Hiệu trưởng một tuần đứng lớp 2 tiết có khó thực hiện không?

26/02/2023 06:38
Phan Tuyết
GDVN- Để không trở thành tiền lệ xấu, các cơ quan ban ngành cần có những đợt thanh kiểm tra đột xuất việc giảng dạy của Ban giám hiệu các nhà trường.

Gõ trên google dòng chữ “Hiệu trưởng không giảng dạy bị truy thu tiền đứng lớp đã có ngay hàng trăm kết quả liên quan đến chuyện này. Đã có không ít hiệu trưởng bị truy thu tiền phụ cấp ưu đãi không hề nhỏ trong vài năm liền mà báo chí đã thông tin.

Điển hình như bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy An, Huyện ủy Ba Vì (Hà Nội) đã vi phạm quy định và phải truy thu số tiền hơn 59 triệu đồng phụ cấp đứng lớp của 2 năm học 2017-2018, 2018-2019.[1]

Thầy Phạm Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông) phải đứng lớp 32 tiết/tuần vì trường thiếu giáo viên. Ảnh: Minh ThảoThầy Phạm Văn Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông) phải đứng lớp 32 tiết/tuần vì trường thiếu giáo viên. Ảnh: Minh Thảo

Là ông Nguyễn Thái Sơn, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) đã bị thu hồi quyết định thu hồi 53.818.000 đồng tiền đứng lớp.[2]

Những địa phương xử lý kỷ luật hiệu trưởng và truy thu tiền đứng lớp như trên phần lớn là nhận được tin tố giác của giáo viên.

Trong thực tế, chuyện hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không tham gia giảng dạy theo quy định nhưng vẫn nhận đủ tiền đứng lớp hàng tháng e rằng không ít, chỉ là chưa được giáo viên tố cáo.

Người viết vẫn thường xuyên nhận được thông tin từ một số đồng nghiệp cho biết, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mình chưa bao giờ lên lớp giảng dạy mặc dù trong thời khoá biểu vẫn phân công.

Hay như cứ chia sẻ một bài viết về chuyện giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lên mấy trang diễn đàn về giáo dục, sẽ đọc được không ít bình luận nói rằng, Ban giám hiệu trường mình cũng không đứng lớp.

Quy định nào buộc Ban giám hiệu phải thực hiện việc giảng dạy trong tuần?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài việc được phân công về công tác quản lý, hiệu trưởng còn phải trực tiếp giảng dạy trên lớp 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Thông tư Liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó điểm c của mục 1 phạm vi và đối tượng áp dụng có quy định cụ thể như sau:

“Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền”.

Còn Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, tại điều 7, định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng quy định rất rõ ràng:

"Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần”. [3]

Nội dung này cũng được quy định tại Điều 7 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành.[4]

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện việc giảng dạy trên lớp có khó thực hiện không?

Theo một số chia sẻ của hiệu trưởng, hiệu phó trên các phương tiện truyền thông đại chúng là “Khó thực hiện”.

Đa số các vị này đều cho rằng, Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là rất khó thực hiện. Đối với các khối trường tiểu học thì mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp và dạy tất cả các môn nên việc hiệu trưởng xen vào dạy vài tiết/ tuần là rất khó.

Đối với khối trường trung học cơ sở thì nhiều trường “đổ lỗi” cho giáo viên dôi dư nhiều, không “có chỗ” cho hiệu trưởng và hiệu phó đứng lớp trong khi đó ban giám hiệu lại quá bận rộn với những công việc khác như họp hành…[5]

Lý do được đưa ra không thuyết phục khi cho rằng khối trường tiểu học thì mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp và dạy tất cả các môn nên việc hiệu trưởng xen vào dạy vài tiết/ tuần là rất khó” hoặc do Ban giám hiệu quá bận rộn với việc họp hành…

Giáo viên tiểu học hiện nay đã và đang giảng dạy theo tiết. Mỗi ngày, vẫn có giáo viên các tiết chuyên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Anh văn hay các tiết chính khoá dành cho giáo viên không chủ nhiệm vào giảng dạy.

