GV công tác ở miền núi Quảng Trị phải sinh hoạt tạm bợ vì thiếu phòng ở công vụ

27/02/2023 06:44
Trần Phương
GDVN- Hơn 1 năm triển khai đề án xây dựng phòng ở công vụ cho GV, Quảng Trị mới xây mới, đưa vào sử dụng 40 phòng (đạt 10%), chậm tiến độ so với kế hoạch.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 3.000 cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang công tác tại các vùng miền núi khó khăn, trong đó gần một nửa có nhu cầu về phòng ở công vụ.

Vào đầu mỗi năm học, các địa phương miền núi ở Quảng Trị lại đối diện với nỗi lo thiếu giáo viên. Do lương thấp, điều kiện ăn, ở và dạy học của thầy cô giáo cắm bản thiếu thốn, khó khăn, nhiều người không thể trụ được với nghề nên xin nghỉ việc.

Một trong những khó khăn của các giáo viên miền núi ở Quảng Trị chính là việc thiếu nhà, phòng ở công vụ.

Phòng ở công vụ cho giáo viên ở cụm điểm trường các thôn Trầm, Cóc, xã Pa Nang (Quảng Trị) xuống cấp do đã xây quá lâu. Ảnh: LC

Phòng ở công vụ cho giáo viên ở cụm điểm trường các thôn Trầm, Cóc, xã Pa Nang (Quảng Trị) xuống cấp do đã xây quá lâu. Ảnh: LC

Tại Kỳ họp thứ 6, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có Nghị quyết số 168/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 thông qua "Đề án đầu tư xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025".

Theo đề án, đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông công lập ở các vùng khó khăn trên địa bàn có đủ phòng ở công vụ cho giáo viên.

Phòng ở bao gồm phòng ngủ, vệ sinh tự hoại và phòng tắm, bếp, 2 giường, 1 bàn, 2 ghế, với tổng số phòng dự kiến xây dựng là 399 phòng.

Tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng đề án ước tính 59 tỷ 850 triệu đồng, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách và huy động từ nguồn xã hội hóa.

Đề án kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu bức bách về phòng ở công vụ cho giáo viên. Thầy cô giáo có chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ soạn giáo án để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 1 năm triển khai đề án, tỉnh này mới triển khai xây mới, đưa vào sử dụng 40 phòng (đạt 10%), chậm tiến độ so với kế hoạch.

Nói về việc thiếu phòng ở công vụ cho giáo viên tại trường mình, thầy Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Nang (Đakrông – Quảng Trị) cho biết: “Nhu cầu của các giáo viên nhà trường đang cần khoảng từ 7 – 10 phòng ở công vụ.

Trước đây, cũng có đoàn về trường để khảo sát xây phòng ở công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, từ đó đến nay không thấy đoàn quay trở lại”.

Nói về hoàn cảnh của các thầy cô giáo khi thiếu phòng ở công vụ thầy Hoàng Linh cho biết thêm: “Tại điểm trường trung tâm, hiện các thầy cô giáo vẫn tận dụng các phòng học tạm thời chưa sử dụng làm nơi sinh hoạt, chỗ nghỉ. Trường cũng dựng tạm một khu bếp để giáo viên dùng chung. Do xung quanh trường, các nhà dân không có chỗ ở trọ nên các thầy cô vẫn duy trì chỗ sinh hoạt trong trường như vậy.

Tại cụm điểm trường ở các thôn Trầm, Cóc, trường có 5 phòng công vụ cho 10 thầy cô giáo sử dụng. Tuy nhiên, do thời gian lâu, nên các phòng này cũng đã xuống cấp, vào mùa hè thì nóng, mùa đông thì gió rét. Thầy cô cũng tự sửa chữa, khắc phục những chỗ xuống cấp để tạm sử dụng".

"Nếu có phòng ở công vụ được xây dựng kiên cố sớm thì các thầy cô giáo sẽ đỡ vất vả nhiều”, thầy Linh cho biết.

Trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô ở vùng cao Quảng Trị vẫn tìm cách khắc phục. Ảnh: LC

Trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô ở vùng cao Quảng Trị vẫn tìm cách khắc phục. Ảnh: LC

Nói về việc khắc phục thiếu phòng ở công vụ cho giáo viên vùng khó khăn, ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: “Một số giáo viên không có phòng ở công vụ thì tranh thủ mượn, thuê nhà dân ở bên ngoài để sinh hoạt.

Một số địa bàn do không thể có nhà dân hoặc các địa điểm khác để thuê, mượn thì tận dụng phòng học để ở tạm. Ngoài ra, còn cách khắc phục nữa là tăng thêm số lượng người vào ở chung một phòng công vụ hiện có. Một số giáo viên, mặc dù ở xa trường học cũng phải đi về trong ngày để khắc phục tình trạng chưa có phòng ở công vụ”.

Lý giải về việc mới chỉ triển khai được 10% số lượng phòng ở công vụ theo "Đề án đầu tư xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025", bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết: “Thực tế hiện nay, ngân sách địa phương đang ưu tiên bố trí để xoá phòng học tạm, xây dựng phòng học, phòng bộ môn còn thiếu để đáp ứng đủ điều kiện dạy học.

Về xây dựng phòng công vụ cho giáo viên, chủ yếu vẫn đang kêu gọi nguồn xã hội hóa và lồng ghép chương trình mục tiêu, kinh phí đầu tư của tỉnh vẫn chưa bố trí được để xây dựng phòng công vụ cho giáo viên”.

Trần Phương