Trường Đại học Trưng Vương nhận Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng cơ sở GD

16/03/2023 13:39
Bài và ảnh: Mộc Hương
GDVN- “Thành quả ngày hôm nay sẽ giúp nhà trường hòa mình vào các tiêu chuẩn và chuẩn mực GD quốc gia, học hỏi và hội nhập quốc tế” - Phó Chủ tịch HĐT cho biết.

Dấu mốc cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục

Sáng ngày 16/3, tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường Đại học Trưng Vương.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Oanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trưng Vương đã tóm tắt quá trình phát triển của nhà trường. Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Đại học Trưng Vương cũng tóm tắt công tác kiểm định chất lượng từ tháng 6/2021 đến ngày 08/01/2023, trường đã báo cáo thành công tại Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục -Trường Đại học Vinh và đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Oanh cho biết: “Trường Đại học Trưng Vương được thành lập năm 2010. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 8 ngành trình độ đại học và 2 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với số lượng trên 3.000 sinh viên, học viên và gần 200 cán bộ, giảng viên.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Oanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trưng Vương phát biểu khai mạc buổi lễ.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Oanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trưng Vương phát biểu khai mạc buổi lễ.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh giáo dục hiện nay đã đặt ra cho nhà trường nhiều thách thức. Việc công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục thực sự đã nâng cao vị thế của Trường Đại học Trưng Vương, đó cũng là cam kết của nhà trường với xã hội về việc đảm bảo chất lượng giáo dục”.

“Trong giai đoạn phát triển mới, Trường Đại học Trưng Vương không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường đội ngũ cán bộ giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo; mở rộng ngành đào tạo từ 08 mã ngành lên 14 mã ngành đào tạo trình độ đại học, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội.

Cũng trong giai đoạn phát triển này, Hội đồng trường Trường Đại học Trưng Vương đã có những chỉ đạo cụ thể thông qua Nghị quyết về mục tiêu trọng tâm của nhà trường đến năm 2030.

Thứ nhất, hoàn thành đánh giá 100% chương trình đào tạo.

Thứ hai, nhà trường phấn đấu đạt quy mô 10.000 sinh viên chính quy.

Thứ ba, nhà trường phấn đấu là “trường đại học số”.

Thứ tư, Trường Đại học Trưng Vương nằm trong top những trường đại học uy tín trong cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trường Đại học Trưng Vương quyết tâm cùng chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt chiến lược đã đề ra” - vị Hiệu trưởng cho biết thêm.

Tại buổi lễ, Thạc sĩ Giản Hoàng Anh đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh đã công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường Đại học Trưng Vương.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường Đại học Trưng Vương.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Trường Đại học Trưng Vương.

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh đánh giá cao những nỗ lực của thầy và trò Trường Đại học Trưng Vương để có kết quả ngày hôm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy bày tỏ: “Chúng tôi rất ấn tượng với chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Duy Ninh trước đó tại Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, nhà trường cũng có những bước đi vững chắc, mang tính bền vững và đưa ra một lộ trình cam kết với toàn thể hội đồng để thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường đến năm 2030 rất rõ ràng...

Hôm nay, trở lại trường, tôi thấy có sự thay đổi rõ rệt, cả về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nhân viên... Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà trường đã nỗ lực làm đề án để mở tiếp 6 mã ngành đại học để cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội; cũng đã tuyển được 30 cán bộ, giảng viên, nhân viên có học hàm, học vị về trường làm việc. Đây là việc không phải trường nào cũng làm được.

Nhìn thấy được sự “thay da đổi thịt” của nhà trường, chúng tôi rất hy vọng đây sẽ là những khởi sắc ban đầu cho sự phát triển bền vững của nhà trường”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh đánh giá cao những nỗ lực “thay da đổi thịt” của Trường Đại học Trưng Vương.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh đánh giá cao những nỗ lực “thay da đổi thịt” của Trường Đại học Trưng Vương.

