Ngày 2/4, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Tổ quốc Việt Nam thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 727 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường thuộc thị xã Điện Bàn.
Trao chứng nhận thành lập phường cho đại diện lãnh đạo 5 phường |
Dự lễ, có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cùng đại diện lãnh đạo chính quyền và đông đảo nhân dân địa phương.
Tại buổi lễ, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã công bố Nghị quyết số 727 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường và trao chứng nhận thành lập phường cho đại diện lãnh đạo 5 phường: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn Trần Úc bày tỏ, việc thành lập 5 phường: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương là thành quả đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn nói chung và 5 phường dọc quốc lộ IA này nói riêng.
Sau khi 5 phường này được thành lập, đến nay, thị xã Điện Bàn đã có 12 phường, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 65% (hiện còn 8 xã đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu).
Sự ra đời 5 phường mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã theo hướng tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ-công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị-nông thôn, hạ tầng kinh tế-văn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị xã; mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tiện ích đô thị, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giáo dục, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn Trần Úc cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ 23 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định tập trung mọi nguồn lực quyết tâm xây dựng thị xã phát triển bền vững, tạo nền tảng để Điện Bàn trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng, phát triển Điện Bàn trở thành đô thị văn hóa, sinh thái và hiện đại theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có chất lượng môi trường sống tốt, bảo đảm an toàn, sạch-xanh-sáng, hài hòa với thiên nhiên.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, việc thành lập 5 phường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng tác động đến đời sống nhân dân trong việc thực hiện các chế độ chính sách, thủ tục giấy tờ liên quan. Do vậy, thị xã Điện Bàn và các phường phải thường xuyên theo dõi, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên tục của hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, không có sự gián đoạn trong hoạt động giữa đơn vị hành chính trước và sau khi được thành lập.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị thị xã Điện Bàn cần tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực kết nối, phát triển lan tỏa; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đô thị, bảo đảm quy hoạch kiến trúc khang trang, hiện đại và thông minh.
Đồng thời, địa phương cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tăng thu nhập và trở thành nơi thu hút cư dân về sinh sống, hưởng thụ. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, phát triển bền vững cả về kinh tế-xã hội, môi trường; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Trước mắt, thị xã Điện Bàn cần khẩn trương tổ chức thực hiện Kế hoạch số 1459 ngày 16/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt về thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan cho nhân dân khi 5 xã lên phường.