Giáo viên phổ thông hiện nay thực hiện định mức tiết dạy và giảm định mức theo Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 15/2017 và Thông tư số 28/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.
Theo đó, quy định rất rõ ràng, cụ thể định mức tiết dạy, giảm định mức tiết dạy của giáo viên.
Ảnh minh họa - Thuvienphapluat.vn |
Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên tiểu học ở tỉnh Gia Lai có địa chỉ mail tha....@gmail.com về Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam về việc được phân công kiêm nhiệm phụ trách phòng bộ môn nhưng không được giảm định mức tiết dạy.
Xin được đăng tải nội dung bức thư của bạn đọc trên như sau:
“Kính chào Toà soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam!
Tôi là một giáo viên hiện đang công tác tại 1 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Những năm trước đây trên địa bàn các trường học cơ sở vật chất thiếu thốn. Các phòng học bộ môn không có. Nhưng hiện nay, được sự đầu tư của Nhà nước, nên các phòng bộ môn như: Tiếng Anh, Tin học, Vật lý, Hóa học,... gần như được trang bị đầy đủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành những văn bản về chế độ kiêm nhiệm phòng học bộ môn. Cụ thể:
Theo Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 về chế độ kiêm nhiệm của giáo viên phổ thông được quy định cụ thể như sau:
Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần; Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần;
Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần.
Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định,...
Nhưng theo tôi được biết từ các đồng nghiệp thì nhiều trường không hề có chế độ cho giáo viên kiêm nhiệm quản lý các phòng bộ môn này.
Bản thân tôi kiêm nhiệm phòng bộ môn cũng không được giảm định mức tiết dạy, vẫn phải thực dạy 23 tiết/tuần, một số giáo viên kiêm nhiệm một số công việc khác cũng không được giảm định mức tiết dạy!”
Do trong thư bạn không nêu rõ bạn công tác tại đơn vị nào, thuộc huyện nào của tỉnh Gia Lai và bạn cũng không nêu rõ bạn và giáo viên giảng dạy bao nhiêu tiết, kiêm nhiệm những công việc cụ thể gì không được giảm tiết,…
Nên, dựa trên những thông tin bạn nêu, bằng kiến thức, hiểu biết cá nhân xin được có thêm những chia sẻ, tư vấn bạn như sau:
Bạn là giáo viên tiểu học, đang công tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, định mức giảng dạy 23 tiết/tuần.
Về việc giảm định mức tiết dạy cho giáo viên tiểu học đúng như bạn nêu trong thư, ngoài ra còn được giảm một số định mức tiết dạy theo Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT và các văn bản quy phạm pháp luật khác như sau:
Tổ trưởng bộ môn: giảm 3 tiết/tuần; tổ phó chuyên môn: giảm 1 tiết/tuần;
Giáo viên làm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở không chuyên trách: giảm 04 giờ dạy/tuần/giáo viên tiểu học; giảm 03 giờ dạy/tuần/giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Giáo viên làm ủy viên ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng, tổ phó công đoàn không chuyên trách: giảm 02 giờ dạy/tuần/giáo viên tiểu học; giảm 01 giờ dạy/tuần/giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Giáo viên kiêm chủ tịch, thư ký hội đồng trường: giảm 2 tiết/tuần. - Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân: giảm 2 tiết/tuần;
Giáo viên được tuyển dụng bằng hợp đồng làm việc lần đầu: giảm 2 tiết/tuần. - Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống: giảm 3 tiết/tuần/giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông; giảm 4 tiết/tuần/giáo viên tiểu học.
Như vậy, nếu bạn được phân công phụ trách kiêm nhiệm phòng bộ môn thì bạn sẽ được giảm định mức tiết dạy 3 tiết/tuần hoặc kiêm nhiệm các công việc khác sẽ được giảm định mức tiết dạy theo Văn bản hợp nhất 03 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu bạn dạy và kiêm nhiệm vượt định mức tiết dạy quy định bạn sẽ được tính tăng giờ theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, việc tính tăng giờ theo nguyên tắc nếu giáo viên thực hiện vượt định mức giờ dạy/năm thì được tính tiền tăng giờ cho số giờ (số tiết) vượt định mức đó.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 9 Văn bản hợp nhất 03/VBHN/BGDĐT Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành quy định: “Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất".
Nếu bạn đáp ứng các điều kiện trên thì bạn sẽ được giảm định mức tiết dạy hoặc được hưởng tăng giờ theo quy định.
Theo người viết, nếu nhà trường không giảm định mức tiết dạy cho bạn và một số giáo viên khi kiêm nhiệm là chưa đúng.
Bạn là giáo viên tiểu học, thuộc quyền quản lý chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện nên trước mắt bạn và giáo viên nào kiêm nhiệm mà không được giảm định mức tiết dạy có thể làm văn bản trình bày, kiến nghị với Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ để được xem xét giải quyết theo quy định.
Thông qua bài viết, cũng xin được chuyển ý kiến bạn đọc đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, mong lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai kiểm tra, rà soát xem trên địa bàn tỉnh có việc giáo viên kiêm nhiệm lại không được giảm định mức tiết dạy như trong nội dung phản ánh của giáo viên hay không?
Nội dung tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có cách giải quyết khác nhau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.