Ngày lễ tiết Thanh Minh (từ ngày 4-20,21/4 dương lịch) là dịp đầu năm để các con cháu về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an.
Hôm nay (9/4) nhân dịp cuối tuần, nhiều gia đình đã đưa các thành viên về Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) để tảo mộ tiết Thanh minh.
Người dân mang hương hoa, đồ lễ đến tảo mộ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Trong dòng người đó, gia đình bà Trần Thị Thơm (trú tại Hà Nội) cũng có mặt từ sớm tại nơi đây. Ở tuổi lục tuần, bà Thơm nhận thấy tiết Thanh minh là dịp rất ý nghĩa, linh thiêng để cho các con, các cháu tưởng nhớ về những người đã sinh thành hoặc người thân của mình.
Bà Thơm cho biết, dù các con, các cháu bận rộn với công việc, học hành nhưng khi được bà nhắc đến dịp này, mọi người mới "ngớ ra" rằng mình đã quên. Khi đó, cả gia đình đều cố gắng thu xếp để cùng nhau về nơi đây, từ đó cũng gắn kết thêm tình cảm gia đình.
“Nhà tôi vào đầu năm lại tổ chức cho anh, em, con, cháu về quê tạ mộ cho các bậc gia tiên xong hôm sau đến Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên để tạ mộ cho mẹ chồng tôi và em chồng. Những ngày này, tôi cảm thấy giống như những ngày tết của người đã khuất, nếu không về với họ, tôi cảm thấy áy náy.
Bà Trần Thị Thơm cùng người thân khấn lễ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Tôi có rất nhiều cảm tình với nơi đây, khi đưa mẹ chồng tôi về đây thì tôi cảm thấy an yên, trong lòng không phải lo nghĩ gì cả. Việc đi lại từ Hà Nội lên đây cũng rất thuận tiện”, bà Thơm chia sẻ.
Về việc phục vụ, chăm sóc mộ phần tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, bà Thơm đánh giá, nhân viên nơi đây phục vụ rất chu đáo, tận tình. Ví như những cây hoa được bà mang lên đây không chăm sóc được, bà đã nhờ nhân viên làm giúp và được chăm sóc tươi tốt, dọn dẹp quanh mộ sạch sẽ.
Ông bố trẻ đưa cô con gái nhỏ đến nơi đây để tảo mộ. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Chia sẻ về những dịp đến nơi đây trong năm, anh Phạm Việt Hùng (trú tại Hà Nội) cho biết, vào đầu năm gia đình anh đến đây đầu tiên là vào dịp tiết Thanh minh, rồi đến ngày giỗ, Rằm tháng Bảy âm lịch và tảo mộ cuối năm.
Dịp đầu năm đến đây, ngoài việc cầu mong người đã khuất phù hộ cho gia đình luôn được bình an, khoẻ mạnh, anh Hùng nhận thấy đây cũng là dịp để các con được nhớ về cội nguồn, người đã sinh thành ra cha của chúng.
Anh Hùng cho hay, vào ngày hôm qua, anh nói với các con là hôm nay sẽ đưa chúng đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, đứa nhỏ phấn khởi nói: “Chúng con được đi thăm ông nội rồi”.
“Hôm nay, đứa lớn lớp 1 nhà tôi đi học nên tôi cho hai đứa em nó đến đây tảo mộ. Đây là dịp để chúng tôi giáo dục các con về truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhớ đến ông bà, tổ tiên. Qua đó cũng là cách để chúng hiểu và yêu thương gia đình”, anh Hùng chia sẻ.
Hai người con của anh Hùng lễ trước mộ của ông nội. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Trong số những vị khách đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, có một vị khách đặc biệt là người nước ngoài hoà mình cùng đại gia đình đến đây.
Chị Bùi Ngân – vợ của anh Bion (quốc tịch Đức) cho biết, chị mới lập gia đình và đây là lần đầu tiên chị đưa chồng mới cưới đến nơi đây.
“Chồng tôi cảm thấy rất là vui và hứng thú khi đến đây ngày hôm nay, được biết đến văn hoá của người Việt về tiết thanh minh, điều mà ở phương Tây không có. Qua đó, anh đã biết được nơi an nghỉ của ông bà ngoại cùng những người thân khác”, chị Ngân chia sẻ.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tiết Thanh minh là dịp rất quan trọng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Đặc biệt, đây là dịp con cháu hướng về cội nguồn, về với mộ phần người thân đã khuất để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục, cũng là dịp để con cháu tri ân, báo ân với người còn sống.
Anh Bion chắp tay lễ người thân của nhà vợ đã khuất. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
"Khi đến tảo mộ tiết Thanh minh, các gia đình sẽ chuẩn bị đồ đạc để dọn dẹp cỏ, sửa sang mộ phần và chuẩn bị đồ lễ như hương hoa... thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông, bà. Đây cũng là dịp giãi bày những thành công, khó khăn trong cuộc sống với người đã khuất...", Đại đức Thích Trí Thịnh cho hay.