Ngày 12/4, hàng trăm học sinh Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã tham gia buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng nhà trường tổ chức.
Mở đầu buổi hội thảo, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẽ cơ hội và thách thức trong bối cảnh hiện nay thông qua những ví dụ thực tế. Vị diễn giả cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi, tạo ra nhiều sự thay thế đặc biệt.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ những câu chuyện lý thú trong buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng |
Ví như câu chuyện về sự ra đời của Chat GPT. Nó có thể làm được những bài luận văn, trả lời nhanh rất nhiều vấn đề được nêu ra. Điều này khiến nhiều quốc gia phải ra lệnh cấm sử dụng công cụ này trong trường học.
Nhà văn Hoàng Anh Tú đã nêu ra thực tiễn hiện nay có nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông muốn đi xuất khẩu lao động. Theo đó, vị diễn giả đánh giá việc các em chỉ nghĩ đến khi ra trường đi xin việc ở đâu đó để đi làm bằng sức khoẻ, tuổi trẻ chưa chắc đã tốt.
“Nếu các em đi xuất khẩu lao động, có thể sẽ mang về một số tiền lớn để xây nhà… Tuy nhiên, chưa chắc các em đã có một nghề trong tay. Nếu các em có lựa chọn nào đi chăng nữa, các em cần phải nhớ rằng, người lao động có thể cạnh tranh với bản thân các em không phải bạn bè mà đó chính là những người lao động ở các quốc gia khác, cùng với đó là máy móc.
Hoặc đó cũng có thể là những hình thức làm việc từ xa trong tương lai, khi các em có thể ở Việt Nam nhưng làm tại các công ty ở Mỹ, Anh…. Nhưng hiện tại đã hiện hữu hình thức làm việc này, vì vậy các em cần phải có tư duy công dân toàn cầu và nên tìm hiểu về nó”, nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
Học sinh bày tỏ thắc mắc, sau đó đã được vị diễn giả giải đáp. Ảnh: Trung Dũng |
Với lối dẫn dắt khéo léo, trong vai trò diễn giả, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú không chỉ mang đến những thông tin cập nhật bổ ích về thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn chỉ ra thách thức, gợi mở hành trang mỗi học sinh cần chuẩn bị để tự tin “lập trình tương lai”.
“Sau khi được tiếp xúc, giao lưu với nhiều học sinh ở nhiều địa phương khác nhau tôi nhận thấy, học sinh đang có thiên hướng lựa chọn ngành nghề để học và làm việc liên quan đến công nghệ nhiều hơn. Đây là nhận thức có ý nghĩa thực tiễn tương ứng phù hợp với thời điểm hiện nay.
Nhưng sự lựa chọn này chưa phải là tối ưu khi nhiều em chạy theo một ngành nghề nào đó là do “truyền tai nhau” rằng sau này đi làm sẽ có nhiều tiền, nhiều người học thì học theo, không dựa trên năng lực thực tế của bản thân để có thể chọn trường, chọn ngành phù hợp, điều này cực kỳ nguy hiểm”, diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Học sinh trao đổi thẳng thắn cùng nhà văn Hoàng Anh Tú. Ảnh: Trung Dũng |
Cũng theo quan điểm của Nhà văn Hoàng Anh Tú, những ngành nào được truyền thông mạnh thì học sinh sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy và lựa chọn học, nhất là những học sinh không có ước mơ rõ ràng, thiếu định hướng nghề nghiệp.
Liên hệ đến thực tế, lấy ví dụ với ngành Logistics, Nhà văn Hoàng Anh Tú nêu quan điểm: “Những năm gần đây, Logistics và công việc liên quan đến Logistics là chủ đề được nhiều học sinh quan tâm, truyền thông “ưu ái”. Hiểu đơn giản, học Logistics, các em được hiểu chuyên sâu về cách vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hàng hóa với phương thức vận tải như đường hàng không, đường bộ, đường sắt…
Trước đó, không thể phủ nhận những lợi ích, tiện nghi mà các dịch vụ liên quan đến Logistics tạo ra trong bối cảnh cả thế giới ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đây là cái nhìn “bề nổi”. Nhiều học sinh chỉ dừng lại ở việc nghĩ về Logistics đơn thuần là cách thức vận chuyển hàng hóa sao cho nhanh nhất, tối ưu nhất, kiếm ra tiền dễ nhất. Trong khi đó, dưới góc độ hướng nghiệp, điều quan trọng là chúng ta nên nhìn sâu hơn, quan tâm hơn đến khâu xử lý dữ liệu – bộ não. Các dịch vụ Logistics hoạt động được, "sống" được là do đâu?"
Tại buổi hội thảo, vị diễn cũng đã giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của học sinh trước định hướng nghề nghiệp.
