Với kỹ thuật này, người bệnh nhân và gia đình sẽ không còn phải đối mặt với những cuộc đại phẫu cắt cụt hay kéo dài chân đau đớn, tốn kém.
Theo Giáo sư, Bác sĩ Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao Vinmec, động lực lớn thôi thúc đội ngũ y bác sĩ quyết tâm thực hiện bằng được ca phẫu thuật mang tính “cách mạng” này là bởi độ tuổi của bệnh nhân quá nhỏ.
“Chúng tôi đã thực hiện hàng trăm ca thay khớp cho bệnh nhân ung thư xương nhưng đây là một trường hợp đặc biệt bởi độ tuổi của cháu quá nhỏ. Chúng tôi nghiên cứu phương án điều trị tích cực nhất để cháu được đảm bảo về cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống sau điều trị. Bằng việc phẫu thuật bảo tồn chi sử dụng khớp tăng trưởng, cháu hoàn toàn có thể sinh hoạt bình thường với những vận động vừa sức như đạp xe, bơi sau khi hồi phục”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Dũng cho biết.
Bệnh nhi Trúc L. được chẩn đoán mắc ung thư tại vị trí đầu dưới xương đùi chân trái tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Qua quá trình theo dõi sát sao và hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị, đội ngũ bác sĩ của Khoa Phẫu thuật U xương và Phần mềm (Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao miền Bắc – Vinmec Times City) đã quyết định thực hiện phẫu thuật bảo tồn chi cho bệnh nhi. Để đảm bảo phẫu thuật triệt căn khối u, các bác sĩ phải cắt rộng khối u, kế hoạch dự kiến thực hiện cắt rộng rãi đoạn xương đùi có chứa u dài 16 cm, sau đó thay thế bằng xương nhân tạo.
Bệnh nhân ung thư xương đầu tiên tại Việt Nam được phẫu thuật bảo tồn chi thay khớp tăng trưởng |
Ngoài triển khai các kỹ thuật phức tạp trong phẫu thuật bảo tồn chi, các bác sĩ cũng đối diện với thách thức đến từ sự chênh lệch chiều dài chi sau phẫu thuật bởi bệnh nhi đang ở trong độ tuổi phát triển xương mạnh mẽ. Với phương pháp thay khớp thông thường, phần xương nhân tạo sẽ không tự dài ra giống như sự phát triển của xương người, dẫn đến chênh lệch độ dài của chân sau khi bệnh nhân trưởng thành có thể lên đến 5-7cm, ảnh hưởng đến chức năng chi thể cũng như tính thẩm mỹ. Nhằm giải quyết thách thức này, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ quyết định sử dụng hệ thống khớp tăng trưởng trong phẫu thuật bảo tồn chi điều trị ung thư xương.
Khớp tăng trưởng in 3D được thiết kế riêng cho bệnh nhi |
Đây là một loại khớp được thiết kế đặc biệt với khả năng điều chỉnh độ dài. Trước đây, khi muốn kéo dài chân sau phẫu thuật thay khớp, bệnh nhân sẽ lại phải trải qua những cuộc đại phẫu ghép xương. Bằng việc sử dụng khớp tăng trưởng, khi bệnh nhi cao lên sau 1 đến 2 năm và có sự chênh lệch giữa chân phẫu thuật với chân còn lại, các bác sĩ sẽ tiến hành tiểu phẫu kéo dài khớp tăng trưởng giống như sự phát triển tự nhiên của xương, bằng cách mở phần vít đã được chia theo từng nấc, từ đó cân bằng chiều dài hai chân. Bệnh nhi không phải trải qua phẫu thuật đau đớn và tốn kém.
Trúc L. là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước tới nay được phẫu thuật thay khớp tại Vinmec, vì vậy các loại khớp trên thị trường cũng không tương thích với xương của bệnh nhân. Để giải quyết bài toán này, các bác sĩ đã thiết kế khớp tăng trưởng riêng phù hợp với số đo của bệnh nhân và đặt in 3D để phục vụ ca phẫu thuật.
Bệnh nhi tập đi lại sau ca phẫu thuật |
Chiều ngày thứ hai sau phẫu thuật, bệnh nhi đã có thể tập đi bằng khung tập đi, chiều ngày thứ 3 bệnh nhi đã có thể sử dụng nạng để tự di chuyển.
Ngày thứ ba sau khi phẫu thuật, Trúc L đã có thể đi lại bằng nạng |
Phẫu thuật bảo tồn chi sử dụng khớp tăng trưởng là một bước tiến trong điều trị ung thư xương tại Việt Nam trong bối cảnh bệnh thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi kỹ thuật này được áp dụng thành công, bệnh nhân và gia đình sẽ không còn phải đối mặt với những cuộc đại phẫu cắt cụt hay kéo dài chân đau đớn, tốn kém.
Tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định sau cuộc đại phẫu |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Quang Sáng - Trưởng khoa Phẫu thuật U xương và phần mềm (Bệnh viện Vinmec Times City) cho biết thêm, chuyển từ các phẫu thuật cắt cụt sang các phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương đã trở thành xu hướng của thế giới khi những bằng chứng cho thấy không có sự khác biệt nhiều về tỷ lệ tái phát, di căn giữa hai phương pháp phẫu thuật.
“Đặc biệt những nghiên cứu công bố gần đây cho thấy, tỉ lệ sống thêm của nhóm phẫu thuật bảo tồn cao hơn hẳn so với nhóm cắt cụt. Trong khi đó, việc phẫu thuật bảo tồn đem lại những lợi điểm rõ rệt về chức năng, thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân và gia đình”, bác sĩ Sáng nói.
Được biết, tại Việt Nam, Vinmec hiện đã có thể thực hiện thành công phẫu thuật bảo tồn chi đến 80-90% các trường hợp ung thư xương, nhờ sử dụng các phương pháp, công nghệ hiện đại tiếp cận các nước tiên tiến trên thế giới như phương pháp thay khớp tăng trưởng của bệnh nhi Trúc L.