Giáo viên mong muốn điều gì khi bước sang năm mới?

22/01/2023 06:55
NGUYỄN CAO
GDVN- Năm mới, ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và đội ngũ nhà giáo cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, ngành giáo dục năm mới có nhiều việc điển hình.

Dù năm 2023 (dương lịch) đã bắt đầu bước sang tháng 1 được 3 tuần nhưng người Việt ta vẫn luôn xem trọng Tết Nguyên đán bởi những mong ước, hy vọng thường được mọi người hướng vào những ngày đầu năm âm lịch.

Năm mới sang, quan niệm của chúng ta là “tống cựu nghênh tân” để những chuyện buồn sẽ đi qua, những may mắn, hạnh phúc được đến với mình, với mọi người.

Và, chúng tôi- những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy thì ngoài việc mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, hạnh phúc, cũng luôn cầu mong cho ngành giáo dục sẽ có nhiều khởi sắc trong năm mới.

Những điểm sáng trong giáo dục của năm 2023 sẽ nhiều hơn, ngành giáo dục sẽ có những chỉ đạo sát sao, cụ thể để chương trình giáo dục phổ thông 2018 không còn nhiều bất cập. Niềm tin của người dân vào giáo dục sẽ khởi sắc qua những công việc hiệu quả, thiết thực.

Hy vọng năm 2023 ngành giáo dục sẽ có nhiều khởi sắc (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hy vọng năm 2023 ngành giáo dục sẽ có nhiều khởi sắc (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Những điểm sáng của ngành giáo dục trong năm 2022

Nhìn lại một năm đầy khó khăn của ngành giáo dục nước nhà- khi mà dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi. Tỉ lệ người nhiễm bệnh, người bị tử vong ở nhiều địa phương tăng từng ngày. Tuy nhiên, với chủ trường “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học” đã giúp cho toàn ngành vẫn duy trì được việc dạy và học.

Đặc biệt, khi bước sang đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, Bộ đã chủ trương để học sinh đến trường học trực tiếp. Lúc đó, nhiều người còn ái ngại, lo lắng nhưng với quyết tâm của lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của thầy và trò ở các nhà trường, mọi kế hoạch giáo dục đã được thực hiện khá tốt, học sinh đã đồng loạt chuyển sang học trực tiếp sau quãng thời gian dài học trực tuyến.

Rõ ràng, đây là một chủ trương, sự quyết tâm lớn của lãnh đạo ngành, cùng toàn thể đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên ở các nhà trường và sự đồng lòng của phụ huynh trên cả nước đã giúp cho toàn ngành vượt qua một giai đoạn khó khăn, ngặt nghèo chưa có trong tiền lệ.

Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm toàn ngành triển khai chương trình mới ở 3 cấp học với ngổn ngang các đầu việc khác nhau. Từ tập huấn cho giáo viên, triển khai đến các trường học nhiều thứ còn mới mẻ, bất cập. Thế nhưng, dù còn những hạn chế nhất định nhưng mục tiêu chung của toàn ngành đã cơ bản hoàn thành.

Các kỳ thi lớn do Bộ, Sở tổ chức trong năm qua đã được thực hiện khá tốt, trơn tru và thu được nhiều thành quả.

Điều đáng chú ý là chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/ TT-BGDĐT về xếp hạng, xếp lương mới cho giáo viên công lập từ cấp mầm non đến trung học phổ thông có nhiều bất cập đã được Bộ chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tế hơn.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.

Việc Bộ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo mà nội dung dự thảo đã đề cập đến “chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo” để nhằm “thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề” và đặc biệt với “chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao” sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cống hiến.

Đây chính là những tín hiệu tốt, tích cực cho toàn ngành bước vào năm mới- năm 2023 bởi sự thay đổi này sẽ giúp cho giáo viên có thêm nhiều động lực để cố gắng hơn, nhằm làm tốt công việc của mình, góp phần vào thành công cho sự nghiệp giáo dục nước nhà ngày một hiệu quả và tạo niềm tin cho xã hội.

Giáo viên mong Bộ sẽ tháo gỡ những khó khăn và có những chỉ đạo kịp thời

Nhìn lại năm qua, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy một dấu hiệu tích cực là từ những khó khăn đó giúp cho ngành giáo dục thấy được những hạn chế, bất cập của mình mà đưa ra những giải pháp thay đổi.

Vì thế, năm mới đến, điều mà giáo viên chúng tôi mong muốn là tiếp tục có sự thay đổi tích cực trong giáo dục. Và, điều giáo viên chúng tôi mong muốn đó là:

Thứ nhất: kỳ thi trung học phổ thông; kỳ thi tuyển sinh 10 (đối với chương trình 2006) cần giữ ổn định. Bộ, Sở không nhất thiết năm nào cũng thay đổi, điều chỉnh. Càng thay đổi, điều chỉnh càng làm phức tạp vấn đề và gây áp lực cho thầy cô giáo và các em học sinh ở các nhà trường bởi có những thay đổi chỉ gây thêm sự rối rắm, phức tạp.

