1. Ngày 24/11, hàng chục người Palestine ở Dải Gaza đã bày tỏ ủng hộ đối với sự đoàn kết giữa các phe phái Palestine sau khi nhà lãnh đạo Phong trào Fahta và Hamas gặp nhau tại Cairo (Ai Cập) và nhất trí thực hiện Hiệp định Hòa giải mà 2 bên ký vào tháng 4/2011. Người dân đã tập trung tại trung tâm thành phố Ramala, bày tỏ sự vui mừng, và giơ các biểu ngữ ủng hộ sự đoàn kết giữa các đảng phái, chấm dứt sự can thiệp của lực lượng chiếm đóng Israel.(VOV/Reuters)
2. Chính phủ chuyển tiếp mới của Libya ngày 24/11 đã tuyên thệ nhậm chức với nhiệm vụ đoàn kết đất nước bị tàn phá sau chiến tranh, dọn đường cho một hiến pháp mới và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng bảy tháng tới. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Abdel Rahim al-Kib cam kết chính phủ sẽ đại diện cho toàn thể nhân dân Libya, trung thành với "các mục tiêu của cuộc cách mạng ngày 17/2", "bảo vệ nền độc lập, an ninh và thống nhất lãnh thổ của Libya”.(Vietnamplus/AFP)
3. Tòa án Tối cao Philippines, hôm 24/11, ra phán quyết tịch thu đất đồn điền trồng mía của gia đình Tổng thống Aquino III để chia cho hàng ngàn nông dân nghèo, trong khuôn khổ chương trình cải cách ruộng đất của chính phủ. Phán quyết này được xem là rất cụ thể và mạnh mẽ vì trước đó chính tòa án này quyết định rằng những nông dân nghèo nói trên chỉ được chia cổ phần của trang trại mía.(Tiền Phong)
4. Ngày 24/11, chính quyền quân sự Ai Cập đã chỉ định cựu thủ tướng Kamal Ganzouri vào vị trí thủ tướng mới của nước này. Chính phủ dân sự tiền nhiệm của thủ tướng Essam Sharaf đã phải từ chức cách đây ít ngày do tình trạng bạo động tại Cairo và nhiều thành phố khác. Ngoài việc bổ nhiệm ông Ganzouri, giới quân sự Ai Cập cũng cam kết sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày 28/11 tới theo đúng lịch trình.(Tuổi trẻ/ RIA)
5. Cựu Tổng thống Madagascar Didier Ratsiraka đã về nước ngày 24/11 sau 9 năm sống lưu vong tại Pháp. Ngay sau khi về nước, ông Ratsiraka đã kêu gọi các phe phái hòa giải để chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài tại quốc đảo này. Sự trở về của cựu Tổng thống Ratsiraka là một động thái tích cực mới đối với Madagascar, sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc do ông Omer Beriziky làm Thủ tướng vừa được thành lập.(Vietnamplus)
6. Ngày 24/11, tại Strasbourg (Pháp) đã diễn ra cuộc họp ba bên Pháp - Đức-Italy nhằm thảo luận các biện pháp phối hợp đối phó với khủng hoảng và kế hoạch cải cách kinh tế Italy. Tuy nhiên, hội nghị không đạt được kết quả như mong muốn mà ngược lại đã bộc lộ những bất đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Pháp và Đức. (VOV/AP)
7. Ngày 25/11 (giờ VN), các đại diện của Vênêxuêla và Trung Quốc đã ký kết 9 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, công nghiệp, vũ trụ, văn hóa và xã hội. Đánh giá bước tiến đạt được trong quan hệ song phương, Tổng thống Hugo Chavéz khẳng định đây là một liên minh chiến lược hơn một thập kỷ qua và điều này trở thành một điển hình về hợp tác giữa 2 nước chủ quyền.(TTX/Tin tức)
8. Ngày 24/11, đoàn tàu chở rác thải hạt nhân của Pháp đã khởi hành ở thị trấn Valognes, vùng Normandy, để vượt qua 1.500km đến Đức, bất chấp những cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những người phản đối năng lượng hạt nhân đang tìm cách ngăn chặn đoàn tàu. Người biểu tình Pháp cho rằng tai nạn ở Nhà máy hạt nhân Fukushima tại Nhật là bằng chứng cho thấy nước Pháp cần từ bỏ năng lượng hạt nhân.(Tuổi trẻ/Reuters)
Tin thế giới đọc nhanh trưa 25/11/2011