Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển của nước ta.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành STEM, do đó đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời để không ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Nhiều lý do khiến người học khối ngành STEM không muốn học lên cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, thực tế của trường hiện nay cho thấy số sinh viên học khối ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ sau khi tốt nghiệp học lên bậc sau đại học thường thấp hơn so với khối ngành kinh tế.
Mỗi năm, nhà trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu số lượng người học bậc thạc sĩ, tiến sĩ cho khối ngành STEM.
Studio thiết kế sản phẩm gỗ và nội thất và xưởng máy và thiết bị chế biến gỗ của Khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: NT) |
Theo thầy Hải, số người học sau khi tốt nghiệp khối ngành STEM chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1: Một bộ phận người học sau khi tốt nghiệp do có việc làm ngay và thu nhập cao nên thấy như vậy là đủ, không cần phải học lên cao.
Đây cũng là lý do của nhiều sinh viên khối ngành STEM của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bởi khi ra trường, các em có việc làm ngay và mức lương tương đối cao. Thậm chí, có sinh viên năm 3, năm 4 đã được doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.
Nhóm 2: Bộ phận người học khác lại nhận thấy việc học sau đại học ở khối ngành STEM rất khó từ đầu vào, đề tài nghiên cứu, luận văn,... Trong khi đó, nếu học lên thạc sĩ, tiến sĩ ở khối ngành kinh tế dễ dàng hơn nhiều.
Nhóm 3: Một số người học khác sau khi tốt nghiệp đại học lại muốn cần thời gian để học tập, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm rồi mới tính đến việc học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
Ngoài ra, số sinh viên sau khi tốt nghiệp khối ngành STEM chủ yếu muốn làm việc ở các doanh nghiệp. Trong khi, doanh nghiệp lại thường không yêu cầu bằng cấp trình độ cao, đặc biệt là công ty nước ngoài. Thậm chí, ngay tại phòng thí nghiệm, doanh nghiệp cũng chỉ yêu cầu nhân lực có thể nghiên cứu được, không cần phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ,...
Vì sao lại thiếu?
Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao khối ngành STEM có thể gây ra một số hệ lụy như: Nền khoa học nước nhà sẽ khó phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh về những nghiên cứu mang hàm lượng chất xám khoa học cao trong tương lai sẽ kém đi và chúng ta sẽ không có đủ nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà nước ta đang đặt mục tiêu hướng tới. Đặc biệt, khi giảng viên khối ngành STEM của các cơ sở giáo dục đại học đến tuổi về hưu thì sẽ không có người kế thừa để đào tạo các thế hệ tiếp theo, khó có thể duy trì, phát triển ngành học này.
Nhận thức được điều đó, hiện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến tới giải pháp không đặt nặng việc nghiên cứu mang lại nguồn thu thay vào đó là đầu tư để phát triển mạnh những nhóm nghiên cứu trọng điểm. Đồng thời, trường tập trung vào các sáng chế, sở hữu trí tuệ thay vì các bài báo khoa học và đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để nghiên cứu, làm ra sản phẩm với giá trị chất xám cao và có chính sách hỗ trợ cho giảng viên trẻ mới tuyển dụng được học lên bậc cao hơn.
Từ thực tế của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hải đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao cho khối ngành STEM.
Thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học cần truyền tải thông tin, cách thức thực hiện rộng rãi đến đông đảo những người đã tốt nghiệp đại học. Việc làm này nên kết hợp cùng các địa phương để hướng tới những nghiên cứu giúp ích cho tỉnh/thành phố.
Thứ hai, cần tập trung phát triển nghiên cứu vào những lĩnh vực sẽ mang tính chất mũi nhọn trong tương lai, tránh nghiên cứu tràn lan.
Thứ ba, cần gia tăng việc kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp. Bởi nước ta có rất nhiều doanh nghiệp nhưng thực tế có rất ít doanh nghiệp thực hiện đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các trường đại học.
Nhìn từ các nước trên thế giới phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, công nghệ cho thấy hầu hết các nghiên cứu, dự án của đại học/trường đại học, viện nghiên cứu đều làm việc với doanh nghiệp chứ không phải Chính phủ. Khi doanh nghiệp rót tiền xuống, nhà trường sẽ chiêu mộ những nhà khoa học để thực hiện và trả thu nhập tương đối cao cho họ.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Khổng Trung Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang cho biết, những năm qua, việc tuyển sinh bậc thạc sĩ, tiến sĩ cho khối ngành STEM của trường tương đối khó khăn.
Để góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho khối ngành STEM, thầy Thắng mong rằng, các đơn vị sử dụng lao động có thêm chính sách cho việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không những vậy, nhà nước cần có thêm những học bổng để hỗ trợ về mặt chi phí đào tạo, nghiên cứu cho những người học sau đại học của khối ngành STEM. Vì hiện nay, hầu như các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của nước ta rất ít học bổng, chỉ có một số chương trình liên kết với nước ngoài mới có học bổng.
“Đứng trước “cơm, áo, gạo, tiền”, nhiều người dù có nhu cầu nhưng không có học bổng hỗ trợ nên khó có thể học lên các trình độ sau đại học”, thầy Thắng bày tỏ quan điểm.