Vô vàn khó khăn khi địa phương cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh

17/05/2023 06:40
Trần Phương
GDVN- Các cơ sở giáo dục mầm non không có vị trí việc làm là giáo viên tiếng Anh nên việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh gặp nhiều khó khăn.

Ngày 31/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Theo đó, việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh sẽ được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25-35 phút.

Tùy thuộc vào điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ được tổ chức linh hoạt vào các thời điểm khác nhau, phù hợp với khả năng của trẻ. Tuy nhiên, cần chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời theo dõi và hỗ trợ trẻ giao tiếp tương tác bằng tiếng Anh kịp thời trong quá trình làm quen.

Bên cạnh đó, giúp cho trẻ có thêm những vốn từ phong phú, tiếp nhận thêm những nền văn hóa văn minh của các nước trên thế giới.

Một buổi giao lưu tiếng anh cho trẻ 5 tuổi ở Điện Biên. Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên

Một buổi giao lưu tiếng anh cho trẻ 5 tuổi ở Điện Biên. Ảnh minh họa: Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên

Tuy nhiên, triển khai thực hiện thông tư này ở mỗi địa phương lại có những khó khăn riêng.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với bà Trần Thị Thúy – Phó Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên) về một số khó khăn trong việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh tại tỉnh này,

Theo bà Trần Thị Thúy: “Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung này như: Công văn số 2485/SGDĐT-GDMNTH ngày 10/10/2022 về thực hiện Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non; Thông báo số 2727/SGDĐT-GDMNTH ngày 04/11/2021 về danh sách giáo viên đủ điều kiện thực hiện chương trình Làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo, tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2 năm học 2022-2023.

Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non chỉ tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh khi có đủ điều kiện theo quy định và cha mẹ trẻ em có nhu cầu.

Căn cứ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi và nhu cầu của cha mẹ trẻ của trẻ em trong việc cho trẻ tham gia Chương trình Làm quen với tiếng Anh và lựa chọn các đơn vị, cá nhân giáo viên đủ điều kiện dạy tiếng Anh cho trẻ để tổ chức cho trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) làm quen với tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Năm học 2022-2023, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo tại 03 Phòng Giáo dục và Đào tạo (Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo) với 107 lớp mẫu giáo và 2.710 trẻ từ 3-5 tuổi.

Nói về khó khăn trong quá trình triển khai đối với các trường có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều điểm lẻ, bà Thúy cho biết: Việc triển khai thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo đối với các trường có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều điểm trường lẻ, việc triển khai chương trình gặp một số khó khăn như:

"Theo quy định hiện nay thì các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có biên chế để dạy tiếng Anh cho trẻ, kinh phí là do cha mẹ trẻ đóng góp.

Đa số cha mẹ của trẻ em là người dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn khó khăn chưa có điều kiện để đóng góp kinh phí cho trẻ tham gia học nên số lượng trẻ em có nhu cầu tham gia không lớn.

Bên cạnh đó số lượng giáo viên có đủ điều kiện để tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non còn ít nên việc bố trí giáo viên đến làm việc tại các trường mầm non ở khu vực khó khăn, đặc biệt là đến các điểm trường lẻ còn gặp nhiều khó khăn và hiện nay mới tổ chức được cho trẻ ở các trường khu vực thuận lợi, ở điểm trường chính chưa triển khai thực hiện được ở các điểm trường lẻ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non công lập không có vị trí việc làm cho giáo viên tiếng Anh nên các cơ sở giáo dục mầm non phải thực hiện hợp đồng với các trung tâm có giáo viên tiếng Anh hoặc giáo viên có đủ điều kiện theo quy định để thực hiện.

Từ thực tiễn triển khai, bà Trần Thị Thúy cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu để có biên chế giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Nói về việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ 5 tuổi, bà Thúy cho biết, cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm là điều cần thiết, bởi đây là độ tuổi trẻ có thể phát triển ngôn ngữ một cách nhanh chóng.

Nếu thực hiện giảng dạy trong trường mầm non, trẻ có thể vừa học vừa chơi, khơi gợi hứng thú với ngoại ngữ, làm tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non vẫn đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt các địa phương vùng cao sẽ càng khó triển khai hơn.

Nếu muốn đưa Thông tư 50 vào thực tiễn, các địa phương sẽ cần sự đầu tư không nhỏ, đặc biệt là đầu tư về tài chính và nhân lực.

Trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh bằng những từ đơn giản. Ảnh minh họa

Trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh bằng những từ đơn giản. Ảnh minh họa

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Viên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã (Sơn La) cho biết:

"Tại Sông Mã, năm học 2022 -2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Tuy nhiên, việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh chỉ thực hiện được ở một số trường tại thị trấn và điểm trường gần trung tâm, còn các điểm trường xa cũng rất khó.

Chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi vẫn đang triển khai bằng các hình thức cho trẻ làm quen với hình ảnh, các từ, mẫu câu đơn giản thông qua tình huống chơi, trải nghiệm, hát, múa...

Việc cho trẻ 5 tuổi làm quen tiếng Anh là tự nguyện nhưng rất khó đối với địa bàn các địa phương miền núi. Dù rất muốn con làm quen với tiếng Anh từ 5 tuổi nhưng điều kiện kinh tế của các phụ huynh còn vất vả nên cũng không dễ để triển khai.

Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở vật chất của các trường. Vị trí việc làm của giáo viên tiếng Anh cho trường mầm non trên địa bàn huyện Sông Mã không có nên vùng sâu, vùng xa không thể triển khai".

Ông Nguyễn Công Viên cũng cho biết thêm, nói về vị trí việc làm cho giáo viên dạy môn tiếng Anh ở cơ sở giáo dục mầm non cũng là vấn đề rất nan giải. Bởi trên địa bàn huyện Sông Mã, giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học cùng còn đang rất khăn vì thiếu và cũng không có nguồn tuyển, nên việc có vị trí việc làm cho giáo viên mầm non thì việc tuyển dụng cũng rất khó.

Bên cạnh đó, vấn đề chính sách cho giáo viên dạy tiếng Anh cũng sẽ là một bài toán mà người làm giáo dục phải đau đầu vì nếu họ giỏi, họ đủ năng lực về ngoại ngữ thì rất khó họ chọn lên những vùng khó khăn để công tác, bởi ở vùng thuận lợi, bằng trình độ của mình họ có thể tìm những công việc có thu nhập tốt hơn.

Chính vì vậy, chương trình cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh là tốt song Sông Mã vẫn chưa thể triển khai mở rộng".

Trần Phương