Không thể triển khai NĐ116, Hải Phòng báo cáo Bộ GD nhưng 1 năm chưa có phản hồi

06/02/2023 09:27
LÃ TIẾN
GDVN- Khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, Hải Phòng nêu rõ những vướng mắc, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến chỉ đạo để thực hiện.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm từ khi ra đời đã được các cấp quản lý kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề thừa – thiếu giáo viên cục bộ và khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm.

Triển khai Nghị định 116, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch 162 ngày 9/7/2021 về việc quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Hải Phòng đã triển khai thực hiện Nghị định 116 nhằm khuyến khích các sinh viên giỏi vào ngành sư phạm (Ảnh: Lã Tiến)

Hải Phòng đã triển khai thực hiện Nghị định 116 nhằm khuyến khích các sinh viên giỏi vào ngành sư phạm (Ảnh: Lã Tiến)

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhận thấy có một số vướng mắc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 137 ngày 20/1/2022 báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xem xét chỉ đạo.

Đến ngày 18/2/2022, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản giao Sở Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan để thực hiện theo quy định.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, khi thực hiện Nghị định 116 có một số vướng mắc như sau:

Tại Điều 3 Nghị định 116 quy định: “… hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh…”.

Trên thực tế, việc xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên do, Hải Phòng là thành phố công nghiệp và dịch vụ nên hàng năm, số lao động từ các tỉnh, thành phố khác về sinh sống, lao động không ngừng tăng.

Vì vậy, việc xác định chính xác số học sinh (cho năm học 2025-2026 trở đi) không có cơ sở để thực hiện.

Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa quy định chi tiết cơ cấu, định mức giáo viên cho từng ngành học, môn học, vì vậy địa phương không có đầy đủ cơ sở để tính toán nhu cầu số giáo viên cần có.

Cũng tại Điều 3 Nghị định 166 quy định: “… cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có nhu cầu quyết định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giáo viên…”.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trên thực tế, Hải Phòng không có cơ sở pháp lý để tiến hành giao nhiệm vụ cho các đơn vị đào tạo.

Việc tổ chức đặt hàng hoặc đấu thầu gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Năng lực của cơ sở đào tạo và nhu cầu của người học không thống nhất; việc đấu thầu phải theo quy trình, quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, việc thực hiện Nghị định 116 còn gặp phải bất cập lớn do “vướng” Nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện theo Luật Viên chức năm 2020; Nghị định 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ và Thông tư số 06/2020 ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức…

Như vậy, việc tuyển dụng viên chức phải có căn cứ, nguyên tắc, điều kiện đăng ký dự tuyển, phương thức tuyển dụng, tổ chức thực hiện tuyển, đội đồng kiểm tra, sát hạch…, và cũng chỉ ưu tiên cộng điểm (tối đa 7,5/100 điểm) cho đối tượng chính sách được quy định cụ thể.

Do đó, việc địa phương xây dựng điều kiện (tiêu chí) để xét chọn sau khi sinh viên ra trường phải bố trí công việc là trái với quy định của pháp luật về tuyển dụng viên chức.

Tại Hải Phòng, khi thực hiện Nghị định 116 đã gặp phải nhiều vướng mắc (Ảnh: Lã Tiến)

Tại Hải Phòng, khi thực hiện Nghị định 116 đã gặp phải nhiều vướng mắc (Ảnh: Lã Tiến)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng chỉ rõ những băn khoăn như: những sinh viên được hỗ trợ kinh phí nhưng lại bị nợ môn, kéo dài năm học, không đỗ trong các kỳ tuyển dụng viên chức thì phải giải quyết như thế nào?

Điều 9 Nghị định 116 ngày 25/9/2020 quy định: “… Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ…”. Tuy nhiên, khi sinh viên chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo; bị kỷ luật, thậm chí có sinh viên thôi học nhưng không sinh sống tại địa phương…, địa phương không nắm được. Do đó, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi kinh phí.

Cũng tại Điều 11 Nghị định 116 quy định: “Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh “…hàng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng; … phân cấp thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và bố trí vị trí việc làm phù hợp chuyên ngành đào tạo trong các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành về tuyển dụng, sử dụng viên chức…”".

Về việc này, thực tế tại Hải Phòng không có cơ sở pháp lý để xây dựng tiêu chí tuyển chọn; việc tuyển dụng viên chức phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Vì vậy, thành phố Hải Phòng chưa thể thực hiện việc tuyển dụng hoặc phân cấp về tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng cho biết, Sở Giáo dục đã có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 22/2/2022 nhưng đến nay sở chưa nhận được hướng dẫn từ Bộ.

LÃ TIẾN