Quy hoạch GDNN cần thận trọng, nếu không quản lý tốt rất dễ xảy ra lợi ích nhóm

25/02/2023 06:36
Khánh An
GDVN-Theo chuyên gia, quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà không có chiến lược hậu sáp nhập sẽ gây ra nhiều bất cập.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 20% số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Quyết định số 73/QĐ-TTg của Chính phủ sẽ mang lại thuận lợi cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước nhà về mặt kinh tế, quản lý bởi nhiều cơ sở đào tạo gần đây đang giữ nguồn tài sản đất đai lớn của Nhà nước nhưng việc đầu tư về con người, tài chính bị dàn trải, manh mún.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Vũ Loan

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Vũ Loan

"Việc rà soát, sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập là một hướng đi đúng đắn, góp phần gia tăng sức mạnh của hệ thống. Tuy nhiên, việc sáp nhập rất cần tránh duy ý chí, áp đặt chủ quan của địa phương để sáp nhập một cách cơ học.

Những trường trung cấp công lập phát triển đang ổn định, tuyển sinh tốt, chất lượng được xã hội thừa nhận, có khả năng tự chủ cao cần giữ nguyên hoặc nâng cấp thành trường cao đẳng", ông Vinh nói.

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc quy hoạch này vẫn thiếu tính chất của một quy hoạch cụ thể.

Đã có địa phương sáp nhập đến 6 trường trung cấp và cao đẳng thành một trường cao đẳng với một hướng đi mang tính quy hoạch chiến lược phát triển “hậu” sáp nhập chưa rõ, tạo ra một tổ chức lớn với những xung đột về quản lý chương trình đào tạo, văn hóa tổ chức và lợi ích của các trường được sáp nhập vào. Nếu thiếu đi sự chỉ đạo đồng bộ và quyết tâm của cơ quan chủ quản cũng như năng lực, phẩm chất của hiệu trưởng được bổ nhiệm sau sáp nhập thì kể cả vấn đề nhân sự - ai ngồi ghế nào trong trường sau sáp nhập cũng là việc chưa dễ giải quyết.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng, nói đến quy hoạch thì cần phải có tư duy một cách hệ thống vì khó tách mảng giáo dục nghề nghiệp ra khỏi quy hoạch phát triển giáo dục đại học. Bởi trường nghề chịu ảnh hưởng rất lớn vì “thị phần” tuyển sinh mà các trường đại học đang chiếm lợi thế.

Do vậy, các mục tiêu mà quy hoạch đề ra muốn đạt được cần phân tích hết các yếu tố rủi ro và phải có sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc điều tiết cơ cấu quy mô tuyển sinh vào đại học. Và nếu không tính kỹ và dự báo tốt yếu tố đầu vào là số lượng học sinh phổ thông, các dòng chảy của học sinh theo các hướng khác nhau, thì tính khả thi của quy hoạch sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Những định hướng đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập cần được tính đến về nguồn lực con người, tài chính, đất đai dựa theo quy hoạch phát triển trung và dài hạn. Nếu không có quy hoạch chiến lược này, sẽ khó có chương trình cụ thể để thực hiện các giải pháp.

"Điều cần nhấn mạnh ở đây là nguồn lực đất đai mà các trường trung cấp đang sử dụng khá lớn và nằm ở vị trí đắc địa. Do vậy, các địa phương hay Bộ, ngành cần phải cẩn trọng trong việc tính toán sử dụng hợp lý phần đất dôi dư do giải thể, sáp nhập; có thể cần được thu hồi và đấu giá lấy tiền đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, nhà cửa cho trường cao đẳng sau sáp nhập theo cách tiếp cận đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Nếu quản lý không chặt chẽ chỗ này rất dễ xảy ra lợi ích nhóm là bán rẻ, lấn chiếm đất công, trong khi còn cần nhiều chi phí để đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp.

Việc quy hoạch cũng rất cần thể hiện nội dung đào tạo lại, đào tạo mới kỹ năng cho người lao động tại các doanh nghiệp, đây có thể xem là giải pháp mang tính căn cơ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta mãi cứ bấu víu đến đào tạo nghề mang tính “mậu dịch quốc doanh”, trông chờ quá nhiều vào đầu tư của Nhà nước mà coi nhẹ đào tạo tại doanh nghiệp thì một hệ thống như thế chỉ nhảy lò cò một chân", ông Vinh thẳng thắn chia sẻ.

Cũng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị (trưởng nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong dự án kỹ năng cho các ngành công nghiệp) chia sẻ, hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của Việt Nam đang theo mô hình cung cấp miễn phí nguồn nhân lực có kỹ năng cho các ngành công nghiệp. Đây là mô hình hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nguồn gốc từ Pháp, lấy các cơ sở đào tạo nghề làm nền tảng (school based) với đặc điểm nổi bật là cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng, do Nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu (của Booth et al. 1996; Finegold 1996) chỉ ra, mô hình do Nhà nước điều khiển và cung cấp miễn phí nguồn nhân lực có kỹ năng, thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, sự không đồng bộ và nhất quán trong chính sách cũng là một yếu tố cản trở việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay.

Thực tế đã cho thấy trong vòng 10 năm trở lại đây, hàng loạt các mô hình được nhập khẩu mang về thí điểm tại Việt Nam. Ví dụ như kiểm tra và cấp chứng chỉ kỹ năng từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù Việt Nam có thể học hỏi hay sao chép các mô hình này nhưng hiện tại vẫn chưa rõ là chúng sẽ được kết hợp hay tích hợp như thế nào trong một chiến lược tổng thể.

Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Vị, ngoài việc tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, cần phải có một vài giải pháp sau để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của nước ta:

Thứ nhất, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần phân cấp mạnh hơn nữa theo mô hình cao đẳng cộng đồng. Bởi, đặc tính chính của mô hình này là có sự tham gia sâu và chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng.

Ngoài ra, mô hình này cũng linh hoạt và đáp ứng việc học tập suốt đời của người dân, rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam khi mỗi tỉnh, thành đều có những đặc điểm hay nét văn hóa và kinh tế khác nhau. Do vậy, chính quyền sở tại mới hiểu rõ nhất để phát triển kinh tế thì mình cần phải làm gì với nguồn nhân lực sẵn có của địa phương.

Thứ hai, ở tầm vi mô, hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề, để cải thiện chất lượng đầu ra, đều lấy các ý kiến của doanh nghiệp làm cơ sở để chỉnh sửa bổ sung các mô đun, tín chỉ hay môn học trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Trần Trí Quang và các cộng sự năm 2020, kết quả nghiên cứu chỉ ra chất lượng đóng góp ý kiến của doanh nghiệp thường là rời rạc, ít chuyên sâu. Nói cách khác là nhận thức của doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề này, hai bên cần xây dựng được một hệ thống thông tin thông suốt, cập nhật và minh bạch tới toàn bộ các tầng lớp trong xã hội, doanh nghiệp và người học.

Khánh An