Thứ hai: việc Bộ đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đồng nghĩa liên quan đến nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai bởi nó ảnh hưởng đến hàng chục thế hệ học trò trong những năm tới đây.

Vì thế, giáo viên chúng tôi mong muốn Bộ cần có những chỉ đạo và giám sát tốt việc thực hiện các bộ sách giáo khoa trong chương trình mới thật khoa học và tăng tính thực tiễn. Tránh kiến thức hàn lâm, lý thuyết viển vông không thực tế.

Điều quan trọng là những bộ sách giáo khoa đó đảm bảo nội dung không phải chỉnh sửa hàng năm, không có sạn như các bộ sách vừa qua, chất lượng in sách phải tốt để học sinh có thể học được trong nhiều năm.Tránh tình trạng sách dùng một lần như hiện nay thì lãng phí tiền của cho xã hội vô cùng. Đừng để năm nào cũng xảy ra những thị phi về giá sách, cách tiếp cận của các đơn vị phát hành sách đến các nhà trường như những năm học vừa qua.

Thứ ba: Môi trường giáo dục trong các nhà trường cần được thực hiện dân chủ, minh bạch. Việc điều chuyển, phân công công tác giáo viên phải được thực hiện công khai, có tình, có lý.

Những năm qua, chúng ta thấy một điều đáng buồn là có những địa phương, những trường học chưa làm tốt điều này. Có những địa phương đã xảy ra tình trạng tuyển dụng, thuyên chuyển chưa minh bạch. Trong phân công công tác thì có tình trạng nhìn mặt để phân công nên có chuyện o ép, trù dập một số giáo viên.

Công tác tài chính trong các trường học cần có những hướng dẫn cụ thể về việc công khai minh bạch tài chính. Cần có những công cụ giám sát chặt chẽ hiệu trưởng, kế toán nhà trường để không còn đơn thư, khiếu nại, tố cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và địa phương, môi trường giáo dục.

Công tác xét thi đua khen thưởng, xét loại viên chức, đánh giá giáo viên cuối năm cần làm chặt chẽ, khách quan và công khai. Tránh tình trạng xét thi đua, xét loại viên chức nhìn vào vị trí ngồi chứ không nhìn vào mức độ cống hiến, thành quả của giáo viên trong trường đạt được.

Làm tốt công tác thi đua sẽ tạo được sự đồng thuận cho toàn tập thể mà kích thích được sự phấn đấu, cố gắng của mọi người.

Thứ tư: Bộ nên rà soát lại những văn bản đã ban hành trong những năm qua xem loại văn bản nào không còn phù hợp, văn bản nào còn bất cập, gây khó khăn cho giáo viên, văn bản nào còn hình thức không hiệu quả thì bãi bỏ để ngành giáo dục hướng về việc dạy thật, học thật, thi đua thật.

Những văn bản ban hành mới cần tường minh, cụ thể, không chỉ đạo chung chung, nhất là đối với việc thực hiện chương trình mới, môn học mới.

Thứ năm: Những thủ tục hành chính hiện nay như hồ sơ sổ sách, họp hành còn nhiều, gây khó khăn cho việc thực hiện công việc ở các nhà trường. Vì thế, Bộ cần có những chấn chỉnh kịp thời để giảm áp lực cho giáo viên. Đặc biệt là các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512 bởi nó đang ám ảnh giáo viên dưới cơ sở.

Thứ sáu: Công tác cán bộ trong các trường học cần nhanh chóng tiến tới việc thi tuyển công khai ở các địa phương để chọn được những lãnh đạo đủ tâm, tài gánh vác sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Thực tế, có lãnh đạo nhà trường hiện nay không đủ cả năng lực, đạo đức nhưng họ vẫn ngồi ở ghế quản lý nhà trường suốt hàng chục năm trời. Từ đó, dẫn đến sự hách dịch, cậy quyền, gây nên phe cánh trong các đơn vị trường học mà thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến ở một số nơi.

Ngành giáo dục là nơi có tới một nửa biên chế cả nước, là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Môi trường giáo dục cần phải trong sạch, trong sáng, ứng xử phù hợp. Vì thế, xây dựng đội ngũ nhân lực, đặc biệt là lãnh đạo nhà trường phải là những con người tiêu biểu, biết nêu gương, xây dựng nội bộ đoàn kết.

Những sự việc tiêu cực trong giáo dục không chỉ làm mất đoàn kết nội bộ của đơn vị mà làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, khiến cho xã hội có cái nhìn ái ngại.

Năm mới, ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và đội ngũ nhà giáo cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, ngành giáo dục năm mới không còn những chuyện buồn, ngành giáo dục năm mới đều là những câu chuyện điển hình.

Và, điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như nhiều thầy cô giáo khác là toàn ngành giáo dục cùng thay đổi, trên dưới một lòng để từng người thầy làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình một cách tốt nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO