Dưới khu vực chân cầu Long Biên (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) có một xóm trọ với phần lớn là những người lao động tự do dạt về. Nơi đây còn được nhiều người đặt cho cái tên là "khu ổ chuột" bởi những căn phòng trọ tồi tàn được chắp vá từ những mảnh gỗ, miếng tôn hay tấm bạt.
"Khu ổ chuột" càng giống nghĩa đen hơn khi thi thoảng chuột lại chạy từ phòng trọ này sang phòng khác.
Trong một căn phòng rộng khoảng trên chục mét vuông, nhà vệ sinh được che tạm bợ ngay lối vào, bên trong là đồ đạc lỉnh kỉnh, là nơi ở của gia đình em Nguyễn Văn Tân (14 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi).
Trong căn phòng tối tăm với ánh đèn yếu ớt, Tân nằm trùm chăn, em tỏ ra cởi mở khi nói chuyện với phóng viên. Tuy nhiên, em từ chối được chụp ảnh bởi không muốn bạn bè biết.
"Bạn học ở lớp con chưa ai biết con ở nơi đây, chú đừng có chụp cháu nhé", Tân nói.
|
Chia sẻ về việc đón Tết, nam sinh cho hay, bản thân em hiểu về hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi mẹ làm nghề cửu vạn bốc xếp hàng ngoài khu chợ Long Biên. Mẹ cũng là lao động chính nuôi ba anh em Tân và bà ngoại.
Bởi vậy, từ nhỏ em chưa bao giờ đòi hỏi phải có quần áo mới, hay nhà cửa phải trang trí cây đào, cây quất. Trong đêm Giao thừa, em rất thích xem bắn pháo hoa, đứng từ khu trọ hướng về Bờ Hồ để xem và khi lớn lên em ra xem trực tiếp để tận hưởng không khí háo hức, đông vui.
"Tết năm nay Hà Nội bắn pháo hoa, em sẽ đi ra đó xem. Ở đó náo nhiệt, đông vui không hiu quạnh như khu trọ này khi mọi người đều đã về quê hết", Tân chia sẻ.
Tân cho biết, trong những ngày Tết, em thường đi đến nhà bạn ở khu trọ gần đó để chúc Tết và sau đó đi đá bóng cùng các bạn, đánh cầu lông, hoặc có năm đi ra Bờ Hồ chơi.
Dưới thời tiết giá lạnh nhưng Tân chỉ mặc chiếc áo mỏng manh và đam mê với trái bóng. Trong năm mới, em mong may mắn sẽ đến với bản thân, và trong việc chơi các môn thể thao như đá bóng, chạy việt dã. |
Tân thừa nhận, nhiều lúc trong cuộc sống em cũng thấy buồn, muốn đi đâu đó xa cho khuây khỏa, nhưng em không thuộc đường, nên nếu có đi thì cũng chỉ ra Bờ Hồ bằng xe đạp hoặc xe buýt.
Chia sẻ về mong muốn trong năm mới, Tân cho biết, em mong bản thân sẽ gặp nhiều may mắn trong việc học hành, thành tích trong các môn thể thao.
Tân có năng khiếu các môn thể thao như bóng đá, chạy... em còn mang một tấm bảng ra khoe thành tích được đạt học bổng khi tham dự một giải chạy việt dã. Em hào hứng chia sẻ về những trận đá bóng cho trường, đơn vị khác.
Có năng khiếu thể thao nhưng Tân vẫn luôn tập trung theo việc học với định hướng cố gắng học hết trung học phổ thông, rồi nếu không học đại học thì mới đi làm. Với hoàn cảnh khó khăn như Tân, thường sẽ có nhiều bạn lựa chọn học nghề khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng Tân cho rằng: "Đi học nghề xong đi làm sớm, con sợ không thành công cho lắm".
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, bà Nguyễn Thị Lĩnh (60 tuổi, bà ngoại của Tân) cho hay, nhà bà trước đây sinh sống dưới nhà bè ở sông Hồng. Từ năm 1986, gia đình phải di dời lên bờ và lựa chọn nhà trọ nơi đây để sinh sống. Đến thế hệ của cháu Tân là ba thế hệ gắn bó với khu nhà trọ tồi tàn có lẽ nhất nhì ở ngay trung tâm thành phố.
Bà Lĩnh bế đứa cháu ngoại là em út của Tân ngồi ngoài phòng trọ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Đôi mắt thơ ngây của cháu ngoại bà Lĩnh. Cũng giống cậu anh, đứa em có vóc dáng bên ngoài khá còi cọc. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
"Mẹ Tân là mẹ đơn thân, để nuôi bốn mẹ con cùng với tôi, mẹ nó làm cửu vạn ngoài chợ Long Biên. Công việc cũng thất thường, bởi ai thuê mới có việc làm. Trước đây, tôi cũng làm cửu vạn nhưng giờ sức khỏe đã yếu rồi, không còn làm được", bà Lĩnh cho hay.
Bà Lĩnh chia sẻ, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, nhưng Tân không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì để bằng bạn bằng bè. Tân luôn tự học, bởi bà và mẹ cũng không biết để chỉ bảo.
Sống trong khu trọ lụp xụp, bà Lĩnh thấy thương tụi nhỏ mỗi khi mùa hè đến thì trong phòng oi bức. Mùa đông thì hút gió, lạnh lẽo.
Cùng ở xóm trọ này, là những mảnh đời éo le khác. Ví như trường hợp của bà Nguyễn Thị Liên (72 tuổi) ở cùng với cậu con trai trí óc không bình thường, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. |
"Vào mùa hè, Tân thường ôn luyện, học tập tại một cơ sở miễn phí có đầy đủ cơ sở vật chất gần trường", bà Lĩnh cho hay.
Chia sẻ về ngày Tết, bà Lĩnh nói, gia đình bà cũng như những người lao động khác ở nơi đây thường được các đoàn từ thiện đến trao quà tết là bánh chưng, gạo, bánh kẹo... Điều này giúp cho họ cảm thấy được tình thương từ xã hội dành cho những mảnh đời khốn khó, mưu sinh ở "khu ổ chuột" này.