Đề thi tốt nghiệp 2023 tăng cường vận dụng thực tiễn: Cần có đề minh họa sớm

02/02/2023 06:36
Cao Nguyên
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố đề thi minh họa tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 giúp giáo viên chủ động trong việc dạy học.

Một số tờ báo ngày 30/1/2023 dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm ngoái, diễn ra vào nửa đầu tháng 7. [1], [2]

Đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Là giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông, tôi xin có đôi điều chia sẻ về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Thứ nhất, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết "đề thi sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học".

Giáo viên chúng tôi muốn biết rõ, "đề thi sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học", là những môn học nào?

Bởi, hiện tại thí sinh tham gia kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải làm ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Thứ hai, nếu "đề thi sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học" thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố đề thi minh họa tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 giúp giáo viên chủ động trong việc dạy học.

Khi có đề minh họa, giáo viên mới có căn cứ để hướng dẫn học sinh ôn tập sát với cấu trúc đề thi. Học sinh tham gia kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ trước đến nay chủ yếu vẫn "thi gì học nấy" chứ không phải "học gì thi nấy".

Ví dụ, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2022, câu nghị luận văn học (0,5 điểm) có phần liên hệ khác với đề minh họa khiến nhiều học sinh gặp lúng túng và mất 0,5 điểm ở câu hỏi này.

Cụ thể, đề yêu cầu học sinh phân tích một đoạn trích trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu) từ đó liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Còn đề thi minh họa yêu cầu học sinh phân tích tâm trạng bà cụ tứ trong đoạn trích "Vợ nhặt" (Kim Lân), từ đó nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn.

Thứ ba, cá nhân tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra vào nửa đầu tháng 7 hàng năm là khá trễ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức kì thi này sớm hơn, từ 10 đến 15 tháng 6 sẽ có nhiều thuận lợi cho cả thầy và trò.

Đó là, học sinh không phải tham gia ôn thi khoảng 4 đến 5 tuần, phụ huynh đỡ tốn kém chi phí. Các em tự ôn tập khoảng 1 đến 2 tuần dưới sự hướng dẫn của giáo viên, giúp giảm bớt áp lực học tập.

Cùng với đó, giáo viên sẽ làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi sớm hơn, thầy cô có thêm thời gian nghỉ hè hay tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiện, giáo viên bậc trung học phổ thông phải tham gia làm nhiệm vụ cả kì thi tuyển sinh 9 lên 10 và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên thời gian nghỉ hè không còn là bao.

Thứ tư, là giáo viên dạy Văn, tôi đề xuất nên bỏ nội dung phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn vì nội dung câu hỏi manh mún, học sinh lấy điểm (3 điểm) một cách quá dễ dàng.

Chẳng hạn, phần đọc hiểu đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2022 yêu cầu thí sinh xác định thể thơ, chỉ ra tính từ... thì học sinh tiểu học làm cũng được, không phải dành cho học sinh lớp 12 (18 tuổi).

Hơn nữa, cách thiết kế các câu hỏi đọc hiểu như những năm qua chỉ phù hợp với việc kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ, không phù hợp với đặc thù môn Ngữ văn.

Như thế cần tăng số chữ cho câu nghị luận xã hội từ 200 chữ lên 500 chữ để thí sinh bày tỏ suy nghĩ về một vấn đề tư tưởng đạo lí hoặc một hiện tượng đời sống được sâu sắc hơn.

Thứ năm, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần phân hóa để không còn “mưa" điểm 10 dẫn đến tình trạng thí sinh đạt điểm cao vẫn có thể trượt đại học như những năm trước.

Đề thi cần tránh tình trạng quá dễ hoặc quá khó vì kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông phục vụ cho việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học - kì thi "hai trong một".

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, 2018 là năm có đề thi khó nhất vì có điểm trung bình các môn và số điểm 10 thấp nhất. [3]

Ngược lại, 2021 là năm có đề thi dễ nhất, khi điểm trung bình các môn và số điểm 10 cũng cao nhất. [4]

Ngoài ra, tỉ lệ điểm giỏi của 2 môn Lịch sử và Sinh học kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm qua tăng rất ít. Phải chăng đề thi còn đặt yêu cầu quá cao so với năng lực học sinh?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/de-thi-tot-nghiep-thpt-2023-tang-cuong-van-dung-thuc-tien-4564611.html

[2] https://thanhnien.vn/thong-tin-moi-ve-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023-185230130152256922.htm

[3] https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-cong-bo-pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-2018-20180710094907615.htm

[4] https://baotintuc.vn/giao-duc/pho-diem-cac-mon-thi-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-20210726072712687.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên