HS băn khoăn chọn ngành "hot", bản thân thích hay theo lời khuyên của bố mẹ?

18/02/2023 07:38
Trung Dũng
GDVN-Vị diễn giả khuyên học sinh hãy luôn tỉnh táo và chủ động trong lựa chọn thông tin và sử dụng ChatGPT như một công cụ tham khảo.

Ngày 17/2, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Khởi nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0".

Trong không khí háo hức với gần 1.500 học sinh và giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà tham gia hội thảo, “Anh Chánh Văn” - nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã có những câu chuyện và chia sẻ thẳng thắn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều nỗi lo lắng cho nhiều người. Bởi lẽ, cuộc cách mạng 4.0 đã thay đổi rất nhiều thứ, rất nhiều công việc đã được tự động hóa, được điều khiển bởi máy móc, bởi robot, bởi trí tuệ nhân tạo AI... Chính điều đó làm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

"Anh Chánh Văn" - nhà văn Hoàng Anh Tú trò chuyện trong buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng
"Anh Chánh Văn" - nhà văn Hoàng Anh Tú trò chuyện trong buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng

"Anh Chánh Văn" cũng đề cập đến một điển hình chính là sự ra đời ChatGPT và hiện tại nó đang có rất nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ trong thời đại hiện nay.

Diễn giả Hoàng Anh Tú cũng nhấn mạnh, sự ra đời của ChatGPT là một tín hiệu tích cực, khi hỏi công cụ này bất kỳ vấn đề nào, nó có thể tự lọc một lượng lớn thông tin về vấn đề đó và tổng hợp ngắn gọn lại. Vì vậy, nó có tác dụng lớn trong việc rút ngắn quá trình tìm hiểu thông tin trong công việc và học tập.

Từ tính năng tiện ích đó, ChatGPT sớm trở thành công cụ hữu ích giúp học sinh, sinh viên tìm kiếm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học. Tuy nhiên, công cụ này cũng là “con dao 2 lưỡi” khi đã xuất hiện tình trạng sinh viên sử dụng nó không chỉ để phục vụ công tác học tập, nghiên cứu mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Thậm chí có nhiều bạn trẻ đã quá phụ thuộc vào ứng dụng này.

Qua đó, vị diễn giả lưu ý các học sinh của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà hãy luôn tỉnh táo và chủ động trong lựa chọn thông tin và sử dụng ChatGPT như một công cụ tham khảo.

Em Bùi Quang Huy tỏ ra thích thú khi trao đổi về nghề nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 với diễn giả. Ảnh: Trung Dũng

Em Bùi Quang Huy tỏ ra thích thú khi trao đổi về nghề nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 với diễn giả. Ảnh: Trung Dũng

Bên cạnh đó, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng băn khoăn, liệu rằng, một ngành nghề hiện tại đang rất "hot", nhưng bạn có chắc, bây giờ thi vào rồi sau quá trình học tập 4-5 năm, đến lúc tốt nghiệp, ngành nghề ấy có còn "hot" hay không?.

“Vậy, chúng ta phải chuẩn bị gì cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cho những biến động của xã hội. Liệu rằng, những máy móc, công nghệ hiện đại của cách mạng 4.0 có cướp đi cơ hội việc làm của các bạn trẻ trong tương lai hay không?

Phải khẳng định, nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, nhưng máy móc không thể thay thế con người. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tồn tại trong thời đại cách mạng 4.0, làm thế nào để chúng ta không bị máy móc thay thế.

Tôi cho rằng, các bạn học sinh phải thay đổi cách học, thay đổi cách tư duy ngay từ bây giờ.

Tôi rất mong các em có thể bắt đầu nghĩ đến cụm từ “công dân toàn cầu” thay vì chỉ là một học sinh Việt Nam, lớn lên thành một sinh viên Việt Nam hay đi làm, trở thành một nhân viên Việt Nam.

Công dân toàn cầu không có nghĩa là phải ra nước ngoài làm, mà là chúng ta làm chủ internet, làm chủ thế giới, phải biết internet cũng là một thế giới, internet cũng là một môi trường làm việc, chúng ta có thể ngồi ở Việt Nam nhưng vẫn làm được việc ở mọi quốc gia trên thế giới, và tương tự, khi chúng ta ra nước ngoài, cũng có thể kết nối được với gia đình.

IoT (internet of things) sẽ thay đổi rất nhiều cuộc sống của chúng ta, khi thấy rằng thế giới rất phẳng có thể làm việc được ở khắp mọi nơi, ngồi bất kỳ ở đâu cũng có thể biến chỗ đó thành công sở.

Đặc biệt, chúng ta vừa trải qua 2 năm Covid-19, bắt đầu với việc học online, đó chính là cơ hội để chúng ta tiếp cận và làm chủ công nghệ, làm chủ internet. Tôi mong muốn các em ngay bây giờ hãy nghĩ đến điều đó", vị diễn giả chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các học sinh tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà đã cùng giao lưu và đặt ra nhiều câu hỏi thú vị cho vị diễn giả.

Em Bùi Quang Huy, lớp 10A1 hỏi: "Chúng em nên theo đuổi ngành nghề yêu thích của bản thân hay nên nghe theo định hướng của gia đình, những người đã có những trải nghiệm, có suy nghĩ chín chắn hơn về tương lai sau này".

Trước câu hỏi đầy thú vị này, nhà văn Hoàng Anh Tú giải đáp: “Trong một bài báo gần đây của tôi đã đề cập đến việc lựa chọn nghề nghiệp như thế nào, chọn nghề hay chọn con đường?

Có rất nhiều bạn nghĩ rằng chọn nghề, tức là theo tiêu chí nghề này hot, nghề kia kiếm ra nhiều tiền,... Đúng là chúng ta cũng phải đi tìm một công việc có thể nuôi sống được mình.

Nhưng, như tôi vừa chia sẻ, có rất nhiều ngành nghề nay đang "hot" nhưng mai có thể lại không "hot" nữa. Ví dụ như chứng khoán, vừa qua, có rất nhiều “chứng sĩ” tiêu tan mộng vàng. Hay có rất nhiều nghề khác, “hot” ở thời điểm này nhưng sau này liệu có còn nguyên sức "hot"? Đó chính là một vấn đề".

Em Lê Thu Hương - lớp 11A2 hỏi: "Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, làm sao để chúng em tăng được tính kết nối, tương tác khi việc làm online và xử lý trên máy vi tính đang thay thế dần những công việc làm trên giấy tờ trước kia".

Bằng trải nghiệm của mình, vị diễn giả nêu quan điểm rằng: "Có một kỹ năng chúng ta chưa coi trọng, đó là làm việc nhóm. Tại sao chúng ta chỉ nghĩ đến việc một mình cố gắng trong khi hoàn toàn có thể tìm đến trợ giúp của đồng đội, thầy cô, những người xung quanh. Kỹ năng làm việc nhóm cũng là yêu cầu của cách mạng công nghệ số. Khi các bạn có cùng mục tiêu thì hãy kết nối, chia nhau tìm kiếm thông tin, chia sẻ để cùng bồi dưỡng, làm giàu kiến thức cho nhau.

Có nhiều học sinh cùng dự định đi học ở Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại không kết nối với nhau, mạnh ai nấy học. Điều này là rất đáng tiếc khi ta hoàn toàn có thể kết nối với nhau trong môi trường học đường, cùng nhau tìm hiểu trước về ngôn ngữ, phong tục tập quán của đất nước mình có ý định sang học và làm việc”.

Em Minh Hoà, học sinh lớp 12 tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà đã cùng diễn giả. Ảnh: Trung Dũng
Em Minh Hoà, học sinh lớp 12 tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà đã cùng diễn giả. Ảnh: Trung Dũng

Trong không khí giao lưu vui vẻ, em Minh Hoà - lớp 12A3 cũng đã nêu một số quan điểm về nghề nghiệp trong thời đại hiện nay. Tuy mới học lớp 12 tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà và đang theo học nghề may tại đây nhưng Hoà đã có những suy nghĩ rất chín chắn về nghề nghiệp.

Minh Hoà cho biết: "Em vào Trung tâm để học không chỉ là để cho có tấm bằng cấp 3 mà em mong muốn mình có được cái nghề cho bản thân mình sau này. Vì ảnh hưởng quá lớn của Cách mạng công nghiệp 4.0, em nghĩ nếu mình không chủ động, không cố gắng thì rất có thể mình sẽ là người tụt hậu".

Trong thời tiết giá rét, các học sinh vẫn chăm chú lắng nghe những câu chuyện được nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ. Ảnh: Trung Dũng
Trong thời tiết giá rét, các học sinh vẫn chăm chú lắng nghe những câu chuyện được nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ. Ảnh: Trung Dũng

Tại buổi hội thảo, thầy Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hiệp Hoà gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và vị diễn giả đã mang đến trung tâm một buổi hội thảo đầy ý nghĩa.

Thầy Công bày tỏ: “Ý nghĩa thực tiễn mà chương trình mang lại thực sự hơn cả một hội thảo. Hội thảo tạo điều kiện cập nhật xu thế 4.0, để học sinh toàn trường chọn nghề nghiệp vừa “hợp thời”, vừa đúng năng lực bản thân.

Những vấn đề hội thảo đưa ra thu hút quan tâm của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên của trường. Những thắc mắc của một học sinh khi được nói lên có thể sẽ cũng là nỗi trăn trở của nhiều học sinh khác mà các em không dám giao lưu, đặt câu hỏi.

Bên cạnh được tiếp nhận thông tin cập nhật xu hướng chọn nghề trong thời đại số, hội thảo tạo cơ hội để các em trau dồi, rèn luyện khả năng tự tin trình bày quan điểm khi đứng trước đám đông.

Trung tâm luôn quan tâm đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, việc có diễn giả, khách mời là những chuyên gia về trường để tổ chức hội thảo chuyên nghiệp sẽ làm tăng hiệu quả tuyên truyền, phổ biến cho học sinh hơn. Do đó, nhà trường mong sẽ có nhiều hoạt động hướng nghiệp trong thời gian tới”.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả là nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trung Dũng