Vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) nhằm lắng nghe, nắm bắt tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một đơn vị giáo dục ngoài công lập.
Tại buổi làm việc, trao đổi về quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu cho biết, trường cử 2 giáo viên tập huấn của chương trình ETEP, sau đó nhà trường triển khai tập huấn cho giáo viên vào thời gian hè. Hiện nay trường xây dựng 9 mô đun của chương trình ETEP và toàn bộ giáo viên đã học đầy đủ các mô đun 1,2,3,4,6.
Cũng theo vị Phó hiệu trưởng thông tin: “Hiện nay việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên chưa có giáo viên nào đảm nhận cả 3 phân môn mà đối với bài chủ đề chung thì tổ bộ môn họp cùng soạn giáo án và bất kì giáo viên nào dạy nhưng đến chủ đề riêng thì giáo viên của từng phân môn dạy.
Vào giai đoạn lớp 6, 7 cùng dạy các chủ đề môn Sinh học nên cũng gặp khó khăn về sắp xếp thời khoá biểu vì số lượng tiết của các giáo viên Sinh học tăng, khi đó nhà trường có điều chỉnh kế hoạch dạy học của giáo viên ở lớp 8,9 lệch môn đi để tạo điều kiện cho thầy cô”.
Đối với Tài liệu giáo dục địa phương, trường Nguyễn Siêu đang phân công cho giáo viên Lịch sử, Địa lý phụ trách.
Tại buổi làm việc, cô giáo Tô Lan Hương - giáo viên Ngữ Văn, Trường Nguyễn Siêu cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự lột xác, lột xác tư duy của từng môn học - theo cách nói của Nguyễn Tuân là “xưa nay chưa từng có”.
Nó làm thay đổi hẳn lối học vẹt, tư duy học cái gì thi cái ấy, cô dạy “Truyện Kiều” thì thi “Truyện Kiều”, cô dạy “Người lái đò sông Đà” thì thi “Người lái đò sông Đà”, khi ra các trung tâm ôn thi cũng “cày” như thế, cứ như vậy dò một bài này thì có bao nhiêu đề có thể ra. Nó thành lối mòn với học trò.
Ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ Văn có thay đổi rất lớn, không thi như thế nữa tức là dạy học trò cách chứ không dạy cái. Với 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây.
Trước đây chỉ chăm chăm vào những bài đọc hiểu, sau đó đi thi, kiểm tra, phân tích mấy dạng đề có sẵn đó từ lớp 6 đến lớp 12. Còn bây giờ học sinh được học và phát triển 4 kỹ năng nghe - nói - đọc- viết. Đó là điều rất mới và đó là điều chúng tôi rất phấn khởi”.
Cô giáo Tô Lan Hương - giáo viên Ngữ Văn, Trường Nguyễn Siêu chia sẻ tại buổi làm việc (ảnh: Thế Đại) |
Vì nó mới nên cũng sẽ khó, cô giáo Tô Lan Hương cho hay: "Khi tiếp cận chương trình, đầu tiên thầy cô có hoang mang, bản thân phụ huynh cũng thấy hoang mang - điều này thể hiện rất rõ khi đánh giá kiểm tra đối với lớp 10 năm nay.
Trước đây, ví dụ học sinh được 5 tác phẩm, giáo viên ôn tập theo 5 tác phẩm ấy, khi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, thi cũng 5 tác phẩm đó - rõ ràng kết quả trả ra sẽ khác. Còn bây giờ giáo viên sẽ dạy cho học sinh cách đọc, cách nghe, cách nói, cách viết và khi đánh giá, ngữ liệu không lấy trong sách giáo khoa.
Như vậy, ngữ liệu giáo viên dạy chỉ như một tham khảo, làm sáng tỏ cho kỹ năng dạy đọc thể loại, còn học sinh sẽ phải “chiến đấu” với một tác phẩm mới tinh. Bởi vậy học sinh thấy khó và hoang mang ở lớp 10, nhưng sang lớp 11 sẽ tôi tin rằng không còn sự hoang mang đó nữa. Và dần dần các bạn học sinh sẽ ổn hơn. Nhưng đó là sự thay đổi rất lớn, đương nhiên điểm số của học sinh sẽ không ở mức an toàn nhiều như năm ngoái (học sinh học chương trình 2006)".