Bởi thế, việc cho rằng “mỗi giáo viên chủ nhiệm một lớp và dạy tất cả các môn nên việc hiệu trưởng xen vào dạy vài tiết/ tuần là rất khó” thật là vô lý.

Trong thực tế, đã có rất nhiều địa phương (như Kon Tum, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Bình Thuận…) thiếu giáo viên nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải xuống lớp dạy như giáo viên bình thường còn hiệu phó kiêm luôn công tác chủ nhiệm.

Không phải vì thế mà công tác quản lý bị bỏ bê, những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đứng lớp như thế vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong khi, quy định hiệu trưởng một tuần dạy 2 tiết (70 phút đối với tiểu học và trung học là 90 phút), hiệu phó 4 tiết (tiểu học là 140 phút, trung học là 180 phút) là khoảng thời gian giảng dạy không nhiều.

Nếu muốn dạy, muốn thực hiện đúng quy định thì hiệu trưởng nào cũng sẽ sắp xếp lịch dạy một cách dễ dàng.

Ngay như trường học nơi người viết công tác, do trường thiếu phó hiệu trưởng, bản thân hiệu trưởng phải kiêm luôn cả phần việc của phó hiệu trưởng nhưng vẫn đảm bảo việc giảng dạy tuần 2 tiết bình thường.

Trường hợp trong tuần lịch họp ở cấp trên trùng với ngày có tiết dạy, hiệu trưởng sẽ nhờ giáo viên dạy đổi tiết (giáo viên dạy dùm và tuần sau hiệu trưởng sẽ dạy bù).

Cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra để chấn chỉnh việc không giảng dạy vẫn nhận tiền đứng lớp

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục lại có quy định bắt buộc Ban giám hiệu các trường phải giảng dạy một số tiết ở các lớp học. Việc quy định này, không nằm ngoài mục đích là để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi ngành giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ban giám hiệu nhà trường càng phải nắm chắc nội dung, chương trình, nắm chắc trình độ tiếp nhận của học sinh trường mình để có những góp ý, những chỉ đạo kịp thời giúp cho việc giảng dạy của giáo viên được sâu sát hơn.

Thế nhưng, không ít Ban giám hiệu hiện nay luôn lấy lý do công việc bận để thoái thác nhiệm vụ lên lớp của mình. Số tiết quy định, có vị nhờ giáo viên giảng dạy dùm, hay là phân bổ luân phiên cho các thầy cô giáo trong trường gánh giúp hoặc có những thầy cô giáo tình nguyện dạy hộ.

Người nể nang, người sợ, người chẳng muốn chuốc phiền toái vào thân nên nhiều thầy cô giáo đã không dám lên tiếng và tình trạng Ban giám hiệu không đứng lớp ở đâu đó vẫn xảy ra.

Tuy không dạy nhưng thời khoá biểu vẫn thể hiện tiết dạy, giáo án, hồ sơ vẫn sẵn sàng (đề phòng sự kiểm tra của cấp trên). Ngoài ra, tiền đứng lớp hàng tháng, hiệu trưởng, hiệu phó vẫn nhận đủ.

Để không trở thành tiền lệ xấu, không gieo sự bức xúc trong đội ngũ nhà giáo, các cơ quan ban ngành có liên quan cần có những đợt thanh kiểm tra đột xuất mà không cần chờ đến việc tố cáo của giáo viên mới làm như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/ky-luat-hieu-truong-2-nam-khong-dung-lop-van-nhan-tien-phu-cap-182681.htm

[2]https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-truong-ngu-loc-bi-truy-thu-hon-53-trieu-dong-tien-dung-lop-gian-doi-post213002.gd

[3]https://luatminhkhue.vn/che-do-phu-cap-dung-lop-cua-hieu-truong.aspx

[4]https://luatvietnam.vn/giao-duc/van-ban-hop-nhat-03-vbhn-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-151178-d5.html

[5]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/rat-nhieu-ban-giam-hieu-truong-khong-dung-lop-theo-quy-dinh-20160413065203286.htm

Phan Tuyết