40 tuổi trẻ mầm non đã gọi bằng "bà", 50 nhảy múa làm sao khi chân luôn đau nhức

25/03/2023 06:40
Phan Tuyết
GDVN- Trẻ mầm non yêu thích cái đẹp, em nào cũng thích được học với cô đẹp, cô trẻ. Những giáo viên lớn tuổi, các em không yêu thích bằng.

Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có nội dung kiến nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở như trước đây (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

Giáo viên mầm non thường xuyên phải múa hát (Ảnh minh hoạ: Tuoitrethudo.com.vn)Giáo viên mầm non thường xuyên phải múa hát (Ảnh minh hoạ: Tuoitrethudo.com.vn)

Trong khi “Theo lộ trình quy định đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp đặc biệt là đối với giáo viên mầm non”[1]

Trải lòng của cô hiệu trưởng mầm non

Xung quanh chuyện tuổi nghỉ hưu, người viết có cuộc trò chuyện với cô giáo Hồ Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Nói đến tuổi về hưu phù hợp của giáo viên mẫu giáo, cô Linh cười cho biết: “Chúng tôi chỉ mong 50 tuổi vì qua tuổi này múa hát không nổi rồi.

Nhưng nếu tuổi nghỉ hưu hợp lý là 55 tuổi chứ 60 tuổi là tuổi quá cao đối với giáo viên mầm non. Nói rồi, cô Linh cho biết: “Trẻ mầm non yêu thích cái đẹp, em nào cũng thích được học với cô đẹp, cô trẻ. Những giáo viên lớn tuổi, các em không yêu thích bằng”.

Ngày đầu mới đi học, nếu được học cô trẻ chúng phấn khởi, hồ hởi ra mặt, cứ tíu tít như đàn chim non.

Nhưng cô giáo lớn tuổi hơn một chút vào lớp, phần đông chúng gọi bằng bà. Ngay như tôi đây (cô hiệu trưởng mới hơn 40 tuổi) mà các em cũng gọi bằng bà rồi đấy.

Ngành mầm non chúng tôi nghe tăng tuổi hưu lên 60 tuổi thấy buồn thiệt. Hiện nay, giáo dục mầm non yêu cầu ngày càng cao.

Muốn đáp ứng tốt, giáo viên phải luôn năng động, sáng tạo. Thế nhưng dù có nhiệt huyết tràn trề, có lòng yêu thương trẻ sâu sắc nhưng đôi khi hiệu quả làm việc cũng không cao.

Khi chúng ta lớn tuổi thì sẽ sinh ra nhiều bệnh tật đặc biệt là xương khớp và thanh quản luôn có vấn đề. Nghề mầm non yếu tố về sức khỏe sẽ vô cùng quan trọng.

Nhảy múa làm sao khi chân luôn đau nhức? Làm sao có thể theo kịp khi các con chạy nhảy, vui đùa? Ca hát làm sao khi cổ luôn bị khàn? Phát âm khó nhọc bởi luôn đau, bị viêm họng? Vì sức khỏe, vì bệnh tật nên lòng nhiệt huyết vẫn căng tràn cũng không thể theo kịp lớp trẻ".

Cô Linh cho biết năm học vừa qua, một giáo viên của trường đã xin nghỉ ở tuổi 50 mặc dù cô giáo này rất nhiệt tình trong giảng dạy và mọi hoạt động.

Ngành giáo dục đang triển khai chế độ 143 về tinh giản biên chế, đã có nhiều giáo viên xin về dù chưa đủ năm đóng bảo hiểm với lý do: “Mình đáp ứng không tốt thì nên lui về hậu trường để giáo viên trẻ phát huy năng lực”.

Nhiều giáo viên xin về hưu trước tuổi

Dù đã có quy định tuổi về hưu cho giáo viên nam là 62 và nữ sẽ là 60 nhưng Nghị định số: 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế là lối mở cho thầy cô nào muốn về hưu sớm.

Nhiều giáo viên có mong muốn được nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế.

Ngoài một số thầy cô giáo muốn nghỉ ngơi vì điều kiện kinh tế đã ổn định, còn khá nhiều thầy cô giáo vẫn còn nhiệt huyết với nghề nhưng do sức khoẻ suy giảm nên không thể tiếp tục công tác.

Những căn bệnh mà các thầy cô giáo ở độ tuổi từ 50 trở lên thường gặp như viêm thanh quản mãn tính, thấp khớp, suy giảm tĩnh mạch (khó khăn di chuyển trong khi giảng dạy phải liên tục di chuyển trong lớp).

Rồi bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh về thần kinh vì luôn đối mặt với căng thẳng nên hay gặp các vấn đề về stress ảnh hưởng lớn đến thần kinh và suy giảm trí nhớ... Có thầy cô giáo gần như tháng nào cũng phải xin nghỉ dạy vài ngày để đi khám bệnh.

Khi giáo viên nghỉ dạy điều trị bệnh, sẽ rất khó khăn cho nhà trường phân công giáo viên dạy thay. Đối với những trường học thiếu giáo viên thì việc điều động dạy thay không hề đơn giản. Đã có tình trạng học sinh đến lớp nhưng không được học do thiếu giáo viên, hoặc một thầy cô phải cùng lúc dạy học tới 2 lớp.

Vì những lý do trên, đa phần các nhà giáo cảm thấy vui khi có đề xuất giữ nguyên tuổi về hưu cho giáo viên nam 60 và nữ 55 tuổi như trước đây. Điều này, không chỉ giúp các thầy cô giáo được nghỉ ngơi sau những năm tháng tận tâm cống hiến vì sự nghiệp giáo dục và còn giúp học sinh học tập hào hứng và chất lượng hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/de-xuat-chinh-phu-giu-nguyen-tuoi-nghi-huu-cua-giao-vien-post1518347.tpo

Phan Tuyết