tiếp tục triển khai tích cực hệ thống dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4).