Chấm điểm 20 cầu thủ U23 Việt Nam tại SEA Games 26

25/11/2011 06:46
Võ Hóa
(GDVN) - Đến với SEA Games 26 với bao sự kỳ vọng của người hâm mộ nhưng các cầu thủ U.23 Việt Nam đã để lại bao sự thất vọng cho khán giả nước nhà.

Sau một giải đấu vô cùng thất vọng, hãy cùng nhìn lại màn trình diễn của 20 cầu thủ U23 Việt Nam và lượng hóa sự thể hiện của mỗi con người bằng những điểm số. Sau đây là bảng chấm điểm của Thể thao Giáo dục Việt Nam.
U.23 Việt Nam có một kỳ SEA Games 26 đáng quên.
U.23 Việt Nam có một kỳ SEA Games 26 đáng quên.

Trần Bửu Ngọc (7 điểm): Thi đấu xuất sắc và chiến đấu như chiến binh thực thụ nhưng những đóng góp của Bửu Ngọc không giúp cho U.23 VN có được thành công.

Nguyễn Tuấn Mạnh (5 điểm): Là sự lựa chọn số 1 của HLV Falko Goetz trước khi sang Indonesia nhưng sự thiếu ổn định đã khiến anh bị Bửu Ngọc chiếm suất bắt chính.
Chỉ có sự xuất sắc của Bửu Ngọc là không đủ.
Chỉ có sự xuất sắc của Bửu Ngọc là không đủ.

Âu Văn Hoàn (6 điểm): Văn Hoàn là điểm sáng bên hàng lang cánh phải của U.23 VN, đặc biệt là ở trận đấu gặp U.23 Đông Timor.

Nguyễn Thành Long Giang (4 điểm):
Đây là kỳ SEA Games cuối cùng nhưng cũng đáng quên nhất của Long Giang, gặp chấn thương ngay từ lúc khai màn, bình phục chấn thương rồi bị cấm thi đấu ở thời điểm đội bóng cần anh nhất. Trở lại trận tranh HCĐ, Long Giang lại trình diễn một phong độ kém cỏi và U.23 VN thua sốc 1-4.

Lâm Anh Quang, Trương Huỳnh Phú (5 điểm): Long Giang chấn thương là cơ hội để Anh Quang và Huỳnh Phú tạo thành 1 cặp đôi ở trung tâm hàng thủ của U.23 VN, nhưng sự non kinh nghiệm đã khiến họ thi đấu không thuyết phục. Đối đầu với những đối thủ cỡ U.23 Brunei, U.23 Đông Timor mà khung thành đội nhà luôn nằm trong tình trạng báo động, thất bại của U.23 VN tại SEA Games 26 có lỗi không nhỏ của bộ đôi này.


Chu Ngọc Anh (5 điểm): Được HLV Falko Goetz tin tưởng tuyệt đối, những trận đấu quan trọng của U.23 VN đều có sự góp mặt của Ngọc Anh, nhưng hậu vệ này đã thể hiện phong độ rất kém cỏi và còn nhiều lần phản ứng nóng nảy suýt khiến đội mất quân.

Nguyễn Quốc Long, Bùi Xuân Hiếu (5 điểm): Dự bị của cặp đôi Ngọc Anh - Văn Hoàn và không được thi đấu nhiều. Những gì Xuân Hiếu làm được tại SEA Games 26 chỉ là cú tạt bóng khiến cho đội trưởng Hartmann của U.23 Philippines đánh đầu phản lưới nhà, còn người hâm mộ nhớ tới Quốc Long chỉ ở những kiểu đầu anh cắt cho Thành Lương, Hoàng Thiên...

Dương Thanh Hào (không chấm): Chấn thương cùng với kinh nghiệm ít ỏi đã khiến Thanh Hào không được thi đấu nhiều tại SEA Games 26.

Đinh Thanh Trung (5 điểm): Là tiền vệ sở hữu cái chân trái thuộc dạng hiếm ở U.23 VN hiện nay nhưng Thanh Trung không có đất để thể hiện bản thân. Không thể cạnh tranh được suất đá chính với các đồng đội đã khiến cho Thanh Trung không thể hòa nhập được mỗi khi được trao cơ hội.
Thành Lương xứng đáng với chiếc băng đội trưởng.
Thành Lương xứng đáng với chiếc băng đội trưởng.

