TS.Nguyễn Tùng Lâm: Cần xây dựng chỉ số đánh giá giáo dục của từng địa phương

30/01/2023 06:49
Anh Trang
GDVN-Hệ thống tổ chức quản lý và cơ chế chính sách quản lý ngành giáo dục chưa phù hợp với việc phát triển đa dạng và liên thông giữa các loại hình giáo dục với nhau.

Cho đến năm 2013, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) số 02-NQ/HNTW về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”, ban hành năm 1996, thực hiện được 17 năm. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu.

Để khắc phục những bất cập, phát huy những thành công của giáo dục và đào tạo, nhằm tạo ra những thay đổi căn bản, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập, kìm hãm sự phát triển. Nhiều vấn đề đúng đắn về phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam đầu thế kỷ XXI để tiếp cận với giáo dục tiên tiến trên thế giới vẫn chưa được các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương quan tâm thực hiện.

Bàn về quá trình triển khai đổi mới giáo dục trong khoảng thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Uỷ ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, đã có nhiều Nghị quyết về giáo dục đào tạo nhưng Nghị quyết 29 là Nghị quyết đặc biệt nhất về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nghị quyết với những nội dung đúng hướng và sát với nhu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam. Sau một thời gian thực hiện, giáo dục đã làm được các việc quan trọng biểu hiện ở những thay đổi.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Thứ nhất, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự chuyển hướng rất đúng, cơ bản và quan trọng. Bởi mục đích của chương trình là phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng,...

Chính yêu cầu chuyển hẳn từ dạy chữ sang dạy người là yếu tố quan trọng và giá trị nhất của chương trình. Đồng thời, sự chuyển hướng này giúp cho giáo dục Việt Nam thực hiện đúng với mục tiêu, sứ mệnh chân chính của giáo dục tiên tiến thế kỷ XXI.

Như Nhà Tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Stephen Covey từng nói:“Thách thức lớn nhất của giáo dục là làm sao khơi mở tiềm năng của tất cả trẻ em, để chúng có thể dẫn dắt cuộc sống của chính mình thay vì để người khác dẫn dắt. Đây là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục…Nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ đưa ra những quyết định của chính mình”.

Trước kia, chúng ta còn quá lệ thuộc vào kiến thức, chữ nghĩa, điểm số, bằng cấp và không quan tâm đến phát triển năng lực, phẩm chất, đặc biệt, chưa chú ý, tập trung vào việc khơi mở tiềm năng của người học.

Phương pháp học của trò và phương pháp dạy của thầy còn thụ động, không gắn kiến thức với thực tế đời sống. Người học không phát huy được khả năng tiềm ẩn, khả năng tự học, sáng tạo, tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm trong quá trình học tập ở nhà trường phổ thông để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, tự quyết định cuộc sống của mỗi người, đáp ứng những khát vọng bản thân và khát vọng của quê hương đất nước. Do vậy, mới xảy ra nhiều chuyện dối trá, nhiều chuyện làm còn hời hợt, tạm bợ, giả tạo hình thức,...không hướng đến “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Thứ hai, chúng ta bắt đầu quan tâm đến vai trò người thầy. Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 9 mô-đun đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Để họ có đủ tri thức, năng lực sư phạm thực hiện tốt chương trình mới, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là bước đi hợp lý để nâng cao chất lượng “trồng người”.

Tuy nhiên, ngành giáo dục đào tạo và cơ quan hữu quan cũng như lãnh đạo các tỉnh/thành chưa đề ra được những chính sách kịp thời nhằm tạo động lực cho nhà giáo, hỗ trợ nhà giáo có thể vượt qua khó khăn, rào cản trong quá trình thực hiện chương trình mới.

Thứ ba, ngành giáo dục đã số hóa toàn bộ khâu quản lý giáo dục làm nền tảng cho các nhà trường phát triển. Đặc biệt, từ sau dịch Covid-19, tầm quan trọng của công nghệ thông tin đã được ngành giáo dục và đào tạo đề cao. Mặc dù vậy, việc triển khai số hóa trường học để đi đến số hóa toàn ngành đang triển khai chậm nên chưa phát huy hết được hiệu quả của việc số hóa ngành giáo dục.

Thứ tư, không chỉ giáo dục phổ thông có những bước tiến quan trọng mà giáo dục đại học cũng có thay đổi tích cực theo hướng phát triển khoa học kỹ thuật và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực đất nước. Trong đó, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học là yếu tố then chốt.

“Tôi chỉ tiếc rằng, Nghị quyết Trung ương ra sớm nhưng chúng ta làm hơi chậm và còn tồn tại một số bất cập. Nếu làm quyết liệt, đôn đốc những đơn vị liên quan thực hiện một cách sát sao, làm đúng như Nghị quyết 29 đã đề ra thì giáo dục sẽ có nhiều thành tựu lớn hơn nữa”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Hệ thống tổ chức quản lý và cơ chế chính sách ngành giáo dục chưa phù hợp

Về giáo dục phổ thông, nước ta thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, ban hành và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng còn nhiều vướng mắc, điều kiện các nhà trường chưa đáp ứng được cả về đội ngũ giáo viên lẫn cơ sở vật chất.

Đặc biệt, chưa làm rõ những nhiệm vụ đổi mới, những tác động của chương trình khiến chính quyền các địa phương và các ngành liên quan chưa tạo điều kiện để đầu tư kịp thời về về nguồn lực tài chính, nhân lực nên ngay từ đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục đã gặp rất nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Cụ thể, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục mới như Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; môn tích hợp; Giáo dục địa phương,...để phục vụ phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhưng chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ môn mới trong quá trình xây dựng chương trình.

Các trường sư phạm chưa được chuẩn bị để đi trước đón đầu việc đào tạo giáo viên nên khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu các nhà trường vẫn phải sắp xếp giáo viên kiêm nhiệm hoặc cho giáo viên đi học bồi dưỡng sau một thời gian ngắn rồi về đứng lớp nên chưa hiệu quả.

Cùng với đó, đối với môn, những hoạt động giáo dục mới, một số hiệu trưởng còn chưa nhận thức đầy đủ hoặc chưa nhận thức đúng dẫn tới hạn chế trong việc triển khai ngay trong các nhà trường.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động được thiết kế xuyên suốt chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp lớp 12 để giúp học sinh áp dụng kiến thức được học nhằm giải quyết các vấn đề trong thực tiễn nhưng đâu đó vẫn có trường đặt nặng lý thuyết, chưa thực hiện được nhiều hoạt động thực tế nên không giúp được việc thực hiện nhu cầu đổi mới.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bậc trung học phổ thông. Về mặt lý thuyết, các nhà trường để học sinh lựa chọn tổ hợp môn học nhưng thực tế phải căn cứ vào điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất của các trường nên việc lựa chọn tổ hợp môn của học sinh lớp 10 gặp rất nhiều khó khăn. Việc lựa chọn các môn theo sở thích, phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh còn bị hạn chế.

Về giáo dục đại học, việc nâng cao tự chủ của các trường là định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, các trường đại học cần xác định rõ: phục vụ nhân lực cho vùng nào, đối tượng giáo dục và đào tạo là ai để có những cải tiến, cập nhật phù hợp, tránh học theo các giáo trình lý thuyết cũ, lạc hậu. Ngoài ra, quá trình đào tạo phải gắn với thực tiễn, cách làm việc của các tập đoàn, tổng công ty, các cơ sở sản xuất lớn để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế chưa được nhiều nhiều trường đại học quan tâm đúng mức.

Hiện nay, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh, thi nhau tổ chức kỳ thi riêng.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, điều này chưa cần thiết. Việc cấp bách hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo ngay các trường đại học phải sớm thống nhất gắn được các mã ngành với việc phân luồng học sinh trong giai đoạn lựa chọn môn học ở trung học phổ thông. Có vậy, việc tuyển sinh đại học mới sát với các ngành nghề và thuận lợi cho việc học sinh sớm xác định được nghề nghiệp theo đuổi ngay từ khi mới vào học cấp 3.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, hệ thống tổ chức quản lý và cơ chế chính sách quản lý ngành giáo dục chưa phù hợp với việc phát triển đa dạng và liên thông giữa các loại hình giáo dục với nhau.

Hệ thống quản lý ngành giáo dục đang phân tán với nhiều cơ quan chủ quản, địa phương trong việc quản lý dạy nghề, đại học, phổ thông.

Hệ thống chính sách dành cho lĩnh vực giáo dục chưa được ưu tiên, chưa hợp lý. Trước đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư phân tán, khó kiểm soát và thống kê cụ thể nên không đánh giá được các đơn vị đã đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo hàng năm thực tế như thế nào.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục 2019 giao nhiều quyền và nhiệm vụ giáo dục đào tạo cho địa phương nhưng chưa có cơ chế giám sát thực hiện; không cho thấy được vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với giáo dục địa phương.

Vậy, giáo dục đào tạo trong giai đoạn tới cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ nào để đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, năm 2023, Bộ Giáo dục cần tham vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng để có kế hoạch tổng kết 10 năm (2013 - 2023) thực hiện Nghị quyết 29. Từ đó, có những đánh giá đúng, khách quan những việc đã làm được, bất cập và các vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới để Nghị quyết 29 tạo được động lực cho sự nghiệp đổi mới, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt, việc tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện không chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo mà từng địa phương, từng ngành phải có sự đánh giá khác nhau về vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị đã làm gì cho giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29 trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, phải giải trình được những bất cập chưa thực hiện được và các biện pháp khắc phục trong những năm tiếp theo.

Phải xây dựng được chỉ số đánh giá đầu tư, chỉ đạo về giáo dục của từng địa phương, từng ngành chủ quản giống như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Các trường học phổ thông cần được trao quyền tự chủ như các trường đại học để tiến tới thống nhất toàn ngành xây dựng mô hình trường học “Tự chủ - Dân chủ - Nhân văn - Sáng tạo”. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chất lượng, có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện đổi mới giáo dục. Riêng vấn đề đội ngũ nhà giáo cũng phải làm đồng bộ các khâu, các bước: “Đào tạo bồi dưỡng - tuyển dụng chọn lọc - sử dụng - đãi ngộ tôn vinh nhà giáo”.

Trong giai đoạn tới này, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn và có sự đầu tư về cơ sở vật chất đối với các nhà trường, cần đặc biệt ưu tiên cho giáo dục miền núi, hải đảo,..tránh để tình trạng trường, lớp ở các khu vực này xập xệ, thiếu thốn.

Anh Trang