Nếu bỏ được tâm lý "chạy trường" thì tuyển sinh không phân tuyến rất tốt

17/04/2023 06:32
Mạnh Đoàn
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, bản đồ GIS không chỉ phục vụ mục đích tuyển sinh mà sau này còn là công tác quản lý giáo dục. 

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, Thành phố sẽ thí điểm áp dụng Hệ thống Thông tin Địa lý (Geographic Information System - Bản đồ GIS) trong tuyển sinh đầu cấp với lớp 1, lớp 6 tại Thành phố Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng bản đồ số dữ liệu giáo dục của thành phố ở địa chỉ: http//gis.hcm.edu.vn. Mỗi điểm trên bản đồ là một trường. Khi kích vào điểm trên, toàn bộ dữ liệu của trường học như cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác kiểm định… sẽ xuất hiện.

Dựa trên bản đồ GIS, học sinh sẽ được bố trí chỗ học gần nhà trong cùng phường, nếu không có trường trong cùng khu phố, thì chuyển qua học ở khu phố kế bên. [1]

Hình ảnh bản đồ GIS tại khu vực quận Tân Bình. (Ảnh chụp màn hình)

Hình ảnh bản đồ GIS tại khu vực quận Tân Bình. (Ảnh chụp màn hình)

Khi kích vào một điểm trên bản đồ sẽ hiện ra các thông tin liên quan đến trường như về loại hình trường, chương trình... (Ảnh chụp màn hình)

Khi kích vào một điểm trên bản đồ sẽ hiện ra các thông tin liên quan đến trường như về loại hình trường, chương trình... (Ảnh chụp màn hình)

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, ông rất đồng tình với đề xuất thí điểm trên khi ứng dụng chuyển đổi số khá mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.

Có thể hiểu việc tuyển sinh không phân tuyến, dựa vào bản đồ GIS là xác định cự ly từ chỗ cư trú thực tế của học sinh đến trường. Căn cứ trên số liệu học sinh, chỗ ở thực tế để phân bổ vào những trường phù hợp theo tiêu chí học sinh được vào học trường gần nhất.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam cũng cho biết, bản đồ GIS được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trường Đại học Giáo dục từng có nghiên cứu dùng bản đồ GIS để đo biểu đồ thời gian thực về độ ồn của các trường học, nó có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiếp thu của học sinh.

Thông qua bản đồ trên, cơ quan quản lý như Sở Giáo dục và Đào tạo có thể biết được trường nào đang chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn lớn, từ đó có giải pháp hạn chế tiếng ồn như rào chắn, trồng cây… qua đó giúp các em học sinh tập trung học tập.

“Theo tôi được biết, tại một số nước trên thế giới, việc quy hoạch trường học đã đáp ứng đủ cho người học trên từng địa bàn, nên họ không sử dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh hay quy hoạch trường lớp. Còn với nước ta, một số thành phố lớn đang quá tải cục bộ trường học nên cần sự điều phối từ GIS. Đây là giải pháp mang tính chất công nghệ, còn việc khả thi hay không còn phụ thuộc sự tuyên truyền tới cộng đồng để họ nhận thức đúng”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam bày tỏ ý kiến cá nhân về việc rất ủng hộ cách tiếp cận của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến hành thí điểm tuyển sinh đầu cấp không phân theo địa giới hành chính của phường như lâu nay, mà hướng đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Công việc này cần thiết cho thành phố, bởi nơi đây đang còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp cục bộ.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhận định việc tuyển sinh dựa trên bản đồ GIS chỉ là một trong những nỗ lực chuyển đổi số của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhận định việc tuyển sinh dựa trên bản đồ GIS chỉ là một trong những nỗ lực chuyển đổi số của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Để nâng cao hiệu quả của việc đưa bản đồ GIS vào trong thực tiễn, Phó Giáo sư Nam nhận định, việc tuyên truyền tới các bậc phụ huynh rất quan trọng, phải làm sao để phụ huynh nhận thấy trường nào cũng là trường tốt, không còn tâm lý chọn trường, “chạy trường”, không tìm mọi cách đổ dồn về trường mà họ quan niệm là "tốt". Từ đó, thông qua GIS sẽ giúp cho công tác quản lý, tuyển sinh, điều phối giáo viên, giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên, quá tải – thiếu tải học sinh.

Mở rộng vấn đề, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho rằng, nếu chúng ta có được bản đồ GIS với thời gian thực, cung cấp đầy đủ thông tin về các trường, sẽ rất tiện lợi cho công tác quản lý, điều phối các trường học gần nơi có mật độ học sinh đông.

Bên cạnh đó, bản đồ GIS không thể chỉ dựa trên khoảng cách chỗ ở của học sinh đến trường, cần phải dựa trên thực tế về tuyến đường đi, phương tiện công cộng…

“Theo tôi, GIS không chỉ phục vụ cho mục đích tuyển sinh của Thành phố Hồ Chí Minh sắp tới, mà nó còn phục cho công tác quản lý trong ngành giáo dục”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo đó, chuyển đổi số trong ngành giáo dục không chỉ đơn giản là dạy học online, còn là trang bị văn hoá, kỹ năng số cho “người học số”, tập huấn cho giáo viên thành “người dạy số”, về công tác quản lý là quản lý dữ liệu trên GIS.

Lấy ví dụ cụ thể, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cho biết, dựa trên bản đồ GIS, cơ quan quản lý có thể điều phối giáo viên bộ môn dạy ít số tiết của trường A, sang trường B, trường C ở gần đó để giảng dạy, khi nơi đây đang thiếu giáo viên.

“Sự tiên phong của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc ứng dụng bản đồ GIS vào lĩnh vực giáo dục mà cụ thể là tuyển sinh không phân tuyến là rất đáng hoan nghênh. Sau thử nghiệm, nếu có kết quả khả quan, các thành phố lớn khác nếu quá tải học sinh từng khu vực có thể nghiên cứu để ứng dụng”, Phó Giáo sư Trần Thành Nam nhận định.

Tài liệu tham khảo:

1: https://plo.vn/su-dung-ban-do-gis-trong-tuyen-sinh-se-cham-dut-chay-truong-post727427.html

Mạnh Đoàn