Kiến nghị "cởi trói" chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với GV lớn tuổi học nâng chuẩn

24/04/2023 06:30
Minh Khôi
GDVN- Người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm “cởi trói” chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra cho giáo viên học nâng chuẩn trình độ để giảm áp lực, tốn kém.

Hiện nay theo các quy định hiện hành, giáo viên đang dạy ở các cấp học, bậc học đã không còn yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ.

Nhưng giáo viên học nâng chuẩn trình độ đào tạo, ví dụ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở học nâng chuẩn lên đại học chẳng hạn bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới được cấp bằng tốt nghiệp, khiến họ rất vất vả, hình thức và tốn kém không nhỏ.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Giáo viên hiện nay không còn quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2021 và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021 không còn yêu cầu giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ mà thay vào đó là yêu cầu “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm”.

Như vậy, từ ngày 20/3/2021, người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, Nghị định 89/2021/NĐ-CP ban hành ngày 18/10/2021 sửa đổi Nghị định 101/2017/ NĐ-CP hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 10/12/2021 đã không còn qui định nội dung bồi dưỡng về tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

Theo đánh giá của người viết, quy định giáo viên không cần chứng chỉ ngoại ngữ là quy định đúng đắn, kịp thời, việc không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ giảm bớt được áp lực cho các giáo viên, cụ thể giáo viên sẽ không phải dành nhiều thời gian để đi học thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.

Thay vào đó, giáo viên sẽ có nhiều thời gian hơn tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy của mình, giảm những việc hình thức, giảm tốn kém.

Giáo viên học nâng chuẩn theo Luật Giáo dục mới vẫn phải có chứng chỉ ngoại ngữ

Giáo viên đang công tác cơ bản đã được “cởi trói” chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định hiện hành.

Nhưng sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì còn rất nhiều giáo viên từ đạt chuẩn, trên chuẩn sẽ trở thành dưới chuẩn và phải học nâng chuẩn, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa có bằng đại học phải học nâng chuẩn lên trình độ đại học.

Giáo viên có thể học liên thông, học từ xa,…để có bằng đại học đáp ứng chuẩn mới theo Luật Giáo dục 2019 theo lộ trình nâng chuẩn của Nghị định 71/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên lớn tuổi (từ 45 tuổi trở lên) phản ánh khi họ đăng ký học nâng chuẩn trình độ để đáp ứng chuẩn mới theo Luật Giáo dục 2019, khi tốt nghiệp các trường yêu cầu họ phải có chứng chỉ ngoại ngữ mới được nhận bằng tốt nghiệp đang gây khó khăn.

Đối với giáo viên lớn tuổi, việc học nâng chuẩn trình độ đại học của họ nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng chuẩn mới và không muốn bị xếp loại chưa đạt chuẩn.

Nhưng muốn tốt nghiệp, các trường đại học yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ khiến giáo viên rất áp lực, nhiều người lớn tuổi đã cố gắng hoàn tất nhiệm vụ học tập, chuyên môn nhưng lại không có chứng chỉ ngoại ngữ nên không thể nhận bằng đại học khiến họ thiệt thòi.

Hiện nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều quy định chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp cho người học, đòi hỏi người học cần có đủ trình độ ngoại ngữ trước khi ra trường.

Hiện tại, có nhiều trường đại học tại Việt Nam lấy chứng chỉ TOEIC, IELTS,… làm quy chuẩn để xét tốt nghiệp cho sinh viên. Nếu không đạt chuẩn đầu ra tiếng anh, sinh viên sẽ bị “treo bằng” và thi lại cho đến khi đạt.

Chính những quy định này khiến nhiều giáo viên than khổ, than khó khi đa phần học lớn tuổi đang là những giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông, chuyên môn giảng dạy của họ không yêu cầu phải có ngoại ngữ.

Người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm “cởi trói” chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra cho giáo viên lớn tuổi khi học nâng chuẩn trình độ để giảm áp lực, tạo điều kiện cho thầy cô được nhận bằng, đáp ứng chuẩn mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi