Cô phó hiệu trưởng vùng cao chia sẻ hành trình vận động trẻ mầm non ra lớp

25/05/2023 06:48
Ngọc Mai
GDVN-"PH bảo muốn con đi học thì cô phải cõng con đến lớp. Tôi nghĩ, nếu nhà nào cũng bắt cô cõng con, họ mới cho con đi học chắc cô giáo cũng đến bỏ nghề".

Đó là chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Tám (sinh năm 1982) hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình công tác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tám kể, tính đến nay, cô đã công tác tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang được 19 năm, 5 tháng.

Nhà giáo Nguyễn Thị Tám - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC.

Nhà giáo Nguyễn Thị Tám - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC.

Cô Tám quê gốc ở xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên cô gác lại ước mơ học y để thi và tốt nghiệp chuyên ngành Nhà trẻ - Mẫu giáo của Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ vào năm 2003.

Tháng 9/2003, cô Tám được nhận vào dạy lớp 4 tuổi của Trường Mầm non xã Vân Đồn (tỉnh Phú Thọ) với mức lương chỉ 150.000 đồng/tháng.

Đầu tháng 11/2003, cô Tám nộp hồ sơ thi tuyển tại Hà Giang. Đến tháng 12/2003, cô Tám nhận quyết định trúng tuyển và được phân công điều động về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc. Sau đó, cô được phân công về làm giáo viên Trường Mầm non xã Cán Chu Phìn. Tháng 8/2004, cô chuyển sang Trường Mầm non xã Lũng Pù.

Tháng 11/2008, cô được tín nhiệm làm phụ trách trường tại Trường Mầm non Khâu Vai. Tháng 11/2017 đến nay, cô Tám làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xín Cái.

Nhắc về hoàn cảnh gia đình cô Tám, ai cũng khâm phục vị Phó Hiệu trưởng một mình nuôi 2 con nhỏ sau cú sốc mất con và chồng.

Cô Tám vẫn nhớ ngày định mệnh (03/01/2015) xảy ra vụ tai nạn nổ bình khí bơm bóng bay đã cướp đi đứa con trai đầu lòng của cô. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, tháng 6/2016, chồng cô Tám qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Hiện tại, cô Tám một mình nuôi 2 con gái nhỏ (con lớn 8 tuổi, con nhỏ 6 tuổi).

“Nhiều đêm không ngủ được, tôi nghĩ về hoàn cảnh và khóc. Tôi tự dặn lòng phải cố gắng gồng mình làm việc để tròn vai trò người mẹ và thêm trách nhiệm của người bố.

Ở Trường Mầm non Xín Cái, tôi được đồng nghiệp thương yêu, tạo điều kiện để tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ chức trách, vừa có thời gian chăm sóc hai con. Tôi cảm thấy biết ơn và coi đồng nghiệp như gia đình, ruột thịt”, cô Tám xúc động.

Một mình cô nuôi 2 đứa con, gia đình cô Tám rất vất vả. Nhà cô Tám cách Trường Mầm non Xín Cái 17km, ngày 2 buổi đến trường. Mỗi sáng, cô dậy từ 5 giờ để chuẩn bị đồ ăn cho con. Khoảng 6 giờ 30, cô đưa con nhỏ đến lớp sau đó đi làm.

Nhà giáo Nguyễn Thị Tám cùng các em học sinh Trường Mầm non Xín Cái. (Ảnh: NVCC).

Nhà giáo Nguyễn Thị Tám cùng các em học sinh Trường Mầm non Xín Cái. (Ảnh: NVCC).

Cô và trò Trường mầm non Xín Cái. (Ảnh: NVCC).

Cô và trò Trường mầm non Xín Cái. (Ảnh: NVCC).

Trường Mầm non Xín Cái nằm ở xã biên giới của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Toàn xã có 19 thôn bản, 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Xuồng, Lô Lô, Giáy, Mông, Dao.

Hiện trường có 25 phòng học với 562 học sinh. Trong đó, điểm trường chính có 1 nhà lớp học kiên cố gồm 6 phòng và 1 nhà hiệu bộ. 12 phòng học bán kiên cố ở 7 điểm trường lẻ đặt tại các thôn. Nhà trường đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2 và trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình công tác, cô Tám kể, ngày công tác tại điểm trường Quán Xí – điểm trường lẻ của Trường Mầm non xã Lũng Pù, cô nhận được lời đề nghị của phụ huynh khi đi vận động trẻ là nếu muốn con họ đi học thì cô phải cõng con ra lớp.

