Cán bộ vì "danh lợi" vi phạm bị xử lý nghiêm minh tạo thêm niềm tin của Nhân dân

20/01/2023 07:30
Trung Dũng
GDVN- Các chuyên gia cho rằng, việc mạnh tay xử lý cán bộ sai phạm thời gian gần đây cho thấy tương lai tươi sáng trong bộ máy cơ quan nhà nước.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thời gian gần đây đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ của Nhân dân. Đặc biệt, việc mạnh tay trong công tác xử lý cán bộ, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" khi nhiều cán bộ cấp cao đã bị khởi tố vì vướng vào các sai phạm, điều này góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân cả nước.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: "Có thể nói, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Thậm chí, chúng ta còn có cả Nghị quyết dành riêng, chuyên đề cho công tác cán bộ.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng có nhiều văn kiện quan trọng về công tác quản lý cán bộ và việc kỷ luật cán bộ. Bên cạnh đó là các quy định cụ thể về việc bảo vệ cán bộ giỏi, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nêu cao tinh thần vì nước, vì dân.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trung Dũng
Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ảnh: Trung Dũng

Đồng thời, nhiều văn bản để khuyến khích cán bộ mạnh dạn từ chức khi bản thân mắc phải sai phạm. Đây là điều cần thiết, then chốt để tạo ra sự thuận lợi để chúng ta phân loại và sắp xếp, bố trí lại khâu tổ chức cán bộ.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy được việc xử lý cán bộ mắc sai phạm đang được thực hiện rất quyết liệt. Vừa qua, một loạt cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong bộ máy từ Trung ương đến địa phương bị xem xét kỷ luật, cho thôi chức vụ, cho thôi Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương.

Qua đó, để có thể nói, công tác cán bộ đã được nhà nước ta xem xét, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và có nhiều kết quả rất tích cực. Điều này đang được cử tri và nhân dân cả nước hết sức ủng hộ. Trong việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là vị thuyền trưởng trong việc chèo lái con thuyền của Đảng và thiết lập đội thuỷ thủ trên con thuyền đó làm sao phải vừa có đức lại có tài, để đưa con thuyền đi đến thắng lợi".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu ra một số nhận định, dù Đảng đã vận dụng rất nhiều hình thức, giải pháp, trong một thời gian liên tục xử lý nhiều cán bộ ở trên nhiều mặt trận khác nhau, đặc biệt là trên những mặt trận nhạy cảm. Tuy nhiên, những "ung nhọt", mầm mống của tiêu cực trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của bộ máy Nhà nước vẫn còn tồn tại.

Cụ thể, vị Phó ban dân nguyện của Quốc hội nêu ra một vài vụ án xảy ra trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19, các vụ đại án liên quan đến kinh tế, các cán bộ bị khởi tố vì sai phạm trong điều hành công tác nhân sự ở địa phương. Ngoài ra, là các cán bộ dính vào tham nhũng trong cả lĩnh vực chính trị, kinh tế.

"Từ đó để có thể thấy rõ, trong công tác cán bộ của chúng ta trước nay đang có một số tồn tại, hạn chế, cho nên đến thời điểm chúng ta làm mạnh, kiên quyết thì nó đang dần bộc lộ ra những sơ hở, yếu điểm.

Điều này để nói lên một điều rằng, những tồn tại, yếu điểm trong công tác cán bộ đã âm ỉ trong bộ máy nhà nước từ những nhiệm kỳ trước. Nó giống như một đám cháy hay như một căn bệnh ung thư đã di căn.

Nó cho thấy, công tác cán bộ cần phải được quan tâm hơn nữa, từ khâu quy hoạch đến sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt.

Chính vì thế, trong việc mạnh tay thực hiện tổng rà soát, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ cần có sự vào cuộc tích cực và nỗ lực của cả một hệ thống thì mới có thể giải quyết được", Tiến sĩ Nhưỡng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn cho rằng, điều cốt lõi vẫn là ý thức, quyết định từ chính bản thân của mỗi cá nhân cán bộ đó.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nêu chia sẻ: "Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, mặc dù vẫn nhìn nhận được rằng nguyên nhân sâu xa là do công tác tổ chức. Qua đó, có thể nói một nguyên nhân chính là do bản thân cán bộ đó thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện.

Đặc biệt, phần đông cán bộ khi ngồi ở vị trí cao, họ quá đặt nặng và quan tâm đến hai chữ "danh lợi", vì chủ nghĩa cá nhân. Một tập thể có vững mạnh, đoàn kết hay không, nó phụ thuộc rất lớn vào từng cán bộ trong bộ máy đó. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở vị trí đứng đầu ngành.

Tuy nhiên, vì lối suy nghĩ muốn giữ lấy "ghế" của nhiều cán bộ khi vươn lên được các vị trí cao đã khiến họ hành động bất chấp, điều này dẫn đến những tiêu cực. Đương nhiên, nếu có tiêu cực, sai phạm thì cán bộ sẽ bị xử lý nghiêm".

Trao đổi liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - Giảng viên cao cấp Khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc các cán bộ đầu ngành dám chịu trách nhiệm trước các thiếu sót, khuyết điểm trong ngành mình quản lý, đặc biệt là với sai phạm của cấp dưới thẳng thắn mà nói là không nhiều. Đây cũng là một nguyên nhân gây khó khi thực hiện việc cải tổ, làm trong sạch bộ máy và tuyển chọn ra những cán bộ đầu ngành có tâm, có tầm thực sự.

Chia sẻ về nguyên nhân của "văn hoá" dám chịu trách nhiệm trước những tồn tại, thiếu sót của đội ngũ cán bộ đầu ngành hiện nay không phổ biến, thậm chí là rất "hiếm", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định: "Để thực hiện được một hệ tư tưởng văn minh, tiến bộ thì nó cần có thời gian để tích luỹ.

Trong thời gian tích luỹ đó, có thể nhiều yếu tố tác động khiến cho một hệ tư tưởng trở nên phổ biến hoặc khiến cho hệ tư tưởng đó biến mất.

Với "văn hoá" dám nhận trách nhiệm cũng vậy, nếu trong xã hội có các yếu tố tác động tiêu cực khiến cho người thực hiện việc đó thấy bất lợi cho công việc của mình thì văn hoá đó cũng có thể dần biến mất trong suy nghĩ của nhiều bộ phận cán bộ".

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế cũng cho rằng, cán bộ dám nhìn vào sự thật, đánh giá đúng mức độ và dám nhận trách nhiệm là điều đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chính bản thân cán bộ đó phải tìm ra được biện pháp khắc phục những tồn tại thì đó mới xứng tầm là cán bộ đầu ngành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - Giảng viên cao cấp Khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - Giảng viên cao cấp Khoa Triết học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

"Trong việc này, để khuyến khích, nhân rộng tinh thần dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm của cán bộ thì ngoài sự chỉ đạo công minh của cấp quản lý cao hơn thì cần có động lực từ phía người thân, môi trường làm việc để bản thân cán bộ đó nhận thấy việc dám nhận trách nhiệm cũng "bình thường" như bao việc khác họ vẫn làm.

Làm sao xây dựng được trong suy nghĩ của các cán bộ quản lý đầu ngành về tác phong dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước là điều thực sự cần thiết", Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhận định.

Trung Dũng