Giáo viên góp ý về SGK Vật lí 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

30/04/2023 06:38
Cao Nguyên (ghi)
GDVN- Nhiều giáo viên phản ánh sách giáo khoa Vật lí 10 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, còn nhiều "sạn", mong các tác giả quan tâm.

Thời gian qua, một số giáo viên đã phản ánh sách giáo khoa Vật lí 10 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Vũ Văn Hùng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) còn nhiều nội dung phải rà soát lại.

Trước các phản ánh của giáo viên, người viết đã trao đổi với thầy Mai Văn Túc (giáo viên môn Vật lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để góp ý cùng các tác giả viết sách.

Nội dung sách giáo khoa một đằng, sách giáo viên một nẻo?

Một giáo viên ở Hà Nội phản ánh, sách giáo khoa Vật lí 10 (ảnh 1) và sách giáo viên Vật lí 10 (ảnh 2) sử dụng một số từ ngữ và hình ảnh minh họa chưa chính xác.

Ảnh 1. Nội dung Bài 21 trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 1. Nội dung Bài 21 trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 2. Nội dung trong sách giáo viên Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)
Ảnh 2. Nội dung trong sách giáo viên Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ý kiến thầy Mai Văn Túc: "Thứ nhất, về ảnh trong sách giáo khoa (Bài 21) có một số vấn đề cần bàn như sau:

Cụm từ "điểm tựa" nên thay bằng "trục quay" như sách giáo khoa chương trình cũ cho thống nhất vì ngay trong ảnh này lại nói A là trục quay.

Câu "ta đã biết, vật đứng yên thì trọng lực phải cân bằng với các lực khác" nên sửa lại là "cân bằng với tổng hợp các lực còn lại".

Thứ hai, về hình ảnh hướng dẫn giải trong sách giáo viên, ở câu hỏi thì nói là "thanh" nhưng trong sách giáo viên lại nói là "thang" (nên sửa lại cho thống nhất).

Ở câu hỏi thì nói "bức tường nhẵn", ở phần hướng dẫn của sách giáo viên thì lại biểu diễn có lực ma sát ở đầu B. Ở câu hỏi thì viết "ma sát nghỉ", ở hướng dẫn giải thì không viết "ma sát nghỉ".

Câu "khi thang (thanh) ở vị trí sắp bị choãi xuống sàn, đầu A dịch chuyển sang trái... B dịch chuyển xuống dưới" là sai, phải sửa lại là "đầu A có sự hướng trượt sang trái, B có xu hướng dịch chuyển đi xuống".

Điều kiện cân bằng thứ 2 chỗ momen của NB thì "sin" phải sửa thành "cosin" mới đúng.

Hình vẽ trong sách giáo khoa và trong sách giáo viên nên vẽ giống nhau. Mong Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát để sửa lại cho đúng."

Viết câu tối nghĩa?

Một giáo viên ở Hà Nội chia sẻ, nội dung Chương III - Động lực, trong sách giáo khoa Vật lí 10 viết câu tối nghĩa (ảnh 3).

Ảnh 3. Nội dung về Động lực. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 3. Nội dung về Động lực. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Cụ thể, nội dung trong sách giáo khoa viết: "Trọng lượng của một vật thay đổi khi đem vật đến một nơi khác có gia tốc rơi tự do thay đổi".

"Câu này tối nghĩa, nên viết lại là: Tại những nơi khác nhau, gia tốc rơi tự do khác nhau dẫn đến trọng lượng của một vật có giá trị khác nhau", giáo viên này gợi ý cách chỉnh sửa.

Học sinh chưa học chuyển động tròn làm sao giải được bài?

Một giáo viên ở Đà Nẵng thắc mắc, học sinh không thể giải được bài tập trong sách giáo khoa Vật lí 10 như trong ảnh 4, vì các em chưa được học "chuyển động tròn" nên không biết "gia tốc hướng tâm" là gì.

Ảnh 4. Bài tập trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 4. Bài tập trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Thầy Mai Văn Túc đồng tình với sự thắc mắc của giáo viên này. Ngoài ra, thầy Túc còn đưa ra một số ý kiến sau:

"Thông thường, bài đầu tiên nên cho lý thuyết hoặc bài dễ. Không nên để bài này (ảnh 4) là bài đầu tiên.

Bài này không nên để ở dạng trắc nghiệm vì đây là bài nâng cao, ngay cả học sinh chuyên Vật lí cũng không nhiều em làm được. Vì vậy phải để ở dạng tự luận và cần có hướng dẫn giải chi tiết cho học sinh và giáo viên tham khảo.

Không nên nói "rãnh không ma sát" vì thiếu thực tế. Nên nói bỏ qua sức cản tác dụng lên xe (vì xe mô hình có cả ma sát lăn, ma sát trượt và lực cản không khí)."

Vẽ đồ thị độ dịch chuyển theo thời gian không ổn?

Một giáo viên ở Nghệ An phát hiện sự bất hợp lí trong bài học "Đồ thị dịch chuyển - thời gian", sách giáo khoa Vật lí 10.

"Bài học đưa ra qui ước về dấu của độ dịch chuyển (ảnh 5) nhưng khi vẽ đồ thị độ dịch chuyển theo thời gian (ảnh 6) thì không ổn: đoạn BC của đồ thị theo sách giáo khoa thì độ dịch chuyển d âm nhưng d lại dương? Thực tế là đó là đồ thị tọa độ - thời gian)", giáo viên nêu ý kiến.

Ảnh 5. Nội dung Bài 7 trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 5. Nội dung Bài 7 trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 6. Nội dung Bài 7 trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Ảnh 6. Nội dung Bài 7 trong sách giáo khoa Vật lí 10. (Ảnh: Mai Văn Túc)

Chia sẻ về nội dung bài học này, thầy Lê Văn Quyết, giáo viên Vật lí một trường trung học phổ thông ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh - nơi người viết đang thỉnh giảng, cho biết cách diễn đạt của sách giáo khoa lủng củng khiến học sinh rất khó hiểu.

"Sách giáo khoa cũ viết khoa học, dễ hiểu: từ định nghĩa độ dời đi qua định nghĩa vận tốc, gia tốc mới logic.

Trong cách hiểu về độ dịch chuyển thì câu hỏi đặt ra là: độ dịch chuyển là giá trị vô hướng hay có hướng. Nếu là vô hướng thì không cần nói về giá trị và độ lớn, còn nếu có hướng thì giá trị có thể âm.

Vật chuyển động ngược chiều dương thì độ dịch chuyển âm - đúng như nhận xét của giáo viên ở Nghệ An. Nhưng ví dụ trong sách giáo khoa thì lại tính ra giá trị dương, mâu thuẫn, khó hiểu hơn rất nhiều so với cách sử dụng độ dời", thầy Quyết giải thích thêm.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một số giáo viên dạy Vật lí. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên (ghi)