Thí sinh xét tuyển nhiều phương thức, vậy cộng điểm ưu tiên sao cho hợp lý?

01/02/2023 06:41
Cao Nguyên
GDVN- Việc cộng điểm trong xét tuyển đại học cần nhất là tạo sự công bằng cho thí sinh. 

Có thể khẳng định, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là một chính sách nhân văn được áp dụng hơn 20 năm nay.

Tuy nhiên, việc này gây tranh cãi trái chiều không hồi kết từ nhiều năm qua.

Có luồng ý kiến cho rằng, không thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử, bởi vì điều kiện học tập của các vùng miền hiện nay chênh lệch nhau rất nhiều.

Ngược lại, luồng ý kiến khác muốn bỏ cộng điểm ưu tiên vì hiện nay học sinh không có khó khăn trong học tập, điều kiện công nghệ thông tin giữa các vùng miền đã dần tiệm cận nhau.

Tôi cơ bản đồng tình về việc cộng điểm ưu tiên theo quy định ở Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non [1].

Tôi cũng đồng tình về việc cộng điểm ưu tiên trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]

Theo đó, dự thảo bổ sung thêm đối tượng thí sinh thuộc diện ưu tiên cộng 0,25 và 0,5 điểm so với quy chế cũ, đó là:

- Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có ít nhất 2/3 thời gian học cấp trung học phổ thông tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú từ 3 năm trở lên trong thời gian học cấp trung học phổ thông (tính đến ngày thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

- Xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ;

Cụ thể, người dân tộc thiểu số đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương và có nơi thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135;

Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được bổ sung trong dự thảo là: Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh hoạ: Hoài Ân/ giaoduc.net.vn

Ảnh minh hoạ: Hoài Ân/ giaoduc.net.vn

Tuy vậy, tôi cũng mạnh dạn đề xuất không nên cộng điểm hoặc giảm bớt điểm ưu tiên trong một số trường hợp sau đây:

Thứ nhất, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định "cộng điểm ưu tiên cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên".

Theo tôi, không nên cộng điểm cho thí sinh khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm.

Lí do, hiện nay kinh tế phát triển, mức sống chênh lệch giữa các vùng, miền ngày càng được thu hẹp lại, thí sinh vùng nông thôn cũng có điều kiện học tập tốt lên, nên việc áp dụng chính sách ưu tiên cộng điểm như vậy là không còn phù hợp.

Hơn nữa, chương trình học thống nhất cả nước, đề thi giống nhau, internet bao phủ rộng khắp các vùng miền, việc học tập rất thuận tiện thì ưu tiên điểm cộng là vô lý.

Chưa kể, thí sinh đỗ vào các trường mũi nhọn như bách khoa, y khoa, ngoại ngữ… một phần nhờ điểm cộng thì khó đào tạo ra nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước.

Thứ hai, nhóm ưu tiên 2 được cộng 1.0 điểm trong đó có:

"Người lao động ưu tú thuộc tất cả thành phần kinh tế từ cấp tỉnh, cấp bộ trở lên được công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, được cấp bằng hoặc huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;

Giáo viên đã giảng dạy đủ 3 năm trở lên dự tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên;

Y tá, dược tá, hộ lý, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, người có bằng trung cấp Dược đã công tác đủ 3 năm trở lên dự tuyển vào đúng ngành tốt nghiệp thuộc lĩnh vực sức khỏe".

Tôi cho rằng, nên giảm 0,5 điểm ưu tiên đối với các đối tượng này nhằm tạo công bằng trong tuyển sinh.

Thứ ba, việc cộng điểm trong xét tuyển đại học cần nhất là tạo sự công bằng cho các thí sinh.

Vậy nên, quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên được giảm tuyến tính theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, theo tôi là chưa hợp lí.

Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo lại lấy ngưỡng 22,5 điểm vì Bộ cho rằng, qua phân tích kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (mức 22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường).

Điều này dẫn tới sự mất công bằng cho các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Tuy vậy, ngưỡng điểm thi sẽ thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào độ phân hoá của đề thi. Ví dụ, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 rất khó, đặc biệt là môn Toán, còn đề thi năm 2021 thì xuất hiện "mưa" điểm 10 ở nhiều môn, vậy ấn định một ngưỡng điểm làm quy chuẩn cho các năm thì có hợp lý?

Bên cạnh đó, theo thống kê năm 2022 có khoảng 20 phương thức khác nhau để tuyển sinh đại học chứ không chỉ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ví dụ: xét điểm học bạ, xét tuyển thẳng, sử dụng kết quả đánh giá năng lực, thi năng khiếu, xét tuyển qua phỏng vấn, sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển, xét tuyển kết hợp...

Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng mức điểm ưu tiên thế nào cho hợp lí? Chẳng hạn, học sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển thì có được cộng điểm ưu tiên hay không?

Được biết, các trường đại học trên thế giới cũng có nhiều hình thức cộng điểm khác nhau. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Úc (ANU) có chương trình cộng điểm ưu tiên cho những học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, hoặc các thí sinh vượt khó.

Tại Mỹ, do được trao quyền tự chủ tuyển sinh, điểm khuyến khích của các trường đại học không giống nhau.

Hay Thái Lan vẫn cho phép các trường nhận thí sinh cử tuyển. Trường hợp này thường là những học sinh vùng sâu vùng xa, thuộc cộng đồng người thiểu số, cần học cao để quay về đóng góp cho quê hương... [3]

Những chính sách này ngành giáo dục có thể tham khảo và áp dụng sao cho hợp lí bên cạnh việc cộng điểm ưu tiên như đã đề cập.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-08-2022-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-222665-d1.html

[2] https://plo.vn/bo-gddt-cong-bo-du-thao-sua-doi-quy-che-thi-tot-nghiep-thpt-post716557.amp

[3] https://tuoitre.vn/cac-nuoc-tinh-diem-uu-tien-the-nao-1364809.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên