Thi tốt nghiệp theo CT mới nên tiến tới thi trên máy nhưng cần chuẩn bị kỹ lưỡng

27/02/2023 06:39
Anh Trang
GDVN-Khi chương trình giáo dục thay đổi, cách thức thi, đặc biệt là cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đổi mới là điều tất yếu.

Về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến năm 2024 sẽ có thông báo điều chỉnh, dự kiến kỳ thi sẽ có 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ. Ngoài ra, trong các môn học lựa chọn sẽ có cân nhắc một số môn thi phù hợp để đảm bảo các cơ sở giáo dục đại học có căn cứ để tuyển sinh.

Bàn về dự kiến trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Ngoài ra, chương trình chú trọng nhiều hơn tới việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Thùy Linh

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Thùy Linh

Giáo dục giờ đây không chỉ là truyền thụ kiến thức sách vở mà còn là nền tảng nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học.

Khi chương trình giáo dục thay đổi thì cách thức thi, đặc biệt là cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 phải đổi mới là điều tất yếu.

“Xác định mục tiêu kỳ thi phải đảm bảo đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh nói chung; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đối với từng nhà trường; tăng độ tin cậy vào quá trình học tập”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.

Để đánh giá được toàn diện năng lực, phẩm chất của một học sinh thì điểm số là chưa đủ mà còn phải đánh giá qua những hoạt động bên ngoài nhà trường, sự tham gia, cống hiến của học sinh đối với xã hội như: tham gia các hoạt động công ích, hướng nghiệp, hoạt động bảo vệ môi trường...

"Chương trình mới gắn với thực tế nhiều nên phải đánh giá được yếu tố này. Vì vậy, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm, nghiên cứu để chuẩn hóa, xây dựng thành quy chế", Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nói.

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Ngoài ra, định hướng nghề nghiệp cũng là một mục tiêu quan trọng của chương trình mới nên kỳ thi cần có các môn thi phù hợp với sự lựa chọn của thí sinh. Từ đó, tạo điều kiện để gắn kết với quá trình tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sau này. Đó là cơ sở để phân luồng cũng như đáp ứng nguyện vọng của học sinh.

Trong quá trình xây dựng phương án, ngoài tham khảo lấy ý kiến từ phía các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kết hợp khảo sát ý kiến của các trường đại học để có sự thống nhất về phương án xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Hiện nay, vai trò của công nghệ thông tin trong giáo dục ngày càng được khẳng định. Hơn nữa, thời điểm này, học sinh đã vận dụng khá tốt năng lực công nghệ của mình vào trong học tập, tiếp thu kiến thức.

Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cần được tổ chức khoa học, linh hoạt và có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào một số khâu nhất định, đặc biệt trong việc quản lý lượng dữ liệu lớn không chỉ của kỳ thi mà cả quá trình học tập của học sinh.

Khi công nghệ thông tin phát triển, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính toán đến việc tổ chức kỳ thi trên máy tính. Tuy nhiên, việc này cần thời gian chuẩn bị vì còn liên quan đến hệ thống bảo mật, kỹ thuật, đường truyền mạng, điều kiện mỗi địa phương chưa đồng bộ.

Đồng tình với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, cô Vy Thị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, trên tinh thần “học gì thi nấy”, câu hỏi đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cần thể hiện được tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Còn về định hướng nghề nghiệp, đề thi phải tăng câu hỏi mang tính chất vận dụng, thực hành tuỳ thuộc vào đặc trưng từng môn thi.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, chương trình mới hướng tới thay đổi phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá nên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đáp ứng được những yêu cầu, mục tiêu đó.

Để nâng cao chất lượng dạy và học chương trình mới, giáo viên thường xuyên được tập huấn, chủ động học hỏi đổi mới phương pháp dạy, tạo hứng thú cho học trò. Nhờ đó, thái độ học tập của học sinh đã có những thay đổi tích cực hơn so với trước kia.

Ngoài ra, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, với sự đa dạng của nhiều phương thức xét tuyển hiện nay như sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, xét điểm học bạ,...Trong lúc chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành những hướng dẫn chính thức, cụ thể về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, thí sinh nên có sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng đối với các phương thức khác để tăng thêm cơ hội vào trường, ngành học mà bản thân mong muốn.

Anh Trang