Cô giáo Tô Lan Hương cho rằng: “Cái khó của giáo viên khi triển khai chương trình 2018 là tổ chức phương pháp. Nếu môn Khoa học tự nhiên còn có nhiều thực hành thì việc tổ chức hoạt động dạy học ở môn Ngữ Văn - là môn truyền thống của chúng tôi rất khó, vậy phải làm thế nào cho mới, cho học sinh cuốn hút? Thời gian soạn giáo án cũ với giáo án mới có khác nhau không?...
Là một giáo viên đứng lớp hơn 20 năm thì với giáo án cũ không thành vấn đề nữa, khi thực hiện chương trình mới, tôi chủ trương trong tổ bộ môn là các thầy cô sẽ cùng soạn chung giáo án để làm tài nguyên cho tổ, trên nền đó khi vào dạy sẽ “vỡ ra” để phù hợp với từng đối tượng học sinh mà giáo viên đang dạy ở từng lớp".
Chia sẻ về khó khăn trong soạn giáo án, cô Hương cho biết: "Bản thân tôi khi dạy một tiết đã soạn chung rồi và soạn “vỡ ra” mất thêm đôi tiếng, nhưng khi bắt đầu vào dạy tôi lại thấy hình như không ổn, tôi thấy phiếu (bài tập) này không được và lại ngồi loay hoay với một cái phiếu. Tôi mất hơn 45 phút, bằng hơn một tiết để cho ra một cái phiếu bài tập với một hoạt động mà tôi nghĩ là cái này mới đúng là đặc trưng thể loại. Như vậy thực hiện chương trình mới khó khăn, thời gian đầu tư phải nhiều hơn”.
Để vượt qua được khó khăn khi soạn giáo án, theo cô Hương tổ Ngữ văn phải huy động trí tuệ tập thể, mỗi người một ý kiến và việc sinh hoạt chuyên môn sẽ hỗ trợ được cho giáo viên trong việc tháo gỡ khó khăn khi tổ chức các hoạt động dạy học với học sinh.
Trong khi đó, thầy Tuấn, giáo viên Vật lý - Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên Trường Nguyễn Siêu nhận định: Đúng là giáo án chương trình mới ít chữ, ít trang hơn nhưng giáo viên rất vất vả để viết được ít chữ, ít trang đó.
Chương trình mới có một đặc trưng là cần rất nhiều thực hành, thực hành thực sự. Khi chuẩn bị một bài thực hành rất vất vả, bởi khi lên lớp học sinh có thể không hỏi vào phần chuẩn bị mà sẽ hỏi vào những câu khác và giáo viên vẫn phải trả lời. Như vậy, việc chuẩn bị của giáo viên phải nhiều hơn, không chỉ dừng ở những gì viết ra ở phiếu bài tập.
Thầy Tuấn, giáo viên Vật lý - Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên Trường Nguyễn Siêu (ảnh: Thế Đại) |
Thầy Tuấn chia sẻ, chương trình mới giao quyền chủ động cho giáo viên nhiều hơn. Tổ Vật lý và tổ Khoa học Tự nhiên xây dựng giáo án không phải bám theo sách nữa, mà các thành viên tổ phải họp lại thảo luận về từng nội dung. Tổ cũng giao cho từng giáo viên soạn khung kế hoạch dạy học, sau đó họp để từng giáo viên nêu quan điểm của mình và cuối cùng chọn phương án hợp lý nhất với tất cả giáo viên. Có thể khẳng định chương trình mới là giao hoàn toàn quyền tự chủ cho giáo viên.
Tuy nhiên, thầy Tuấn cho rằng, để triển khai tốt chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có định hướng về kỳ thi đánh giá ở các cấp để giáo viên khi dạy sẽ dễ dàng hơn.