Xin cám ơn đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên của Đoàn ĐBQH Hà Nội

26/03/2023 06:42
Minh Khôi
GDVN- Đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đến trung học cơ sở nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi của Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội được nhiều GV đồng tình.

Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây có nội dung kiến nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên như trước.

Trong phần kiến nghị, đề xuất, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở như trước đây.

Cụ thể, đối với giáo viên nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 nhằm phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này với giáo viên lớn tuổi là không cao. [1]

Đề xuất được giảm thời gian nghỉ hưu được giáo viên đồng tình - Ảnh minh họa P.L

Đề xuất được giảm thời gian nghỉ hưu được giáo viên đồng tình - Ảnh minh họa P.L

Tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ năm 2023 ra sao

Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên được nâng lên so với trước đây theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

“Theo lộ trình quy định đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp đặc biệt là đối với giáo viên mầm non”, báo cáo của đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội nêu.

Cũng liên quan đến chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ quan tâm đến chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành giáo dục và Đào tạo, như: Cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục để đảm bảo đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành giáo dục; đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên về công tác tại huyện…

Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách liên quan đến đãi ngộ nhà giáo; đảm bảo ổn định kinh tế để yên tâm công tác đặc biệt là cấp mầm non. [1]

Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Trường hợp người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng khó khăn… sẽ được nghỉ hưu trước tuổi, nhưng không sớm quá 5 năm.

Ngoài ra, người lao động mất sức làm việc có thể nghỉ hưu sớm hơn 10-15 năm, nếu đáp ứng điều kiện về suy giảm khả năng lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Từng có đề xuất giáo viên mầm non thuộc ngành lao động nặng nhọc có thể nghỉ hưu trước 5 tuổi, tức nữ nghỉ hưu ở 55 tuổi nhưng hiện nay chưa có quyết định chính thức, giáo viên mầm non vẫn nghỉ hưu như các bậc còn lại.

Ngành giáo dục là ngành đặc thù, hiện nay đang trong giai đoạn thực hiện chương trình mới, rất cần lực lượng trẻ, giỏi công nghệ,…nên tuổi nghỉ hưu giáo viên thời gian tới nữ nghỉ hưu ở 60 tuổi, nam 62 tuổi sẽ khó lòng thực hiện tốt cuộc đổi mới thành công trọn vẹn.

Đồng tình với đề xuất tuổi nghỉ hưu giáo viên nam 60, nữ 55 tuổi

Đề xuất về tuổi nghỉ hưu giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở được nghỉ hưu ở độ tuổi nữ 55, nam 60 tuổi của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội được đông đảo giáo viên đồng tình, hoan nghênh và cho rằng đây là đề xuất hợp tình, hợp lý.

Qua trao đổi, nhiều giáo viên rất đồng tình và mong đề xuất này được nghiên cứu một cách thấu đáo, sớm thành hiện thực.

Giáo viên nữ đến 55 tuổi, nam đến 60 tuổi, nếu còn tiếp tục công tác sẽ nhận lương khá cao do hệ số lương cao, cộng với phụ cấp ưu đãi, phụ cấp, trợ cấp khác,...nếu nghỉ hưu họ chỉ nhận 75% mức lương cộng với phụ cấp theo lương là không cao nhưng họ mong muốn được nghỉ ngơi vì đã cống hiến 30-40 năm trong nghề.

Với ngành đặc thù nghề giáo luôn cần sự vận động, phát triển, nếu lớn tuổi sẽ kéo theo sự trì trệ, kém phát triển, chất lượng giáo dục khó được nâng lên.

Giáo viên lớn tuổi nhận lương cao gấp 2-3 giáo viên trẻ nhưng trì trệ, kém phát triển thì vừa không có lợi cho ngân sách, vừa thiệt thòi cho các em sinh viên trẻ mất cơ hội nghề nghiệp, nên được nghiêm túc xem xét.

Người viết cũng tiến hành khảo sát, trao đổi khoảng hơn 100 giáo viên trong và ngoài đơn vị, gần như 100% giáo viên đều mong muốn Chính phủ xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên, giáo viên vừa lo dạy, lo bệnh tật, vừa lo chất lượng không đảm bảo.

Nếu trong điều kiện khó khăn về nhân sự thì độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên nữ là 57 tuổi, nam là 60 tuổi, dần dần giảm độ tuổi như trước đây nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi như đề xuất của đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội.

Theo người viết, có thể tiến tới không quy định cụ thể độ tuổi nghỉ hưu mà quy định đủ thời gian công tác trong ngành thì được nghỉ hưu có thể 30 năm với nữ, 35 năm với nam và không quá 60 tuổi.

Lao động của giáo viên là lao động trí óc, kết hợp với thí nghiệm, thực hành, trải nghiệm,…nếu tuổi cao, sức yếu thì khó có thể dạy được tốt.

Giáo viên nam tiệm cận 62 tuổi, nữ 60 tuổi thì nhiều giáo viên đã mắc nhiều bệnh tật nghề nghiệp như phổi, cao huyết áp, tiểu đường,…mọi người chỉ lo trị bệnh, thì việc triển khai việc dạy học và giáo dục sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Thực tế, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang tăng lên nhưng đa số là nhờ sự tiến bộ của y học hay nói đúng hơn là nhờ thuốc, nhiều giáo viên chưa được nghỉ hưu, chưa được nghỉ ngơi ngày nào đã vĩnh viễn ra đi.

Và quan trọng là thực hiện chương trình mới các môn học mới như Ngoại ngữ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật đang thiếu rất nhiều giáo viên ở 3 cấp học nhưng nếu tuổi nghỉ hưu giáo viên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi vừa cản trở sự phát triển của giáo dục vừa không tạo điều kiện để các sinh viên trẻ có việc làm.

Học sinh trong quá trình học, đa phần học sinh cũng thích học với giáo viên trẻ, năng động mà không thích học với những giáo viên lớn tuổi, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số không tốt

Người viết cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục đã đi được nửa chặng đường, việc đổi mới ở phía trước còn nhiều khó khăn, áp lực, trẻ hóa đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện cho giáo viên trẻ có được việc làm,…là vô cùng quan trọng, nên đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đến trung học cơ sở nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi như trước đây của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội rất kịp thời và cần được xem xét.

Người viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ có những nghiên cứu một cách thấu đáo về đề xuất đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cũng như là nguyện vọng của đông đảo giáo viên cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/de-xuat-chinh-phu-giu-nguyen-tuoi-nghi-huu-cua-giao-vien-post1518347.tpo#1518347|home-highlight|1

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi