Trước đây, học sinh cấp tiểu học được khen thưởng ở các danh hiệu: học sinh giỏi, học sinh tiên tiến,…số lượng học sinh đạt 2 danh hiệu này trong mỗi lớp cũng không nhiều.
Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học thì ngành giáo dục đã chuyển từ việc cho điểm sang đánh giá bằng nhận xét và việc khen thưởng cuối năm cũng có thay đổi.
Một bảng tổng hợp đánh giá học sinh khối 2. |
Học sinh được khen thưởng cuối năm không còn danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà thay bằng danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc, học sinh nổi trội và vượt trội môn học...
Cách ghi giấy khen cũng rất nhiều kiểu như học sinh Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập; Học sinh Hoàn thành xuất sắc nội dung rèn luyện; khen thưởng về năng lực, khen thưởng về phẩm chất; vượt trội môn Toán...hay nổi trội môn Anh văn, vượt bậc môn Toán...
Lúc đó, giáo viên cũng khá vất vả để chọn lời khen với điểm nổi trội nhất của học sinh để ghi vào giấy khen. Khi đó, mỗi lớp học sĩ số 35 học sinh nhưng số học sinh xếp xuất sắc và nổi trội có khi lên đến 31 em, thậm chí có lớp đạt 100% học sinh được khen thưởng.
Nhằm giảm thiểu bệnh thành tích, giảm thiểu việc ban phát giấy khen một cách quá đà nhưng vẫn đảm bảo được việc khuyến khích, khích lệ tinh thần học tập của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.
Theo đó, việc khen tặng giấy khen chỉ còn 02 danh hiệu cho những em học sinh đạt những tiêu chí nhất định. Việc khen thưởng cuối năm được điều chỉnh hợp lý hơn.
Điều 13, Thông tư 27 về quy định việc khen tặng giấy khen cho học sinh cuối năm học như sau:
Khen thưởng danh hiệu Học sinh xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
Khen thưởng danh hiệu Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Nghĩa là, học sinh muốn có danh hiệu khen thưởng thì cuối năm phải được đánh giá ở mức hoàn thành tốt trở lên.
Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên sẽ đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc.
Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên (và được tập thể lớp công nhận) sẽ đạt danh hiệu Học sinh Tiêu biểu.
Một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng “loạn khen”
Có thể nói, những quy định về các danh hiệu khen thưởng học sinh theo Thông tư 27 đã được siết khá chặt. Theo nhận xét của nhiều thầy cô, nếu đánh giá một cách khách quan và công tâm thì số lượng học sinh đạt 2 danh hiệu khen thưởng theo Thông tư 27 là không nhiều.
Tại trường học của người viết, cả khối với hơn một trăm học sinh cũng chỉ 3 em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc và 12 em đạt danh hiệu Học sinh tiêu biểu.
Thế nhưng vẫn còn những địa phương xảy ra tình trạng "loạn khen" vì số lượng học sinh đạt các danh hiệu còn nhiều hơn số học sinh không đạt.
Cô giáo Kim Lan, một đồng nghiệp giảng dạy tại một tỉnh Tây Nguyên cho biết: “Học sinh xếp loại xuất sắc, tiêu biểu như mưa. Có lớp trên bốn chục em thì có gần 30 em đạt học sinh xuất sắc và tiêu biểu. Tôi đánh giá thực chất nên số lượng đạt được danh hiệu khá ít nhưng nhìn qua thấy đồng nghiệp đánh giá mà thấy chóng mặt”.
Một bảng tổng hợp đánh giá học sinh khối 1. |
Không nhiều như trường của cô giáo Kim Lan, trường của cô giáo Ngọc Mai lại quy định, tỉ lệ học sinh được khen thưởng không quá 30% trong lớp. Cụ thể, lớp học có 40 em, số học sinh được khen ở cả 2 danh hiệu xuất sắc và tiêu biểu nhiều nhất chỉ được 12 em.
Tuy thế, vẫn có một số thầy cô giáo băn khoăn, khen ít thế nên không biết khen em nào, bỏ em nào, thấy tội học sinh vì em nào cũng xứng đáng.
Nói về việc nhà trường phải đưa % cố định, một số Ban giám hiệu tiết lộ, ấn định % khen thưởng chỉ để khống chế việc một số giáo viên sẽ “phóng tay” trong việc đánh giá học sinh dẫn đến “loạn khen” như trước đây.
Bên cạnh những địa phương số lượng học sinh được khen thưởng vẫn còn khá cao thì nhiều trường học lại đánh giá học sinh đúng tinh thần của Thông tư 27. Có những lớp chỉ đạt 1 đến 2 em học sinh xuất sắc và tiêu biểu, thậm chí có lớp không có một học sinh nào đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc.
Vì sao cùng đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT mà mỗi giáo viên lại có cách đánh giá khác nhau?
Thực tế, theo người viết, nếu đánh giá thực chất, khách quan học sinh đạt các danh hiệu theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT sẽ vô cùng khó.
Bởi theo Điểm a, Khoản 1, Điều 13, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định về khen thưởng:
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:
a) Khen thưởng cuối năm học:
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Học sinh muốn đạt được danh hiệu Học sinh Xuất sắc thì 7 môn học (trừ môn ngoại ngữ đối với lớp 1, 2), 9 môn học đối với lớp 3 cùng với 5 phẩm chất và 8 năng lực cốt lõi đều phải được đánh giá ở mức Hoàn thành tốt.
Không phải cứ điểm kiểm tra cuối kỳ đạt điểm 9 hoặc 10 (đối với những môn đánh giá bằng điểm số) là được đánh giá Hoàn thành tốt nhưng muốn đánh giá Hoàn thành tốt (để đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc) chắc chắn phải đạt điểm 9, 10.
Giáo viên không chỉ nhìn vào điểm thi đạt được để đánh giá mà phải nhìn cả quá trình học tập, rèn luyện của các em.
Đã có học sinh kiểm tra cuối kỳ đạt điểm 9, thậm chí điểm 10 nhưng giáo viên vẫn được quyền đánh giá là Hoàn thành vì suốt quá trình học giáo viên nhận thấy, em học sinh này ít tương tác với bạn, kỹ năng học nhóm chưa tốt, chưa năng nổ trong quá trình học, kiến thức tiếp thu chưa ổn định…
Đã có những học sinh 8 môn học và 13 phẩm chất, năng lực đều đạt Hoàn thành tốt nhưng có phân môn Mỹ thuật hoặc Âm nhạc (thuộc môn năng khiếu) không được đánh giá Hoàn thành tốt cũng không được khen học sinh tiêu biểu chứ nói gì đến danh hiệu Học sinh Xuất sắc.
Để đánh giá chính xác một môn năng khiếu mức Hoàn thành tốt thì em học sinh ấy phải thật sự có năng khiếu ở những môn học này. Nếu là phân môn Âm nhạc, không chỉ thuộc lời ca, biết sáng tạo điệu bộ trên nền bài hát, còn đọc nhạc chuẩn, gõ phách đúng giai điệu mà sẽ còn phải hát hay, múa dẻo…một lớp học, hỏi mấy em có được năng khiếu như thế này?
Hay như phân môn Mỹ thuật, để xếp mức Hoàn thành tốt thì học sinh này phải có năng khiếu hội hoạ. Không dừng ở việc bố cục bức vẽ phải chuẩn, chỉnh, phối màu hài hoà mà còn biết vẽ sáng tạo…cũng không nhiều học sinh có được.
Nếu đánh giá một cách công tâm, khách quan thì một lớp có khi không học sinh nào đạt được danh hiệu khen thưởng cũng là điều dễ hiểu. Nếu thầy cô giáo linh động “hạ chuẩn” để khuyến khích, động viên học sinh thì số lượng học sinh được khen một lớp khoảng năm bảy em đã là quá nhiều.
Vì thế, địa phương nào để xảy ra tình trạng “loạn khen”, “mưa giấy khen” như trước đây cũng cần xem xét lại cách chỉ đạo chuyên môn của nhà trường và cách đánh giá, nhận xét để xếp loại học sinh của giáo viên có đang thoáng quá hay không?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.