Quy định “gương mẫu của người thân” do thực tiễn đặt ra
Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ quy định mới. Bởi, lấy phiếu tín nhiệm cũng đã được quy định từ trước đó, mở đầu từ Quốc hội khóa XII - XIII, nhưng lại chưa cụ thể, mới chỉ mang tính chất định tính, nên chưa có nhiều tác động.
Quy định số 96 nêu rõ: Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Khi quy định được định lượng cụ thể, rõ ràng như vậy, sẽ mang đến hiệu quả tích cực”.
Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Cao Kim Anh. |
Bên cạnh đó, ông Lê Như Tiến cũng nhận xét thêm: “Ngoài ra, Quy định số 96 còn có thêm nội dung về sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong gia đình. Về nội dung quy định này, cá nhân tôi rất đồng tình, bởi không có lý nào, một cán bộ Đảng viên mà lại không biết vợ, chồng hoặc con mình đã và đang làm gì...”.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng lý giải: “Quy định này là xuất phát từ thực tiễn, từ chính những vụ án trong thực tế. Thời gian qua, có một số trường hợp do người thân lợi dụng chức vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, để dẫn đến những sai sót, vi phạm...
Việc có những cán bộ bị người thân thao túng, lợi dụng vị trí, chức vụ của vợ/chồng hay bố/mẹ để tạo “sân trước” - “sân sau”, tư lợi cá nhân... vẫn tồn tại trong xã hội. Thậm chí, có những người xem vợ/chồng hay con của các cán bộ lãnh đạo, quản lý đó chính là “cửa sau”, là “cầu nối” để chạy chức chạy quyền, để thăng quan tiến chức.
Để xảy ra tham nhũng chức quyền, kinh tế... ở người thân trong gia đình các cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc nghiêm trọng.
Hiện tượng này đã xảy ra âm ỉ từ lâu, nhưng vừa qua mới “lộ diện” nhiều, ở nhiều vị trí, nên Bộ Chính trị phải ban hành quy định cụ thể, để góp phần ngăn chặn vấn đề này”.
Từ những phân tích trên, ông Lê Văn Cuông đánh giá: “Những quy định mới này rất kịp thời, tích cực, đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm giúp cuộc chiến chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tốt hơn”.
Phải công khai minh bạch kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Theo ông Lê Văn Cuông, trước đây, dư luận thường băn khoăn về những lần lấy phiếu tín nhiệm xong... để đó.
“Thời gian trước, thường có dư luận về việc chúng ta có các quy định “để trong ngăn kéo”, hay “chỉ nói nhưng không làm”, hoặc có làm thì cũng có chọn lọc, còn có vùng cấm, vùng né, vùng tránh... Tuy nhiên, giờ đây, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác này đã và đang được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để, hiệu quả hơn, không còn “vùng cấm”.
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản. |
Vừa rồi, về quy định từ chức, có một số cán bộ cao cấp cũng đã có động thái rõ rệt. Những quy định đang từng bước giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, vừa xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm, vừa giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội.
Khi chúng ta đang ngày càng làm mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, thì càng củng cố vị thế của Đảng và lòng tin của người dân cũng ngày càng được nâng lên...” - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thẳng thắn nhìn nhận.
Đứng trước những quy định mới tích cực, ông Lê Như Tiến cũng bày tỏ: “Sắp tới, khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, tôi cũng có rất nhiều kỳ vọng, dựa trên những quy định cụ thể đối với bỏ phiếu tín nhiệm.
Nếu không có những quy định cụ thể về việc thế nào là tín nhiệm cao, tín nhiệm, thế nào là tín nhiệm thấp - không lượng hóa được điều này thì chúng ta cũng chỉ đưa ra những con số chung chung “không biết nói”, không thay đổi, không loại trừ được những người thiếu uy tín, thậm chí có khuyết điểm, sai phạm...
Vì vậy, tôi hy vọng, trong lần lấy phiếu tín nhiệm sắp tới, chúng ta phải có hướng dẫn rất chặt chẽ, cụ thể, định lượng chứ không chỉ định tính”.
Đặc biệt, vị nguyên Đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Trước đây, khi là Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII, tôi cũng từng kiến nghị, không nên để 3 mức phiếu như vậy, mà chỉ nên có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, như vậy sẽ cụ thể hơn...
Như chúng ta thấy bàn tay luôn có 2 mặt thì mỗi vấn đề cũng luôn có 2 mặt: tốt - xấu, phải - trái, đúng - sai, vậy nên, theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ nên có 2 thái cực: tín nhiệm và không tín nhiệm.
Tôi đã từng kiến nghị như thế, nhưng chưa được thực hiện, nên bây giờ, tôi xin tiếp tục kiến nghị, như vậy sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều...
Ngoài ra, tôi đề nghị, nên công khai minh bạch kết quả lấy phiếu đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trước công luận, để người dân cùng tham gia giám sát".