Liên quan đến việc Hệ thống liên cấp Lômônôxốp thu "phí giữ chỗ" tại Trường liên cấp Tây Hà Nội (Hà Đông, Hà Nội) và Trường Tiểu học Lômônôxốp (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc trước khoản thu vô lý này và họ đặt câu hỏi về việc liệu nó có đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Xuân Hóa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Phó Giám đốc Công ty Luật HTC) và Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đã có những phân tích ở góc độ pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Luật sư Trần Xuân Hóa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Phó Giám đốc Công ty Luật HTC) cho rằng, các khoản thu nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện không có các quy định nào có nhắc đến thuật ngữ/định nghĩa hay cho phép thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh”.
"Thực tế theo tôi được biết, năm 2018, cũng có tình trạng trường tư tự đặt khoản thu này, sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã có văn bản chung gửi các trường, yêu cầu không được thu khoản này và trả lại cho phụ huynh.
Sau đó cũng có thông tin rằng một số trường tư thục đã tiến hành trả lại tiền “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh” cho các phụ huynh", Luật sư Hoá cho hay.
Luật sư Trần Xuân Hoá. (Ảnh: NVCC) |
Về khoản phí này, một số trường tư thục cho rằng họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh” là thỏa thuận dân sự, việc thu các khoản phí này là theo sự nhất trí của các phụ huynh. Tuy nhiên, Luật sư Hoá cho rằng, cách trả lời này của các trường tư thục chưa thực sự thuyết phục và phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ:
"Trường tư thục hoạt động trên lĩnh vực giáo dục – là ngành nghề hoạt động có điều kiện, thuộc sự điều chỉnh của Luật Giáo dục, bởi vậy, họ phải tuân thủ theo các quy định liên quan đến Luật Giáo dục, đặc biệt trong trường hợp này là các quy định liên quan đến khoản thu phí.
Các trường tư thục lập luận rằng đây là thỏa thuận dân sự chưa đủ căn cứ để đáp ứng điều kiện thực hiện trên thực tiễn. Bởi hầu hết số tiền “giữ chỗ” là do ý chí, mong muốn từ một phía, không phải được xây dựng từ việc thỏa thuận giữa các bên.
Trường liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Điều này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật.
Đối với hành vi nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử lý vi phạm hành chính các trường hợp thu phí sai quy định theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục", Phó Giám đốc Công ty Luật HTC nói.
Bình luận về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, những năm qua các trường ngoài công lập có nhiều đóng góp, giúp giảm tải cho hệ thống trường công lập. Nhà nước cũng có những quy định cho phép các trường được tự chủ, nhưng tự chủ phải trong khuôn khổ pháp luật, quy định chung của Nhà nước chứ không thể thích làm gì thì làm, thích thu tiền nào thì thu.
"Có rất nhiều biện pháp, cách xử lý để xác định chỉ tiêu như khảo sát học sinh thay vì đóng phí giữ chỗ. Việc làm này của nhà trường hoàn toàn không hợp tình, hợp lý thậm chí còn trái quy định pháp luật", Luật sư Hùng nói.
Trước câu hỏi về việc Trường liên cấp Lômôlôxốp Tây Hà Nội và Trường Tiểu học Lômôlôxốp là trường tư thục, có phải tuân theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, trả lời câu hỏi này, Luật sư Hùng cho biết, giáo dục là hoạt động chuyên ngành chịu sự quản lý trực tiếp từ Phòng, Sở Giáo dục các địa phương.
Dù có là trường tư thục, để trường có đủ điều kiện đi vào hoạt động cần phải có giấy phép do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp.
"Rõ ràng, trường học hoạt động vẫn phải tuân thủ Luật Giáo dục, chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quản ngành giáo dục tại địa phương.
Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 không có mục nào tên là phí giữ chỗ, còn các quy định của ngành giáo dục cũng không quy định rõ về khoản phí này.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. (Ảnh: NVCC) |
Vì thế, đây có thể được coi như một hình thức đặt cọc, tuy nhiên phải có hợp đồng đặt cọc còn việc tự đặt ra và gọi khoản tiền đó là “phí giữ chỗ”, là không đúng. Đây là việc làm rất phản giáo dục, biến môi trường giáo dục như một thứ hàng hóa, mua bán", Luật sư Hùng phân tích.
"Việc nhà trường tự đặt ra các khoản thu, áp đặt phụ huynh, học sinh là việc làm trái với quy định luật pháp. Các khoản thu trái quy định này có thể có thể bị xử phạt hành chính, buộc trả lại các khoản thu sai. Nếu nhà trường không trả lại tiền giữ chỗ, các phụ huynh có thể thực hiện các hành động pháp lý theo quy định cùa pháp luật", Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho hay.
Theo Luật sư Hùng, việc đưa ra các loại phí giữ chỗ này khi không có sự bàn bạc, thống nhất với phụ huynh khiến họ và học sinh rơi vào tình thế bị ép buộc, không những không đúng quy định của pháp luật mà còn làm xấu hình ảnh của trường trong mắt học sinh, phụ huynh.
"Vì vậy, các trường nên giữ học sinh bằng chất lượng đào tạo, chứ không phải tự đặt ra các khoản phí rồi yêu cầu học sinh và phụ huynh phải làm theo, nếu đã là tự nguyện thì hãy thu trên tinh thần tự nguyện chứ không phải là phải đóng tiền mới được học tiếp", Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối đề nghị.
Điều 32 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 có nêu về việc xử lý vi phạm quy định về thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục:
1. Vi phạm quy định về chi không đúng quy định đối với các khoản chi thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu các khoản không đúng quy định của cấp có thẩm quyền;
b) Chi không đúng quy định của cấp có thẩm quyền đối với các khoản chi không thuộc ngân sách nhà nước.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền thu được do thực hiện hành vi vi phạm mà có để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này trong trường hợp không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả trả lại số tiền đã thu.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”