Học sinh Nguyễn Thị Khánh Linh, hiện đang học Khoa Du lịch tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đặt câu hỏi: “Trước đây em cũng có khá nhiều băn khoăn về ngành nghề. Cá nhân em thích những công việc được tham gia hoạt động xã hội và được đi nhiều nơi.
Vậy, chúng em nên theo đuổi ngành nghề yêu thích của bản thân hay nên nghe theo định hướng của gia đình, những người đã có những trải nghiệm, có suy nghĩ chín chắn hơn về tương lai sau này?”.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, vị thế của các ngành học nghệ thuật trong tương lai sẽ không có ngành nào thay đổi được vì nó là "đặc thù". Ảnh: Trung Dũng |
Trước câu hỏi thú vị này, nhà văn Hoàng Anh Tú giải đáp: “Trong một bài báo gần đây của tôi đã đề cập đến việc lựa chọn nghề nghiệp như thế nào, chọn nghề hay chọn con đường?
Có rất nhiều bạn nghĩ rằng chọn nghề, tức là theo tiêu chí nghề này hot, nghề kia kiếm ra nhiều tiền,... Đúng là chúng ta cũng phải đi tìm một công việc có thể nuôi sống được mình nhưng, như tôi vừa chia sẻ, có rất nhiều ngành nghề nay đang hot nhưng mai có thể lại không hot nữa. Ví dụ như chứng khoán, vừa qua, có rất nhiều “chứng sĩ” tiêu tan mộng vàng. Hay có rất nhiều nghề khác, “hot” ở thời điểm này nhưng sau này liệu có còn nguyên sức hot? Đó chính là một vấn đề.
Bên cạnh đó, có nhiều bạn không biết mình yêu thích gì, đam mê gì, không biết năng lực của mình có phù hợp với nghề mình theo đuổi hay không, rồi để cho bố mẹ lựa chọn giúp mình. Vì vậy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, theo tôi các em nên tự làm chủ bản thân, chọn công việc mà mình đam mê, yêu thích.
Bởi lẽ, có yêu thích công việc thì mới có sự hăng say lao động, từ đó mới tạo ra được năng suất, hiệu quả đối với công việc đó".
Học sinh Vũ Huệ Anh, học chuyên ngành biểu diễn dân ca quan họ nêu băn khoăn: "Em chọn theo đuổi học các ngành nghệ thuật vì em thích nó. Muốn cống hiến cho nghệ thuật và được tỏa sáng trên sân khấu như bao nghệ sĩ hiện nay.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng |
Đặc biệt là với ngành biểu diễn dân ca quan họ, em thấy ngày càng đang ít dần lượng học viên theo học. Như vậy, trong tương lai, dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các khối ngành nghệ thuật nói chung, ngành biểu diễn quan họ nói riêng liệu có còn chỗ đứng".
Trước câu hỏi này của Huệ Anh, vị diễn giả tỏ ra bất ngờ vì với độ tuổi hiện tại mà học sinh đó có thể suy nghĩ và đặt ra câu hỏi "hóc búa" như vậy.
Qua đó, Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ quan điểm: "Với mỗi thời đại khác nhau thì công việc, ngành nghề thời đại đó cũng sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau. Tất nhiên các ngành nghệ thuật cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Tuy nhiên, theo tôi, các bộ môn nghệ thuật là một món ăn tinh thần nên cho dù là hiện tại hay tương lai nó cũng rất cần. Bởi ngoài nhu cầu ăn uống, thì nhu cầu giải trí của con người thì lúc nào cũng phải có.
Trong việc này, chỉ có thể là do học sinh chưa thực sự nhận thức hết, chưa đam mê với ngành nghệ thuật thì có thể các em không lựa chọn học ngành nghệ thuật. Còn tôi tin rằng, các bộ môn nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống sẽ luôn trường tồn".
Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa và cảm ơn vị diễn giả vì đã có những chia sẻ quý báu tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng |
Phát biểu tại hội thảo, thầy Trần Mai Phong - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang gửi lời cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một chương trình mang nhiều ý nghĩa. Cảm ơn vị diễn giả đã có những chia sẻ quý báu và giải đáp được nhiều khúc mắc của học sinh.
Thầy Phong cho biết thêm: “Thông qua các nội dung của buổi hội thảo, hy vọng các em học sinh sẽ tự khám phá được chính mình, xác định được lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp và tự xây dựng được lộ trình phát triển cho bản thân.
Qua đó, đề nghị các em học sinh sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc, rèn luyện tích cực chăm chỉ để những bài học ý nghĩa hôm nay sẽ đi vào thực tiễn, gắn bó với suốt cuộc đời.
Đồng thời, đề nghị các thầy cô giáo tiếp tục tăng cường giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức chuyên môn nghiệp vụ qua buổi hội thảo hôm nay, để từ đó áp dụng vào thực tiễn giáo dục học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học”.