Kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không nên kèm vai trò tuyển sinh ĐH

20/03/2023 13:40
Phạm Linh
GDVN- Thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không nên kèm thêm vai trò tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bản dự thảo xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình tự chủ giáo dục đại học; phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung về phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng từ năm 2025 trở đi không nên có kỳ thi trung học phổ thông nữa, về điều này, trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: "Thẩm quyền quyết định có hay không kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc về Quốc hội. Theo Luật Giáo dục 2019 thì vẫn cần có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông".

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đánh giá dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ bản hợp lý, đặc biệt 2 nội dung sau:

Thứ nhất, phân cấp, phân quyền tổ chức thi: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi, ra đề thi, thanh tra và kiểm tra thi; Các địa phương tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thứ hai, môn thi, hình thức thi: 4 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và Lịch sử; 2 môn tự chọn trong số 4 môn đã chọn học. Ngữ văn thi tự luận, các môn khác thi trắc nghiệm.

Tuy vậy, thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không nên kèm thêm vai trò tuyển sinh đại học, cao đẳng vì 3 lý do:

Một là, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cần phân hoá học sinh càng rõ càng tốt, để lấy điểm từ cao xuống thấp. Trong khi đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông chủ yếu xác định chuẩn đầu ra, không yêu cầu phân hoá mạnh như tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì vậy, kết hợp 2 mục tiêu trong 1 kỳ thi sẽ bất cập.

Hai là, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vốn ít áp lực, vì kết quả tốt nghiệp thường đạt trên 98%. Nếu dùng kết quả kỳ thi đó để tuyển sinh đại học, cao đẳng áp lực sẽ tăng lên rất nhiều.

Ba là, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đã được tự chủ tuyển sinh, có nhiều cách tuyển phong phú và linh hoạt, không cần thiết dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh.

"Do đó, tôi đề nghị bỏ 2 nội dung sau, trong dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (từ năm 2025):

Thứ nhất: “cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong việc tuyển sinh theo tinh thần tự chủ” (Mục tiêu, yêu cầu tổ chức thi).

Thứ hai: “người học đã có Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp” (Đối tượng dự thi và đăng ký thi) - Đã có Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì không nên dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông một hay nhiều lần nữa", thầy Khang đề xuất.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Anh Phong – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hàng Hải (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) mong muốn kỳ thi tốt nghiệp thực sự là một kỳ thi nhẹ nhàng, đánh giá những kiến thức cơ bản phổ thông liên quan đến học sinh.

Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã định hướng các trường đại học tự chủ về tuyển sinh. Việc lựa chọn học sinh có năng lực tốt, đảm bảo chất lượng đầu vào thì phải có phương án thi tuyển sinh riêng như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang triển khai.

Tiến tới, có thể các cụm trường đại học sẽ tổ chức thi theo mục tiêu, mục đích riêng như khối ngành y dược thi riêng, sư phạm thi riêng và các khối ngành kỹ thuật, ngành kinh tế thi riêng.

Như vậy, hãy để kỳ thi tốt nghiệp đúng nghĩa là đánh giá “tốt nghiệp” để học sinh cuối cấp không quá nặng nề, áp lực về kỳ thi này.

Hơn nữa, điều đó cũng khiến các trường đại học phải chủ động trong tuyển sinh chứ không thể cứ trông chờ vào kỳ thi tốt nghiệp. "Tính phân hoá trong kỳ thi tốt nghiệp không cao nên nếu muốn lựa chọn viên theo đúng phẩm chất, năng lực của ngành đào tạo thì phải có phương án riêng”, thầy Phong nói.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Đoan Trang – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành thì học sinh phải thi thêm 1 môn bắt buộc là môn Lịch sử.

Đây không phải là vấn đề trở ngại đối với học sinh và giáo viên vì Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với thời lượng 2 tiết/ tuần nên cả giáo viên và học sinh đều có tâm thế sẵn sàng tham gia.

Bên cạnh đó, việc học sinh được lựa chọn 2 môn thi trong 4 môn học đã chọn học ở trung học phổ thông giúp giảm bớt được gánh nặng cho học sinh.

Giúp học sinh phát huy được điểm mạnh của mình trong các môn học sở trường và giải tỏa được áp lực phải thi những môn học mà học sinh cảm thấy không tự tin.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Cũng theo cô giáo Đoan Trang, điều băn khoăn nhất đối với nhà trường và đội ngũ giáo viên phải kể đến đó là câu hỏi thi, đề thi được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực.

Hiện nay, các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng đang có sự chuyển hướng khi cho học sinh làm quen dần với các hình thức kiểm tra, đánh giá hướng tới phát triển năng lực như tăng cường các câu hỏi ứng dụng thực tiễn vào trong quá trình dạy và học.

Tuy nhiên, khi xây dựng, thiết kế hệ thống câu hỏi, đề thi, các nhà trường đến hiện tại vẫn dựa trên việc tham khảo từ câu hỏi trong các kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, nội dung được đề cập trong bản dự thảo xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2025: “Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực” khiến rất nhiều thầy, cô giáo băn khoăn.

Cô giáo Đoan Trang chia sẻ ý kiến: “Qua khảo sát ý kiến của giáo viên nhà trường thì rất nhiều thầy, cô giáo đang băn khoăn, lúng túng trong việc xây dựng, thiết kế bộ câu hỏi theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực cho từng đơn vị kiến thức sao cho phong phú về nội dung và đạt chuẩn về các tiêu chí đang gây khó khăn cho giáo viên.

Hiện nay, giáo viên đang phải tự xây dựng, tự thiết kế câu hỏi đánh giá năng lực dựa trên cơ sở tham khảo các đề thi đánh giá năng lực của một số trường Đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đề thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội".

Do đó, giáo viên các nhà trường rất cần những đợt tập huấn bài bản, chính thống về nội dung này từ các chuyên gia, các chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ở từng môn cụ thể, trên cơ sở đó để tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh trong thời gian tới”.

Phạm Linh