Ngày 10/3/2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự giữa cô Nguyễn Ngọc Lan và Trường mầm non Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên tòa được tiến hành do có sự kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của cô Nguyễn Ngọc Lan, nguyên giáo viên của Trường mầm non Phước Vĩnh An.
Căn cứ vào bản án sơ thẩm, cô Nguyễn Ngọc Lan làm việc tại Trường mầm non Phước Vĩnh An từ năm 2003 cho đến năm 2022.
Mặc dù cô Lan từ chối ký hợp đồng với nhà trường, nhưng các quyền lợi của cô Lan tại trường vẫn được giải quyết như đối với các viên chức đang công tác tại trường ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Cô Lan không có ý kiến gì, nên hội đồng xét xử sơ thẩm xác định cô Lan đang làm việc tại nhà trường với hợp đồng không xác định thời hạn, và áp dụng các quy định của Luật viên chức năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2019 để xem xét, giải quyết.
Ngày 22/5/2020, Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh An ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động làm việc đối với cô Lan, với lý do 2 năm học liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ (năm học 2017-2018 và 2018-2019) theo quy định tại Điều 29 của Luật viên chức năm 2010, sửa đổi và bổ sung năm 2019.
Căn cứ vào khoản 1,2,3 của Luật viên chức, Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh An đánh giá, phân loại viên chức là đúng thẩm quyền.
Trường mầm non Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. (Ảnh minh họa từ website trường) |
Tại biên bản họp đánh giá xếp loại giáo viên mầm non năm học 2017-2018 nhận xét giáo viên Lan nghỉ quá thời gian quy định (54 ngày), không thực hiện theo sự chỉ đạo của tổ chuyên môn: Bồi dưỡng thường xuyên năm học 2017-2018, chưa nộp và chưa gửi kế hoạch. Xếp loại năm học này là không hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, tại phiên họp xét thi đua năm học 2017-2018, nhà trường cũng đánh giá cô Lan là chưa đảm bảo ngày giờ công (vắng 55,5 ngày), chưa lập kế hoạch và giáo án chung của toàn ngành, thường xuyên gửi đơn khiếu nại vượt cấp, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của nhà trường, không tham gia học bồi dưỡng thường xuyên theo hướng dẫn của ngành.
Tại biên bản họp đánh giá xếp loại giáo viên mầm non năm học 2018-2019 đã đánh giá cô Lan không hoàn thành nhiệm vụ, với lý do: Tổng số ngày vắng là 31 ngày, trong đó 25 ngày có phép và 6 ngày không phép, hoàn thành dưới 70% công việc, chưa nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, không chấp hành sự phân công của Ban giám hiệu trường 10 lần, tự ý bỏ cuộc họp ra về 10 lần, không tham gia cuộc họp 8 lần, thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ không đạt yêu cầu.
Trong suốt năm 2018, 2019 giáo viên này vi phạm quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm quy chế chuyên môn về lập kế hoạch giáo dục…
Từ những căn cứ nêu trên, Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh An đánh giá cô Lan không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm học là 2017-2018 và 2018-2019 là đúng quy định tại Điều 40,41 và 42 của Luật viên chức năm 2010, sửa đổi và bổ sung năm 2019 quy định về căn cứ đánh giá viên chức, nội dung đánh giá viên chức và xếp loại chất lượng viên chức.
Tòa sơ thẩm khẳng định, việc nhà trường chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Lan, giải quyết các chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động làm việc với cô Lan là đúng quy định.
Việc cô Lan cho rằng trong thời gian cô đi điều trị bệnh, Hiệu trưởng liên tục áp chế cô Lan bằng cách lập biên bản xử lý là không có cơ sở.
Ngày 25/11/2019, Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh An ban hành quyết định về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Lan, đến ngày 4/2/2020 thì ban hành thông báo thu hồi và hủy bỏ, nhưng đến ngày 5/2/2020 lại ban hành tiếp thông báo về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Lan là đúng quy định.
Căn cứ vào thời hạn báo trước 45 ngày với người lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2013, cô Lan đã thực hiện các quyền khiếu nại của mình.
Ngày 25/2/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã ban hành quyết định về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Lan, kèm theo quyết định trợ cấp cho cô Lan.
Tuy nhiên, do các quyết định này không đúng với thẩm quyền, nên ngày 21/5/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc, trợ cấp đối với cô Lan. Trong thời gian từ ngày 25/11/2019 đến 22/5/2020, cô Lan vẫn được thanh toán tiền lương đầy đủ.
Như vậy, toàn bộ quy trình đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của cô Lan đã bị hủy bỏ, nên quy trình này phải thực hiện lại từ đầu.
Nhưng ngày 22/5/2022, Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh An đã ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Lan, kèm theo quyết định trợ cấp cho cô Lan là vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày tại điểm a khoản 2 điều 38 của Bộ Luật lao động năm 2015.
Tuy nhiên, việc vi phạm này không làm ảnh hưởng đến bản chất, nội dung của các quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc và quyết định trợ cấp. Cô Lan cũng đã nhận được số tiền trợ cấp thôi việc cho giáo viên, nên hội đồng xét xử nhận thấy không nhất thiết phải hủy hai quyết định này.
Căn cứ vào khoản 4, điều 42 của Bộ luật lao động năm 2013 thì Hiệu trưởng nhà trường chỉ phải trả một khoản tiền tương ứng với số tiền lương theo hợp đồng lao động của cô Lan trong 45 ngày, về trợ cấp thôi việc thì cô Lan đã nhận đủ số tiền hơn 20,6 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, cô Lan trình bày là không có nhu cầu được Hiệu trưởng nhà trường nhận lại làm việc. Hiệu trưởng cũng đồng ý. Trong phần trình bày, tại tòa, giữa 2 bên cũng không có sự thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm, nhưng về sau, Hiệu trưởng nhà trường vẫn đồng ý bồi thường thêm cho cô Lan số tiền bằng 2 tháng lương theo hợp đồng lao động.
Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm ghi nhận tổng cộng số tiền Hiệu trưởng Trường mầm non Phước Vĩnh An phải bồi thường thêm cho cô Lan là 3,5 tháng lương, tương đương với số tiền 30.072.298 đồng.
Ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm, cô Lan yêu cầu xác định bệnh “Viêm thanh quản mạn tính” là bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 của Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Tòa án nhân dân huyện Củ Chi cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ, cung cấp thông tin chuyên môn.
Kết quả phúc đáp của Sở Y tế thành phố bằng văn bản khẳng định, bệnh “Viêm thanh quản mạn tính” không phải là bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 của Thông tư 15/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội như cô Lan trình bày. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của cô Lan.
Tại biên bản giám định y khoa ngày 8/2/2018 của Hội đồng giám định y khoa thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận cô Lan “Suy giảm khả năng lao động do bệnh tật”, đồng thời tại công văn ngày 4/5/2018 của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện nội dung chính là, cô Lan bị suy giảm khả năng lao động 33% do bệnh tật, đối chiếu với Điều 45 của Luật An toàn vệ sinh lao động thì cô Lan không thuộc đối tượng giải quyết chế độ tai nạn lao động, nên Hội đồng xét xử sơ thẩm không có cơ sở xem xét việc cô Lan yêu cầu được hưởng chế độ lao động do tai nạn lao động, nên cũng không chấp nhận yêu cầu này.
Tại phiên tòa phúc thẩm ở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, do còn nhiều tình tiết cần phải xác minh thêm, nên hội đồng xét xử đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa đến 10h sáng ngày 23/3/2023 sẽ tiếp tục mở lại.