Ngày 8/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, ngày 23/9/2021, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Hà Nội”. Thời gian được hưởng hỗ trợ tính từ năm học 2021-2022.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Các cơ sở được hỗ trợ cơ sở vật chất một lần để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Chính sách được đánh giá là một “cú hích” để các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn khu công nghiệp nâng cao chất lượng, năng lực chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, thực tế triển khai ở cơ sở còn một số vướng mắc.
Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai |
Số trường chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân
Là một trong những địa phương rốt ráo triển khai các chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Giang – Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ về thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ trên địa bàn, đồng thời nêu ra những khó khăn, đề xuất.
Hiện, số trường mầm non công lập trên địa bàn huyện Sóc Sơn là 38 trường. Trong đó, có 2 trường do đơn vị quân đội quản lý (huyện chỉ quản lý về chuyên môn, còn các hoạt động khác do đơn vị quân đội quản lý) và 36 trường công lập thuộc huyện quản lý. Còn số trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện là 7, trong đó xã Quang Tiến và xã Mai Đình mỗi xã có 1 trường (đây là 2 xã tập trung nhiều khu công nghiệp nhất trên địa bàn toàn huyện).
Theo cô Giang, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, hiện nay xã Quang Tiến có 1 trường mầm non tư thục, 2 nhóm trẻ độc lập, 1 nhóm trẻ gia đình. Hiện đang có 1 công dân làm hồ sơ xin cấp phép để mở thêm 1 nhóm trẻ độc lập trên địa bàn xã. Từ nay đến cuối năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ có văn bản gửi về xã để cấp phép cho cơ sở hoạt động.
Xã Mai Đình có 1 trường mầm non tư thục và 4 nhóm trẻ độc lập.
Khó khăn của các trường mầm non công lập hiện nay là cơ sở vật chất chưa đầy đủ, chưa bảo đảm nên không đáp ứng được hết nhu cầu gửi con của công nhân.
"Thực tế, số lượng trường công lập và tư thục trên địa bàn 2 xã Quang Tiến và Mai Đình (nơi tập trung khu công nghiệp) vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của công nhân. Phòng đã và đang phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện để sửa chữa các trường mầm non công lập hiện có, tìm quỹ đất để xây trường mới.
Ở khu công nghiệp, huyện đang có kế hoạch để rà soát xây thêm 1 trường mầm non công lập (là Trường Mầm non Mai Đình C). Hiện Trường Mầm non Quang Tiến đã được cải tạo, sửa chữa để năm học tới Phòng đề nghị công nhận đạt chuẩn”, cô Giang nói.
Theo cô Giang, thuận lợi khi công nhân gửi con ở trường tư thục đó là trường nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi (độ tuổi mà trường mầm non công lập không được nhận).
“Thực tế hiện nay, khi trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, nhiều công nhân đã có nhu cầu cho con ra lớp sớm để đi làm. Trong khi đó, trường công lập chỉ nhận trẻ trong độ tuổi từ 24 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra, công nhân thường có nhu cầu đón sớm, trả muộn - trường công không đáp ứng được nên phụ huynh muốn cho con học ở trường mầm non tư thục nhiều hơn”, cô Giang chia sẻ thêm.
Bất cập khi xin xác nhận trẻ là con của công nhân
Bàn về những chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, theo cô Giang, từ năm học 2020-2021 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đã phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện hỗ trợ giáo viên hợp đồng lao động, các nhóm trẻ trong quá trình dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đồng thời, Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non” dưới sự chỉ đạo của thành phố, huyện Sóc Sơn đã triển khai rất kịp thời đến học sinh, công nhân, giáo viên, các cơ sở mầm non tư thục ở trên địa bàn thuộc đối tượng thụ hưởng.
“Năm học trước, giáo viên và học sinh đã được nhận đầy đủ hỗ trợ theo Nghị định 105. Đối với những học sinh là con em công nhân được các công ty, xí nghiệp và khu công nghiệp xác nhận, Phòng đã tham mưu với huyện để hưởng đầy đủ chính sách. Với giáo viên có bằng cấp theo quy định, các cơ sở giáo dục mầm non đã làm hồ sơ và nhận hỗ trợ. Năm học này, Phòng sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung hỗ trợ cho giáo viên, học sinh.
Khó khăn hiện tại là trình độ chuyên môn của giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định nên số lượng giáo viên được hưởng chính sách theo Nghị định 105 chưa nhiều. Mong các cơ quan, ban, ngành mở lớp nâng chuẩn, hỗ trợ học phí để giáo viên có điều kiện đi học nâng chuẩn, vừa học vừa làm đỡ vất vả, nhanh chóng được hưởng chế độ”, cô Giang kiến nghị.
Về thực hiện Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, theo cô Giang, Phòng đã triển khai đến các cơ sở. Cụ thể, năm học trước, có gần 20 cơ sở đủ điều kiện (30% con em công nhân trở lên) được nhận hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất. Những cơ sở giáo dục mầm non chưa được hỗ trợ từ năm ngoái nếu đủ điều kiện thì Phòng sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ vào năm học này.
Cô Giang cho biết, ở huyện Sóc Sơn, năm trước, mức hỗ trợ cho trẻ là con của công nhân tổng 240.000 đồng/tháng/học sinh.
Giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có từ 30% con em công nhân trở lên được hỗ trợ 1.200.000 đồng/tháng.
Trong quá trình thực hiện chính sách, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội như ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ, chính sách cho các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp. Tuy nhiên, cô Giang cho biết có một số vướng mắc nhất định khi triển khai.
Một là, gặp khó khi xin xác nhận của công ty, xí nghiệp.
Cụ thể, để được hưởng chính sách, học sinh phải có giấy xác nhận là con của công nhân từ công ty, xí nghiệp theo mẫu của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn. Song, có công ty không cập nhật, không sử dụng mẫu xác nhận chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mà sử dụng mẫu khác theo quy định riêng của công ty.
Hai là, nhiều phụ huynh quá hạn nộp giấy xác nhận cho con.
Cô Giang cho biết, đến hạn nộp giấy xác nhận, vẫn có rất nhiều phụ huynh báo về các cơ sở giáo dục là không xin được xác nhận từ phía công ty, xí nghiệp.
Về rà soát mặt bằng, sử dụng quỹ đất để đầu tư xây trường, cô Giang chia sẻ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn phối hợp rất chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn của huyện để đề xuất và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện có kế hoạch rà soát mặt bằng, quỹ đất để đầu tư xây mới trường mầm non, hoặc mở rộng phòng học nếu trường nào có khả năng.
Liên quan đến vấn đề phát triển xã hội hóa giáo dục ngoài công lập, Phòng phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, để khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân, nếu có nhu cầu thành lập trường và cơ sở giáo dục mầm non thì tạo điều kiện hướng dẫn kịp thời về hồ sơ pháp lý và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, đảm bảo đúng quy định văn bản hướng dẫn.
Cũng theo cô Giang, hình thức chi trả hỗ trợ như năm trước sẽ được chuyển về chủ cơ sở giáo dục mầm non. Sau đó, chủ cơ sở sẽ chịu trách nhiệm gửi hỗ trợ cho phụ huynh học sinh. Với chế độ cho giáo viên, Phòng chuyển thẳng vào số tài khoản ngân hàng của giáo viên. Trường hợp không có số tài khoản, giáo viên sẽ được mời trực tiếp lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn để nhận hỗ trợ.