Giáo viên góp ý về SGK Lịch sử 7 – Kết nối tri thức với cuộc sống

17/03/2023 06:39
Cao Nguyên (ghi)
GDVN- Giáo viên phản ánh một số nội dung trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7 (Kết nối tri thức với cuộc sống) còn "sạn".

Ngày 6/11/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Giáo viên nhặt ‘sạn’ sách Lịch sử và Địa lí 6, 7 - Bộ Kết nối tri thức và cuộc sống” nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc đặc biệt là giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Bài báo chia sẻ phản ánh của giáo viên môn Lịch sử và Địa lí (phân môn Lịch sử), phân môn Lịch sử trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6, 7 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), có nhiều nội dung cần xem lại.

Ngoài các nội đã được nhặt "sạn" ở bài viết trê, trong quá trình dạy học, một số giáo viên tiếp tục góp ý phân môn Lịch sử sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7. (Ảnh: Cao Nguyên)

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7. (Ảnh: Cao Nguyên)

Theo đó, Bài 16 – Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), trang 78, có nội dung như sau:

"Ta đây

Núi Lam Sơn dấy nghĩa,

Chốn hoang dã nương mình,

Ngẫm thù lớn há đội trời chung,

Căm giặc nước thề không cùng sống.

Những câu thơ trên trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và bức hình bên (xin xem ảnh bên dưới) giúp em liên hệ đến nhân vật lịch sử nào? Hãy chia sẻ hiểu biết của em về nhân vật cũng như sự kiện liên quan đến nhân vật đó." [1]

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Giáo viên cho biết, câu hỏi trên có hai điểm bất hợp lí. Thứ nhất, chân đế bức tượng có dòng chữ chú thích “anh hùng dân tộc Lê Lợi” thì hỏi “nhân vật lịch sử nào” làm gì nữa. Câu hỏi này khác gì đã mớm sẵn, học sinh chỉ cần đọc dòng chữ là trả lời ngay mà không cần phải suy nghĩ gì thêm.

Thứ hai, cũng theo giáo viên phản ánh, nếu không có bức tượng Lê Lợi thì học sinh cũng rất khó trả lời câu hỏi “nhân vật lịch sử nào” được đề cập đến trong thơ Nguyễn Trãi.

Nhận định của giáo viên hoàn toàn có cơ sở. Tôi (giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông) đã kiểm chứng sự hiểu biết của học sinh lớp 10 khi dạy bài “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi) bằng cách đặt câu hỏi:

Những câu thơ: “Ta đây/ Núi Lam Sơn dấy nghĩa,/ Chốn hoang dã nương mình,/ Ngẫm thù lớn há đội trời chung,/ Căm giặc nước thề không cùng sống”, tái hiện nhân vật nào trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?

Lớp tôi dạy có 46 học sinh thì không một em nào trả lời đúng câu hỏi là vua Lê Lợi cả. Đa số các em đoán “ta” là Nguyễn Trãi hoặc các tướng nhà Lê.

Tiếp đến, phần “Em có biết?”, trang 79, cung cấp thông tin liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như sau:

“Năm 1418 quân Minh liên tiếp vây đánh liên tiếp căn cứ Chí Linh, Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi để nhử địch, cứu chủ tướng khỏi sự truy sát và hi sinh. Năm 1421, trong một đợt vây quét của giặc Minh, nghĩa quân lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng, đói và rét,… Lê Lợi phải cho giết cả voi, ngựa để nuôi quân”.

Ảnh: NVCC

Ảnh: NVCC

Về nội dung này giáo viên (người phản ánh) nêu ý kiến: “Lẽ ra sách giáo khoa phải viết ‘Lê Lợi phải cho giết cả voi chiến, ngựa chiến để nuôi quân’. Bởi nếu giết voi, ngựa bình thường (không phải voi, ngựa chiến) thì không có gì đáng nói”.

Liên quan đến việc Lê lợi giết cả voi chiến, ngựa chiến để nuôi quân, một số tài liệu ghi lại rất chi tiết, chẳng hạn:

"Thời kỳ hoạt động ở vùng núi Thanh Hóa là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Trong thời gian đầu, lực lượng của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại.

Bị quân Minh vây đánh, nghĩa quân Lam Sơn nhiều phen khốn đốn. Riêng trên địa bàn huyện Lang Chánh ngày nay, Chủ tướng Lam Sơn và nghĩa quân ba lần phải rút chạy lên núi Chí Linh vào những năm 1418, 1419, 1422 và một lần cố thủ ở Sách Khôi năm 1422.

Tuy nhiên do lực lượng chưa đủ mạnh nên Lê Lợi cùng quân Lam Sơn phải ẩn náu trong rừng núi, phải ăn rau củ và măng tre lâu ngày; có lần ông phải giết cả voi và ngựa chiến của mình để cho tướng sĩ có cái ăn." [2], [3], [4]

Ngoài ra, câu văn “Năm 1418 quân Minh liên tiếp vây đánh liên tiếp căn cứ Chí Linh, Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi để nhử địch, cứu chủ tướng khỏi sự truy sát và hi sinh” cũng cần diễn đạt lại cho sáng rõ, giúp học sinh dễ nắm nội dung bài học.

Ví dụ: "Năm 1418 quân Minh liên tiếp vây đánh căn cứ Chí Linh, Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi để nhử địch, cứu chủ tướng khỏi sự truy sát và hi sinh".

Qua bài viết này, rất mong các tác giả sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát lại nội dung bài học như giáo viên đứng lớp đã phản ánh để chỉnh lí cho lần tái bản sau.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một số giáo viên dạy môn Lịch sử được tác giả Cao Nguyên ghi. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vniteach.com/2022/07/13/bo-sach-ket-noi-tri-thuc-sgk-lich-su-va-dia-li-7/

[2] https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/he-thong-truyen-thuyet-ve-le-loi-va-khoi-nghia-lam-son-o-lang-chanh/13276.htm

[3] https://baothainguyen.vn/chinh-tri/200809/khoi-nghia-lam-son-dau-son-trong-lich-su-giu-nuoc-cua-dan-toc-367AB67/

[4] https://1thegioi.vn/le-loi-cam-khai-tien-anh-hung-le-lai-cuoi-ngua-the-huyet-chien-17088.html

Cao Nguyên (ghi)