“Hôm đó, tôi cùng một cô giáo đi vận động học sinh. Phụ huynh lúc thì nói cháu đi học rồi, lúc lại nói cháu đi chơi. Ngồi tại nhà một lúc, nghe gầm giường lục đục, tôi ngó đầu xuống thì thấy học sinh của mình đang trốn dưới đó.

Phụ huynh bảo tôi muốn cho cháu Pó (tên của học sinh) đi học, thì phải cõng cháu ra lớp. Nói thật, lúc đó tôi nghĩ, nếu đi gọi học sinh nào phụ huynh cũng bắt cõng con họ ra lớp mới cho đi thì cô giáo cũng đến bỏ nghề vì đường đến trường đèo dốc. Song, tôi vẫn cõng cháu về lớp học, đi trước tôi là một đoàn học sinh rất đáng yêu, hồn nhiên. Khi đó, tôi nghĩ sẽ làm tất cả để học sinh được ra lớp. Tôi cõng học sinh này đến lớp trong 1 tháng. Thấy được tâm huyết của giáo viên, sau đó, phụ huynh tự đưa con đến lớp đều đặn”, cô Tám chia sẻ.

Những năm gần đây, Nhà nước quan tâm về chế độ ăn trưa của trẻ theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, nên giáo viên không còn phải đi vận động các em như trước mà được phụ huynh quan tâm đưa đón con.

Điểm trường chính được nhà nước và Đại sứ quán Hoa Kỳ đầu tư xây dựng nên lớp học và các phòng chức năng có diện mạo khang trang, sạch đẹp. Trường Mầm non Xín Cái nhận trẻ từ 3-5 tuổi, chưa nhận trẻ từ 18-24 tháng tuổi do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không đảm bảo.

Hiện tại, đường giao thông liên thôn di chuyển đến các điểm trường lẻ vẫn chưa đổ bê tông. Giáo viên chỉ đi được một đoạn bằng xe máy, sau đó lại đi bộ mới đến được điểm trường. Ở các điểm trường lẻ, cơ sở vật chất còn thiếu, chủ yếu là lớp ghép, đồ dùng, đồ chơi chưa phong phú. Đặc biệt, một số điểm trường lẻ còn thiếu nước sinh hoạt và sân chơi cho trẻ.

Theo Thông tư số 13/2020/TT-BGD&ĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Trường Mầm non Xín Cái còn thiếu rất nhiều và cần đầu tư về cơ sở vật chất, nhà lớp học theo hướng kiên cố, bổ sung đồ dùng, đồ chơi.

“Bất đồng ngôn ngữ là một trong những khó khăn. Giáo viên từ miền xuôi lên công tác nhiều nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ngoài ra, nhà trường chưa có đủ giáo viên so với chỉ tiêu biên chế dẫn đến thiếu định biên lớp học, khó khăn phân công nhiệm vụ”, cô Tám chia sẻ.

Theo lời cô Tám, trẻ 3-4 tuổi đi học còn “gài răng lược”, thậm chí không đến lớp do trẻ nhỏ, chưa tự đến trường, phụ huynh chưa quan tâm. Cũng do cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu thốn, không đủ định biên giáo viên nên trường ưu tiên mở lớp cho học sinh 5 tuổi trước.

Tâm sự về đời sống giáo viên mầm non vùng biên giới, theo cô Tám, giáo viên tuy được Nhà nước quan tâm nhưng so với đặc thù công việc thì mức thu nhập còn thấp. Có giáo viên là lao động chính, một mình nuôi gia đình 3-4 thành viên thì không đủ để trang trải cuộc sông.

“Tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đối với giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại các vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn như: có chế độ chính sách đãi ngộ riêng, nâng mức phụ cấp...

Giáo viên đều mong được làm đường giao thông liên thôn để đường đến trường dễ dàng hơn. Các cô không phải đi một đoạn đường mà lúc thì đi xe máy, lúc lại đi bộ, rất vất vả vào ngày mưa gió", cô Tám chia sẻ mong muốn.

Được biết, Trường Mầm non Xín Cái có tổng 29 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 26 giáo viên (13 giáo viên trình độ đại học; 3 giáo viên trình độ cao đẳng; 10 giáo viên trình độ trung cấp hiện đang học đại học để nâng chuẩn).

Ngọc Mai