Thành Lương (7 điểm): Là đội trưởng và là “linh hồn” của U.23 VN tại SEA Games 26, Lương “dị” vẫn là đầu tàu kéo toàn đội đi lên, nhưng một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Có thể nói, Thành Lương và Bửu Ngọc là điểm sáng hiểm hoi của U.23 VN tại SEA Games 26.

Nguyễn Trọng Hoàng (4 điểm): Sau Lương “dị”, có lẽ Hoàng “bò” là cầu thủ mà NHM đặt nhiều kỳ vọng nhất, lối chơi mạnh mẽ, không ngại va chạm đã làm nên thương hiệu của Trọng Hoàng. Nhưng kỳ vọng nhiều khi đi đôi với thất vọng, kỳ SEA Games cuối cùng của Trọng Hoàng không để lại dấu ấn gì mà đỉnh điểm của thất vọng là pha đá phạt 11m không thành ở trận gặp U.23 Lào.

Hoàng Văn Bình (6 điểm): Thuộc mẫu tiền vệ công thủ toàn diện, thi đấu điềm tĩnh nhưng cũng không ngại va chạm và sở hữu vũ khí là những cú sút xa. Nhưng cũng giống như Thanh Trung, có vẻ như Văn Bình không phù hợp với sơ đồ chiến thuật của HLV Falko Goetz nên những đóng góp của anh vẫn còn rất hạn chế.
Trọng Hoàng không đáp ứng được sự kỳ vọng của HLV Goetz.
Trọng Hoàng không đáp ứng được sự kỳ vọng của HLV Goetz.

Ngô Hoàng Thịnh (6 điểm): Nhìn Hoàng Thịnh thi đấu không ai nghĩ cầu thủ này sinh năm 1992. Thịnh rất mạnh mẽ trong những pha tranh chấp tay đôi nhưng điểm yếu vẫn là tâm lý thi đấu.

Lê Văn Thắng (6 điểm): Là cầu thủ đa năng và được HLV Falko Goetz rất tin tưởng sử dụng, khi thì tiền đạo cắm, lúc thì tiền đạo cánh và có thời điểm còn được kéo về đá như một tiền vệ phòng ngự. Có vẻ như việc phải thi đấu nhiều vị trí đã khiến cho Văn Thắng không thể hiện được hết những phẩm chất của mình.

Hoàng Đình Tùng (5 điểm): Là con bài quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của HLV Falko Goetz nhưng Tùng có khởi đầu không thuận lợi khi dính chấn thương. Trở lại sau chấn thương, Đình Tùng đã không có được phong độ tốt nhất, chính vì thế những đóng góp của tiền đạo người Thanh Hóa cho U.23 Việt Nam là không nhiều.

Lê Hoàng Thiên (4 điểm): Thất vọng, đó là hai từ có thể nói về tiền vệ của HAGL. Tỏa sáng tại giải VFF Cup, Hoàng Thiên được kỳ vọng sẽ là nhân tố bù lấp cho sự thiếu vắng một tiền đạo cắm mà U.23 đang thiếu. Có lẽ NHM chỉ nhớ tới sự hiện diện của Hoàng Thiên tại Indonesia là bàn thắng nâng tỷ số lên thành 2-1 ở trận gặp U.23 Đông Timor.

Nguyễn Văn Quyết (7 điểm): Vẫn là lối chơi kỹ thuật và lắt léo, nếu tận dụng tốt cơ hội thì số bàn thắng của Văn Quyết tại SEA Games 26 không dừng lại ở con số 5. Nhưng những đóng góp đó của tiền vệ CLB Hà Nội T&T không khiến cho anh xua đi một kỳ SEA Games đáng buồn. Đó là chưa kể những nghi vấn bán độ đang nổi sóng mà Quyết là nhân vật trung tâm.

Nguyễn Tuấn Anh (4 điểm): Là tiền đạo cắm duy nhất của U.23 Việt Nam và có thể hình tốt nhưng Tuấn Anh đã không được HLV Falko Goetz tin tưởng. Tuấn Anh chỉ đến Indonesia với suất vé vớt và anh cũng không thể hiện được bất kỳ điều gì.

Lâm Ấn Độ (không chấm):
Ấn Độ đến Indonesia với suất thủ môn dự phòng và anh không được chơi một phút nào tại giải đấu này.
Võ Hóa