Hòa mình vào tiêu chuẩn, chuẩn mực giáo dục quốc gia

Thạc sĩ Nguyễn Duy Ninh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Trưng Vương chia sẻ: “Tính đến ngày 28/02/2023, trên toàn quốc có 151 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo Thông tư 12 năm 2017 về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 245 cơ sở giáo dục đại học không bao gồm khối các trường thuộc quân đội và công an. So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cũ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí thì bộ tiêu chuẩn mới có 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí.

Thành quả ngày hôm nay sẽ giúp nhà trường hòa mình vào các tiêu chuẩn và chuẩn mực giáo dục quốc gia, học hỏi và hội nhập quốc tế”.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng trường, các trường đại học tư thục nói chung và Trường Đại học Trưng Vương nói riêng đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Duy Ninh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Trưng Vương các trường đại học tư thục nói chung và nhà trường nói riêng đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Duy Ninh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Trưng Vương các trường đại học tư thục nói chung và nhà trường nói riêng đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.

Ông lý giải: “Thứ nhất, tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất để đẩy mạnh đổi mới giáo dục đại học. Tự chủ là điều gắn liền với các trường tư thục từ khi được thành lập bởi vậy chủ trương này đang tạo ra lợi thế cho các trường tư thục.

Thứ hai, dòng chảy chuyển đổi số và đại học số là xu hướng không thể đảo ngược, trong cuộc đua này vạch xuất phát của các trường lâu đời (các trường công) và các trường mới (các trường tư) sẽ gần nhau hơn. Bên nào linh hoạt hơn, nhanh hơn sẽ là bên chiến thắng. Tư thục đồng nghĩa với linh hoạt, có thể ứng biến nhanh với mọi vấn đề.

Thứ ba, số sinh viên học tại các trường tư thục hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 16%, đây là một con số rất thấp so với kỳ vọng của Chính phủ cũng như so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tỉ lệ 215 sinh viên/vạn dân ở Việt Nam là thấp so với khu vực và thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc khối OECD”.

Nền kinh tế Việt Nam đang nổi lên trong chính sách “Trung Quốc + 1”, hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, được đào tạo chuẩn mực, gắn với thực tế, sát với doanh nghiệp. Với thực tế trên, cơ hội đang rộng mở với các trường tư thục, đặc biệt là các trường có mô hình trường trong doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong trường”.

“Chúng ta chỉ cán đích khi chúng ta quyết liệt hành động, kiên định kiên trì với mục tiêu, quyết tâm vượt mọi trở ngại, “không nói Không và không nói Khó!” - đó chính là tinh thần của những người anh hùng trong thời chiến cũng như trong thời bình, đó cũng là tinh thần của ngôi trường mang tên hai nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị!

Với những gì chúng ta đã đạt được tôi tin rằng chúng ta sẽ cán đích và viết nên những thành công mới, Trường Đại học Trưng Vương tự hào vì có các bạn và các bạn cũng sẽ tự hào vì đã là một phần của Trưng Vương!” - Thạc sĩ Nguyễn Duy Ninh nhấn mạnh.

Đại diện nhà trường nhận hoa chúc mừng của các đơn vị.

Đại diện nhà trường nhận hoa chúc mừng của các đơn vị.

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Trưng Vương và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Trưng Vương và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Trưng Vương và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi thấy rằng, trong thời gian hơn 10 năm, Trường Đại học Trưng Vương đã rất nỗ lực, phấn đấu để có được thành quả như ngày hôm nay.

Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hoạt động cũng như với hàng nghìn hội viên là các doanh nghiệp đa ngành nghề trên toàn quốc, xin cam kết đồng hành với nhà trường và sẽ có những hỗ trợ tốt nhất trong những năm tới, trên cơ sở khai thác năng lực, nguồn lực, điều kiện của Hiệp hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam phát biểu.

Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ tuyên truyền hoạt động của Trường Đại học Trưng Vương đến các doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ...

Tôi hy vọng, Trường Đại học Trưng Vương và Hiệp hội sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn và hoàn thành mục tiêu tốt nhất”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng nhà trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng nhà trường.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Toàn cảnh buổi lễ.
Toàn cảnh buổi lễ.
Các đại biểu tham dự.

Các đại biểu tham dự.

Bài và ảnh: Mộc Hương