TPHCM muốn hỗ trợ 100% lương GV tiểu học mới ra trường: Có thực mới vực được đạo

13/02/2023 09:08
KIM OANH
GDVN- Trong thời buổi vật giá leo thang, cái gì cũng gần như đều tăng giá nhưng những cử nhân sư phạm ra trường lại đang hưởng mức thu nhập rất èo uột, không đủ sống.

Khác với những ngành nghề khác, khi mới ra trường, được tuyển dụng vào vị trí việc làm thì nhiều ngành nghề khác không cần phải đầu tư nhiều.

Thế nhưng, đối với giáo viên ngày nay phải cần rất nhiều các khoản đầu tư ban đầu như tài liệu giảng dạy, thiết bị dạy học, laptop, máy in thì mới tạm đáp ứng yêu cầu tối thiểu đối với người thầy bởi đó là những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc đứng trên bục giảng hàng ngày.

Trong khi đó, lương giáo viên phổ thông hiện nay mới ra trường chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng- số tiền này nếu như phải dạy xa nhà, xa quê mà dạy học ở thành phố thì tiền trọ cũng đã chiếm mất một nửa.

Vì thế, việc Thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất hỗ trợ 100% lương cho giáo viên tiểu học mới ra trường là việc làm cần thiết nhằm thu hút nguồn nhân lực và giải bài toán thiếu giáo viên tiểu học ở địa phương này.

Thiết nghĩ, không chỉ giáo viên tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh mà những tỉnh thành khác, đặc biệt là khu vực đô thị cũng nên có chính sách hỗ trợ giáo viên mới ra trường.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ 100% lương cho giáo viên mới ra trường (Ảnh minh họa: P.L.)

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ 100% lương cho giáo viên mới ra trường

(Ảnh minh họa: P.L.)

Đề xuất hỗ trợ 100% lương cho giáo viên tiểu học mới ra trường là việc làm cần thiết, nhân văn

Thông tin, “Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thiếu hơn 3.600 giáo viên tiểu học nhưng việc tuyển dụng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong vòng 3 năm qua, số giáo viên bậc tiểu học ở môn Mỹ thuật, Tin học chỉ tuyển được khoảng 10% so với chỉ tiêu. Đối với giáo viên Ngoại ngữ cũng chỉ tuyển được khoảng 25% so với chỉ tiêu.

Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân chính là do chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên ở bậc học này còn thấp.

Bình quân thu nhập của giáo viên tiểu học vừa mới ra trường ở thành phố chỉ khoảng 3,3 triệu đồng, trong khi đó mức sống sinh hoạt tối thiểu của mỗi người dân tại thành phố là 3,9 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố là 6,2 triệu đồng/tháng”. [1]

Dù biết rằng so sánh nào cũng khập khễnh nhưng những thông tin do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp, chúng ta không khỏi chạnh lòng về đồng lương giáo viên hiện nay.

Trong thời buổi vật giá leo thang, cái gì cũng gần như đều tăng giá nhưng những cử nhân sư phạm ra trường lại đang hưởng mức thu nhập rất èo uột giữa một thành phố lớn nhất của đất nước.

Nếu là người dân chính gốc Sài Gòn, hiện nay không mấy ai đi học sư phạm bởi công việc ở đây nhiều. Học sinh lớp 12 học xong có nhiều lựa chọn cho tương lai của riêng mình. Các em có thể tìm một ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, ít áp lực hơn- nhất là đối giáo viên mầm non, tiểu học.

Trước đây, địa phương này khi tuyển dụng yêu cầu hộ khẩu thành phố, sau đó yêu cầu hộ khẩu KT3 và những năm gần đây bỏ yêu cầu hộ khẩu nhưng vẫn thiếu giáo viên- nhất là giáo viên tiểu học, mầm non.

Việc tuyển dụng viên chức giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đơn giản hóa để thu hút nhân lực nhưng mức lương cho giáo viên những năm đầu quá thấp so với mức sinh hoạt tối thiểu và mức thu nhập trung bình của thành phố.

Thậm chí, mức lương này còn không bằng mức nhà nước hỗ trợ hàng tháng cho sinh viên sư phạm khi đang học tập.

Với thu nhập hơn 3 triệu đồng 1 tháng thì giáo viên trẻ họ sẽ sống ra sao bởi ngoài chuyện ăn ở thì những giáo viên trẻ cũng còn rất nhiều những khoản phải chi tiêu, đầu tư khác.

Vì thế, việc Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất, mức hỗ trợ cho giáo viên tiểu học mới ra trường năm đầu tiên được chi là 100% mức lương cơ sở mỗi tháng, từ năm thứ hai và thứ 3 sẽ giảm dần còn 70% và 50% mức lương cơ sở mỗi tháng là đề xuất thiết thực cho địa phương.

Suy cho cùng, ngành nghề nào cũng “có thực mới vực được đạo”, một khi nhà giáo vẫn canh cánh chuyện cơm áo gạo tiền thì họ khó lòng yên tâm để dành trọn tâm huyết cho nghề bởi thời kinh tế thị trường, người lao động cũng có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác.

Yêu cầu của ngành ngày một cao nhưng thu nhập thì chưa có thay đổi

Mấy năm nay, khi mà ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực với rất nhiều thay đổi, yêu cầu mới. Nhiều thầy cô phải đi học bồi dưỡng, phải đi học nâng chuẩn trình độ.

Gần 4 năm nay, lương cơ sở đứng yên, không thay đổi nhưng khi dạy chương trình mới thì đầu tư cho việc giảng dạy tốn kém nhiều hơn. Tập huấn cũng nhiều hơn. Những chí phí phát sinh ấy cũng được các nhà giáo chi tiêu từ những đồng lương ít ỏi của mình.

Một số giáo viên có dạy thêm, có thêm thu nhập nhưng phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay không dạy thêm, công việc trường lớp, đầu tư cho chuyên môn đã choán hết thời gian của họ.

Trong khi, lương giáo viên mới ra trường đối với năm đầu tiên chỉ được hưởng 85% và phải 4 năm sau mới lên lương bậc II với hệ số 2,67 và đến năm thứ 6 mới có phụ cấp thâm niên 5%.

Theo hướng dẫn mới nhất của chùm Thông tư 02-04 sửa đổi thì giáo viên phổ thông phải 6 năm mới có thể được chuyển từ hạng III lên hạng II (ban đầu là 9 năm).

Còn hiện nay, nhiều giáo viên có trình độ đại học nhưng vẫn đang hưởng lương trung cấp (mầm non, tiểu học), cao đẳng (trung học cơ sở) khiến cho nhiều thầy cô giáo thua thiệt đủ đường.

Chính vì thế, thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ 100% lương cho giáo viên tiểu học mới ra trường là tín hiệu đáng mừng cho giáo viên ở đây. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, giáo viên tiểu học, cũng như các cấp học còn lại ở các địa phương khác cũng muốn được như vậy, hoặc gần được như vậy.

Bởi, những khu vực đô thị khác thì giáo viên mới ra trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ giáo viên tiểu học mà các giáo viên cấp khác cũng trong trường hợp tương tự. Trình độ đại học khi ra trường đều hưởng 85% của hệ lương số 2,34 nên đa phần giáo viên đang rất vất vả.

Sự vất vả không chỉ đối với giáo viên mới ra trường mà giáo viên 15 năm công tác bây giờ cũng mới được trên 7 triệu đồng/ tháng.

Bài toán về lương giáo viên vẫn là nỗi trăn trở hàng chục năm qua của nhiều người. Tình yêu nghề, sự lãng mạn của một bộ phận nhà giáo rõ ràng đang bị thách thức giữa thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/thieu-hon-3600-gv-tieu-hoc-tphcm-de-xuat-ho-tro-100-luong-gv-moi-ra-truong-post232965.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH